Bộ trưởng đi xe buýt, Chủ tịch tỉnh đi xe máy có giảm được ùn tắc?

PV Chủ nhật, ngày 18/08/2019 14:58 PM (GMT+7)
Đề xuất thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt nhằm để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông đang nhận được rất nhiều ý kiến. Mô hình này có thể giúp giảm ùn tắc giao thông?
Bình luận 0

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát và kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu vấn đề, hiện nay để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, có thông tin và dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt.

img

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: I.T

Đề xuất này đã tạo nên những ý kiến trái chiều trong dư luận. Bạn đọc P.V.Tài (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Tôi đồng tình với ý kiến Đại biểu Thuỷ, làm như thế vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, vừa gần gũi dân. Như vậy sẽ phát huy tốt vai trò của người đại biểu, cán bộ; giải quyết kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Tôi thiết nghĩ Bộ trưởng Bộ GTVT nên tập trung vào việc làm sao để đồng bộ hoá cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ các dự án để hạn chế thấp nhất ùn tắc giao thông, giao thông có thuận tiện kinh tế theo đó sẽ phát triển thôi”.

Tương tự, bạn đọc Thanh Sang cho rằng: “Lãnh đạo đi làm mỗi ngày nên đi xe máy để giảm chi phí ngân sách nhà nước, còn đi công tác xa thì đi ô tô. Cán bộ làm tốt trách nhiệm gương mẫu đất nước phát triển, dân mới giàu”.

Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến cho rằng bản chất của việc ùn tắc giao thông là lượng xe cá nhân hiện nay quá nhiều và cần phải giải quyết triệt để những vấn đề căn nguyên.

Bạn đọc Ngô Văn Nhiên (Nam Định) nêu quan điểm: “Cán bộ chỉ cũng là số lượng nhỏ không thể giảm nhiều ùn tắc giao thông được. Tôi nghĩ muốn giảm ùn tắc nên thay đổi xe buýt chất lượng, dịch vụ tốt và có thể miễn phí vé xe buýt cho người dân trên tất cả các tuyến ngắn hoặc miễn phí vé buýt qua những con đường có mật độ ùn tắc cao chẳng hạn.

Từ đó cán bộ, học sinh, nhân viên cùng sử dụng xe buýt vừa làm đỡ ùn tắc, vừa văn minh, vừa ít khí thải ra môi trường”.

Còn bạn đọc Thanh Du (Hà Nội) cho rằng nên đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện công cộng. Thanh Du cho biết: “Các lãnh đạo bộ, tỉnh, ban ngành không nhất thiết phải đi xe máy, xe đạp đi làm mà bắt buộc đi xe buýt hoặc phương tiện công cộng đi làm để giảm ùn tắc lại tiết kiệm ngân sách và cần bộ giao thông phải thực hiện trước để làm gương”.

“Mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt sẽ mang tính khích lệ người dân ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, nhưng nó có khiến cho đường bớt tắc không, ai cũng hiểu điều đó là không. Bởi vì các phương tiện công cộng của chúng ta còn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Nếu không giải quyết được vấn đề thì mô hình này sẽ chỉ mang tính hình thức. Vậy thay vì chúng ta làm 1 cách hình thức thì các bộ ban ngành, đặc biệt là bộ GTVT hãy tập trung toàn lực để giải quyết vấn đề là phương tiện công cộng và hạ tầng đường đi” – bạn đọc Lâm Việt (Hà Nội) nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem