Vua Bảo Đại thi tuyển gái đẹp

Cảnh Thắng Thứ ba, ngày 20/02/2018 06:15 AM (GMT+7)
Mùa xuân năm 1937, Vua Bảo Đại (1913 - 1997) đã từ Kinh thành Huế thân chinh vào vùng đất xa xôi ở miền Tây xứ Nghệ để tham gia Lễ hội Thẳm Bua và chấm điểm cho cuộc thi sắc đẹp nơi miền núi rừng này.
Bình luận 0

Hang Bua (tiếng Thái gọi là Thẳm Bua) là một thắng cảnh đẹp tự nhiên của miền Tây xứ Nghệ. Đây cũng là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, nơi có vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…

Nghe tiếng Hang Bua, mùa Xuân năm 1937, Vua Bảo Đại cùng hàng trăm tùy tùng đã tìm về đây để thưởng lãm cảnh vật, thiên nhiên. Ngoài vẻ đẹp như đã kể, miền quê này còn là nơi sản sinh ra nhiều thiếu nữ xinh đẹp- đây cũng là lý do mà vị hoàng đế đa tình này tìm đến.  Ông Trần Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu dẫn lời kể của các già làng trưởng bản thuật lại, đầu năm 1937,  vùng quê hẻo lánh, nghèo khổ nghe tiếng Vua về tưng bừng mở hội. Không chỉ có những màn hội múa hát, trò chơi dân gian, ngày đó có phần thi người đẹp Hang Bua là nơi những thiếu nữ đang độ “xuân thì” thể hiện tài năng và sắc đẹp. Thấy thế, Vua Bảo Đại đã đích thân đứng ra làm “giám khảo” để chấm điểm cho những người đẹp tham gia cuộc thi. Có Vua tham gia vào lễ hội, những phần thi, những màn múa hát thêm sôi nổi và độc đáo hơn.

img

  Vùng đất Quỳ Châu vốn sản sinh ra rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp nên phần thi người đẹp tại Lễ hội Hang Bua không thể thiếu trong mỗi dịp vào hội. ảnh: Cảnh Thắng

Năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là “Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia”. Từ đó, Lễ hội Hang Bua hàng năm được tổ chức với quy mô cấp vùng, gồm các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ. 

Nhớ lại thời điểm đó, ông Sầm Văn Giang (SN 1930) một già làng trú ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu kể lại: “Những người hưởng ứng cuộc thi này nhanh nhất là các hào trưởng, phú ông trong vùng. Nhận  tin Vua Bảo Đại thân chinh vào tham dự lễ hội và tổ chức cuộc thi người đẹp, họ đã cho người hầu đi thông báo cho các thiếu nữ khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh nhất. Sau đó, rất nhiều thôn nữ tuổi đôi mươi ở các bản làng xa xôi nhất của huyện Quỳ Châu, Quế Phong đã nô nức đăng ký tham gia. Đến 1 tuần thì chốt được 50 cô, mỗi cô  một vẻ khiến cho cuộc thi hôm đó rất ấn tượng và náo nhiệt”.

Theo lời ông Giang, năm đó ông còn nhỏ, nghe  ông bà kể lại, lúc đến phần thi trang phục tự chọn, nhiều cô thiếu nữ đã mặc trên mình những chiếc áo đẹp nhất. Họ phô diễn tài năng ca hát, tài thêu dệt thổ cẩm khiến Vua Bảo Đại mê mẩn. Vừa  chấm điểm vừa  thích thú ngắm nghía. Đến vòng chung kết, chỉ còn 5 người đẹp tham dự, cô nào cô ấy cũng xinh  như “hằng nga giáng trần”. Đến phần thi cuối, Vua Bảo Đại bật ghế ngồi dậy, đích thân lên sân khấu để ngắm và cảm nhận sắc thái của từng người đẹp.  Cuối cùng nhà vua chấm được một cô. “Công bố kết quả, ai cũng vỗ tay tán thưởng khi  tên cô thôn nữ Lô Thị Thắm, 18 tuổi, có gia thế rất nghèo ở xã Châu Tiến được xướng tên. Cô là người đẹp nhất trong mùa Lễ hội Hang Bua năm đó”.

Sau khi giành giải người đẹp của cuộc thi Lễ hội Hang Bua năm 1937, dù xuất thân là gia đình nông dân nghèo khó, Lô Thị Thắm được rất nhiều phú ông, trưởng bản trong vùng tìm hiểu.  Một thời gian sau đó, cô “hoa hậu” Hang Bua này kết hôn với con trai phú ông trong vùng và gia đình cô không còn nghèo khổ như  trước. “Được một thời gian, đôi vợ chồng cô  rời xứ đi lập nghiệp ở nơi khác nên về thân thế cô gái mới 18 tuổi giành giải thưởng người đẹp của mùa Lễ hội Hang Bua thời điểm đó cũng dần lãng quên theo thời gian”- già làng Giang cho biết thêm.  /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem