Xử lý hàng trăm triệu tấn phân và chất thải chăn nuôi: Mô hình liên hợp tuần hoàn được kỳ vọng

Trần Quang Thứ năm, ngày 13/07/2023 11:34 AM (GMT+7)
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giai đoạn 2018 – 2022, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 chất thải lỏng được thải ra từ các loại vật nuôi chính.
Bình luận 0

Các chuyên gia cho rằng, cần áp dụng mô hình liên hợp tuần hoàn để xử lý triệt để phân thải và tái sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi bảo đảm môi trường.

Lãng phí, ô nhiễm môi trường từ phân thải

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, trong số 61 triệu tấn phân thải ra từ các loài vật nuôi chính thì 40% chất thải là từ chăn nuôi bò, 34% từ chăn nuôi lợn, 21% từ nuôi trâu và 6% từ gia cầm. Còn trong số 304 triệu tấn nước thải, chăn nuôi lợn chiếm nhiều nhất - trên 84%.

Một phần trong số phân và chất thải đó được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, hoặc là nguồn nuôi côn trùng cung cấp protein chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, một phần lớn hơn vẫn thải ra môi trường, vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường.

Xử lý hàng trăm triệu tấn phân và chất thải chăn nuôi: Mô hình liên hợp tuần hoàn được kỳ vọng - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của gia đình ông Nguyễn Hữu Tuệ ở Kim Động (Hưng Yên). Ảnh: Trần Quang

"Muốn chăn nuôi bền vững, có lợi nhuận tốt, bên cạnh chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, bà con cần có các giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường".

TS Nguyễn Xuân Dương -

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào năng suất, sản lượng theo tư duy tuyến tính, chưa đặt cao yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện môi trường, chưa quan tâm dư thừa của quá trình sản xuất… 

Hệ quả là tình trạng lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi phổ biến, thậm chí gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, trao đổi với các đại biểu tại hội thảo "Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường"- TS Nguyễn Anh Phong (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho hay: Nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được văn bản hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn.

Tái sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi

Góp ý, hiến kế để xử lý, tái sử dụng hàng trăm triệu phân, nước thải chăn nuôi, ông Hà Văn Thắng cho rằng cần phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc trên nền kinh tế tuần hoàn. 

"Mô hình này cần được xây dựng theo hình thức một khu liên hợp, có chức năng tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, phân bón. Các khu liên hợp sẽ diễn ra hoạt động tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý chất thải trong chăn nuôi"- Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Anh Phong kiến nghị cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và thương mại nông sản theo kinh tế tuần hoàn tương tự như các ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. "Phải có chính sách hỗ trợ về vốn, tiếp cận tín dụng, công nghệ, thị trường nhằm khuyến doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn" - ông Phong nói.

TS Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, ông từng đến thăm các mô hình chăn nuôi ở Đài Loan và thấy các trang trại chăn nuôi có các giải pháp xử lý chất thải, tái sử dụng tài nguyên này để phục vụ ngược lại sản xuất rất bài bản, chuyên nghiệp: "Nhiều nông dân ở nước ta kêu khó xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn nhưng thực chất là chúng ta chưa có quy trình chuẩn để làm việc đó. Muốn phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội mà còn giảm tác động với môi trường, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu… thì tất yếu phải đi theo hướng chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, hữu cơ".

Ông Nguyễn Mộng Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và tran trại chăn nuôi tỉnh Thái Bình khẳng định: Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Việt Nam chịu áp lực quá lớn từ môi trường, dẫn đến dịch bệnh phức tạp lây lan nhanh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…

Để giải quyết bài toán về môi trường, ông Thuận cho biết, trong thời gian qua, nhiều trang trại ở Thái Bình đã chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ. "Chúng tôi đã dùng chế phẩm vi sinh để xử lý phân gà, sau đó đem bón cho ruộng lúa. Xong mỗi vụ lúa, bà con lại thả nuôi tôm, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hơn nữa, các trại nuôi gà được xử lý phân bằng vi sinh còn bán được phân với giá cao, thậm chí có trại còn không có hàng để bán" - ông Thuận cho hay, và kiến nghị các nhà khoa học cần nghiên cứu và tuyên truyền để người dân, các trang trại chăn nuôi dần chuyển đổi sang mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ theo hướng tuần hoàn mới đảm bảo bền vững. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem