Xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng: Ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0

Văn Long Thứ sáu, ngày 01/11/2019 18:00 PM (GMT+7)
Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Tây Nguyên. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì là ngọn cờ đầu trong chương trình, tỉnh xác định ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, giúp các huyện, xã nâng cao các tiêu chí.
Bình luận 0

Ứng dụng công nghệ 4.0

Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh có xuất phát điểm thấp khi xây dựng NTM so với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng, tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư nông thôn, địa phương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Chính điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Khoát - Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Các xã, huyện đã đạt chuẩn cần tiếp tục duy trì và nâng cao những kết quả đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu”.

img

Thu hoạch dâu tây tại Vườn dâu công nghệ cao Thắng Thịnh (khu phố Đăng Lèn, huyện Lạc Dương). Ảnh: V.L

Hiện nay, nếu đánh giá về tính chất kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC thì huyện Đơn Dương đã trở thành một điển hình tiêu biểu bởi 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp do các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đều ứng dụng CNC trong quá trình sản xuất, thu nhập bình quân lên đến 250-300 triệu đồng/ha/năm.

Cũng theo ông Khoát, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 20% số xã đạt NTM nâng cao và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Hiện nay, huyện Đơn Dương là 1 trong 4 huyện điểm của cả nước, được T.Ư lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu về “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh” giai đoạn 2019 - 2025.

“Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng NTM kiểu mẫu, trên thực tế chủ yếu là ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở những địa phương đang xây dựng NTM kiểu mẫu. Đối với huyện Đơn Dương, mục tiêu là xây dựng huyện phát triển toàn diện và bền vững, trở thành kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh, tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có hàm lượng khoa học CNC, có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và hướng đến xuất khẩu, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” - ông Khoát giải thích.

Theo đề án, đến năm 2025, 5 xã của huyện Đơn Dương sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh là Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô, Tu Tra và Đạ Ròn. Trong đó, có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với 3 sản phẩm chủ lực là rau, hoa và bò sữa. Để cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra, địa phương cần thực hiện 5 tiêu chí gồm: Quy mô sản xuất, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng CNC theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện

Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,59%), bình quân đạt 18,07 tiêu chí/xã. Từ năm 2015 đã không còn xã dưới 5 tiêu chí và đến nay không còn xã dưới 10 tiêu chí. Địa phương có 1 huyện đạt chuẩn NTM là Đơn Dương.

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng theo ông Khoát, chương trình xây dựng NTM tại Lâm Đồng mà cụ thể là huyện Đơn Dương cần thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp nữa để hoàn thiện được mục tiêu đề ra.

Điều quan trọng khi huyện Đơn Dương muốn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp 4.0 là cần quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp CNC. Theo đó, địa phương cần phát triển sản phẩm chủ lực gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện Đơn Dương cần phát triển các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cụ thể, huyện cần xây dựng và củng cố các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, tập trung củng cố các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa, bò sữa.

Ngoài ra, địa phương cần tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp thông minh. Tạo điều kiện pháp lý để có những ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem