Xây dựng Hội vững mạnh, phát triển nông nghiệp An Giang hiện đại

Thứ bảy, ngày 26/05/2018 06:30 AM (GMT+7)
Hôm qua, 25/5 tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023. Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chỉ đạo Đại hội của đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Bình luận 0

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại đại hội.  Ảnh: H.X

Kính thưa đồng chí Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trựcTỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang!

Kính thưa các đồng chí Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam!

Kính thưa đoàn Chủ tịch Đại hội!

Thưa các đồng chí đại biểu Đại hội và đại biểu khách quý!

Hôm nay, tôi cùng Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam rất vui mừng về dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX nhiệm kỳ 2018 - 2023. Xin  chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị khách quí và đại biểu Đại hội mạnh khoẻ, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí!

  Với vị trí quan trọng chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh và là tỉnh có dân số đông nhất ở miền Tây Nam Bộ, 2,55 triệu người, đứng hạng thứ sáu Việt Nam, trên 44,5% diện tích tự nhiên là đất phù sa, có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, đường biên giới dài 100km, được sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chọn Hội Nông dân tỉnh An Giang làm đại hội điểm đầu tiên cấp tỉnh trong cả nước. Trong nhiệm kỳ VIII (2013-2018) dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và các ngành, đoàn thể, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức hội viên, nông dân thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII đạt nhiều kết quả quan trọng, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên, nông dân.

Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; thi đua xây dựng nông thôn mới, tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân và hội viên của mình. Thông qua việc tổ chức thực hiện các phong trào, Hội Nông dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, khơi dậy các tiềm năng, tạo động lực và bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, kết nạp được 69.607 hội viên mới và đưa tổng số hội viên lên 117.556 hội viên, chiếm 73% tổng số hộ nông nghiệp đang sinh hoạt tại 152 cơ sở Hội, chi hội do 1.808 cán bộ duy trì hoạt động.

Các cấp hội của tỉnh đã tổ chức các mô hình liên kết và hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân trong sản xuất đến ký kết các chương trình liên ngành, xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, xây dựng các đề án, dự án tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh rất chú trọng.Trong 5 năm qua các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội VIII đã đề ra, có 7/12 chỉ tiêu đạt và 5/12 chỉ tiêu vượt từ 110 - 150% so Nghị quyết.  Có 865/865 chi Hội xây dựng được Quỹ hội với mức đóng quỹ 25.000 đồng/người/năm. Ngoài 4,37 tỷ đồng được Ủy ban nhân dân cấp từ ngân sách của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh vận động 7,416 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên 20,116 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn được 1.194 lớp dạy nghề với 32.293 học viên và cho vay Quỹ được 10 nghìn lượt hộ nông dân. Trong đó Hội đã chú trọng dạy những nghề có khả năng thu hút lao động chưa có, hoặc thiếu việc làm ở nông thôn như nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tưới tiết kiệm; nghề sữa chữa máy nông nghiệp, nghề tiểu thủ công mỹ nghệ, nghề dịch vụ, nghề giúp việc gia đình...

Giới thiệu được 639 cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đã kết nạp được 465 đảng viên mới.Những kết quả đạt được của hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh An Giang đã góp phần tích cực, quan trọng vào thành quả của hoạt động Hội và phong trào nông dân cả nước. Ghi nhận những nỗ lực của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh An Giang trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng 3 cờ thi đua cho Hội Nông dân tỉnh trong các năm 2014, 2016 và 2017. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân  tỉnh An Giang trong nhiệm kỳ qua.

Thưa các đồng chí!

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của nhiệm kỳ VIII (2013 - 2018), Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX,  nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới là tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân An Giang trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân - lực lượng nông dân giỏi tham gia tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tiếp cận và thực hiện tốt công nghệ 4.0 trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị rau màu, thủy sản cần tiếp tục được phát huy; hình thành các mô hình sản xuất - sản phẩm về nông nghiệp, du lịch nông nghiệp mang tính đặc thù từng địa phương và yếu tố liên kết với các địa phương, các tỉnh trong khu vực nhằm đánh thức, phát huy quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống nông dân; nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong tập hợp, tổ chức nông dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đó là định hướng đúng đắn, sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Hội trong tình hình mới và dự thảo văn kiện lần thứ VII Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề ra. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội, tôi xin nhấn mạnh và làm rõ thêm một số nội dung sau:

Một: Các cấp Hội, mỗi cán bộ Hội và hội viên phải nhận thức sâu sắc về vai trò nòng cốt của Hội và vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đáng sống và giảm nghèo bền vững vì hạnh phúc của đồng bào nông dân, đi đầu thực hiện thắng lợi “ Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020” và “ Chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 – 2020”, hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống giàu có cả về vật chất và tinh thần theo chủ trương của Đảng ta tại Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020. Xuyên suốt những chủ trương ấy của Đảng ta là phải nắm chắc quan điểm cốt lõi coi Dân là gốc, Dân là chủ, Dân làm chủ, Dân cần có Đảng lãnh đạo, cần có Hội Nông dân làm nòng cốt đi tiên phong trong thực hiện các phong trào của nông dân và giữ mối liên hệ mật thiết với nông dân. Từ đó các cấp Hội Nông dân cần phát huy vai trò nòng cốt trong quá trình hình thành từng bước mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất...Đó là tư duy bắt buộc đối với nông dân để không còn rơi vào tình trạng được mùa mất giá, buộc doanh nghiệp khi ký hợp đồng xuất khẩu lớn phải có vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất với nông dân. Chỉ có vậy mới nắm bắt được nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu để sản xuất theo đúng cung-cầu.

Hai. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền, vận động hội viên và đồng bào nông dân với tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân để xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân Việt Nam thực sự trong sạch, vững mạnh, nhằm xây dựng  hình mẫu người cán bộ và hội viên, nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.Tiếp tục phát triển hội viên theo hướng mở rộng đến trí thức, học sinh, sinh viên đi đôi với nâng cao chất lượng hội viên và hoạt động của cơ sở, chi, tổ Hội. Thu hút hội viên nông dân là các trí thức trẻ về nông thôn lập nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp với kỹ năng sản xuất nông nghiệp ở tầm trình độ cao, nâng cao năng xuất lao động, nâng cao thu nhập và xây dựng vùng nông thôn đáng sống, phòng tránh được lao động nông nghiệp bị già hóa.

Thường xuyên chăm lo công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tập hợp, đoàn kết, vận động nông dân; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân; biết và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Chỉ có làm được như thế, Hội Nông dân ta mới góp phần xây dựng chính sách, giữ lại lao động ở lại nông thôn và như một số nước trên thế giới và sự mất mát các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thực hiện được phương châm “không ly nông, bất ly hương”.

Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ trong quy hoạch ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ hội nông dân các cấp phải thấm nhuần sâu sắc lý luận và phương pháp luận dân vận của Chủ nghĩa Mác Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh để làm tốt công tác “dân vận khéo” trong vận động nông dân, biết lắng nghe nông dân và học hỏi nông dân, hiểu nông dân và biết làm nông dân. Chỉ có vậy, cán bộ Hội mới thực sự là người trí thức hoàn toàn, có đức, có tài, không làm phiền lòng dân và luôn được dân tin tưởng yêu mến. Điều quan trọng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Nông dân ta và cán bộ Hội chúng ta là tư duy vì nông dân và dựa vào nông dân thật sự tôn trọng và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân. Điều đó, khẳng định cán bộ là gốc và xây dựng đội ngũ cán bộ của Hội là công việc gốc của Hội Nông dân Việt Nam.

Để xây dựng cán bộ các cấp của Hội Nông dân Việt Nam, mỗi chúng ta phải quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ: “Nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thực của nông dân, nắm vững nguyên tắc liên minh công nông thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh”, bằng sáu nhóm tiêu chí với 12 chữ vàng của cán bộ là phải “ óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Do đó, Bác Hồ yêu cầu cần phải làm tốt năm việc: “ Hiểu cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”. Muốn làm tốt năm việc đó thì người làm công tác tổ chức cán bộ không được mắc bốn bệnh tự cao, tự đại, ưa người ta nịnh mình, ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà chán ghét những người chính trực thẳng thắn. Cho nên, các cấp Hội và mỗi cán bộ Hội phải tiếp tục thực hiện thật tốt năm phương pháp vận động Nhân dân theo chỉ dẫn của Bác Hồ: Một là, ra Nghị quyết, Chỉ thị, khẩu hiệu một cách dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện; Hai là, giải thích cho nông dân hiểu việc làm đó là vì lợi ích của nông dân và là nhiệm vụ của nông dân; Ba là, bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với nông dân, hỏi ý kiến và cách giải quyết của nông dân để xây dựng kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh của địa phương; Bốn là, phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích nông dân; Năm là, khi thực hiện xong phải cùng với nông dân rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Thực hiện tốt 5 phương pháp đó mới tập hợp và đoàn kết được hội viên và đồng bào nông dân để tập trung phát triển nền nông nghiệp thông minh và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ trong từng khâu của chuỗi giá trị toàn cầu và biết hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Các cấp Hội phải rất quan tâm làm tốt công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp phát triển và đẩy nhanh việc ứng dụng giống mới, sản phẩm mới, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Trong những năm tới, các cấp Hội phải phối hợp với chính quyền làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy và tham gia xây dựng đội ngũ trưởng thôn, trưởng ấp và chi hội trưởng nông dân có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên và những nông dân sản xuất giỏi.

Ba: Để tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của tổ chức Hội Nông dân là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp phải chủ động, chủ trì mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất nông sản thực phẩm hàng hoá, bảo đảm các tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tăng sức cạnh tranh và theo chuỗi giá trị gia tăng của hàng hoá nông sản để tuyên truyền nhân rộng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông thôn. Tăng cường sự phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân. Trọng tâm là tạo nguồn vốn, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao qui trình kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, cung cấp thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm, giúp hội viên và các hộ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để nông dân thích ứng với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới.

Đồng thời với phát triển kinh tế, các cấp Hội trong tỉnh cần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng làng văn hoá; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và bảo vệ môi trường nông thôn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những hoạt động “ diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch và “ tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ để giữ vững ổn định chính trị xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với niềm kiêu hãnh, tự hào về truyền thống yêu nước và đoàn kết “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người, giai cấp nông dân và đồng bào nông dân chắc chắn luôn là lực lượng to lớn trong sức mạnh của khối liên minh công-nông-trí thức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng ta đề ra.

Bốn:  Hội Nông dân  phải tích cực, chủ động tham gia công tác xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật  của Nhà nước trên địa bàn nông thôn và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp Hội thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, hiểu nông dân và vì nông dân; những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách để có cơ sở và chủ động trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các qui định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thường xuyên tham gia cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí.  Phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng để tham gia hoà giải, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân ngay từ cơ sở, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân. Đại diện cho nông dân để xử lý những vấn đề phát sinh khi quyền lợi ích hợp pháp của nông dân bị xâm phạm. Từ nay, những địa phương để xảy ra khiếu kiện đông người của nông dân, nông dân bị thiệt hại thì tổ chức Hội Nông dân ở đó sẽ không được xem xét để khen thưởng. Xây dựng Đảng, Chính quyền và Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh để tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng ta với Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Nông dân phải làm thật tốt.

Năm: Tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối ngoại, mở rộng quan hệ đối ngoại, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế, nghiên cứu học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp và nông thôn của các nước để đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của ta. Trong điều kiện Việt Nam có lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào, công nghiệp hóa nông thôn chưa phát triển và vùng tự nhiên khác nhau đang đòi hỏi cần có kế hoạch phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp cao với quy mô phù hợp. Cơ giới hóa hợp lý để giải quyết tốt lao động và không gây áp lực về xã hội.

Các cấp Hội chú ý tuyên truyền cho bạn bè các nước hiểu đúng về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng ta và vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam; tiềm năng, lợi thế đầu tư nông nghiệp cao ở Việt Nam và những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức nông dân quốc tế và thiết lập cơ chế hợp tác cùng có lợi trong phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần tích cực làm giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo rằng tự nhiên vẫn có đủ năng lực cung cấp nguồn lực sản xuất và vẫn duy trì môi trường sống. Trong đó, tăng cường quan hệ hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước vùng sông Lan Thương - Mê Kông, để đảm bảo môi trường nước và phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những hướng ưu tiên trong hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang nói riêng, Hội Nông dân các tỉnh nói chung phải tiếp tục chủ động xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch đưa hội viên và nông dân đi học tập kinh nghiệm trong nước và ngoài nước; nâng cao kiến thức đối ngoại và hợp tác quốc tế; tổ chức phấn đấu có từ 30% đến 35% cán bộ chuyên trách công tác Hội biết 01 ngoại ngữ và có thể sử dụng tối thiếu được 300 từ trở lên.

Thưa các đồng chí!

Tôi mong rằng Ban chấp hành khóa mới luôn luôn chủ động, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, xây dựng tỉnh An Giang ngày càng phát triển và giàu mạnh.  

Với tình cảm và niềm tin sâu sắc, tôi chúc Hội Nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh An Giang sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội IX lần này đã đề ra. Chúc các đồng chí dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Chúc Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Thào Xuân Sùng (Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội NDVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem