Vuvuzela mất giá

Thứ sáu, ngày 09/07/2010 10:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trái bóng Jabulani vẫn còn lăn trên đất Nam Phi, nhưng trên những con đường của thủ đô Johannesburg trong những ngày này, người ta cảm nhận được sức nóng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã giảm dần.
Bình luận 0

Minh chứng rõ nhất chính là việc người ta đang bán tháo chiếc kèn Vuvuzela. Ở World Cup lần này, người ta không nhắc nhiều đến linh vật. Ngay cả kim cương - “bệ phóng” cho đất nước Nam Phi cất cánh cũng không phải là chủ đề được quan tâm hàng đầu.

Chiếc kèn truyền thống Vuvuzela trở thành biểu tượng của World Cup. Người ta phải “đấu đá” nhau để đi đến quyết định sống chung với thứ âm thanh kỳ quái của nó.

Không có cuộc vui nào là kéo dài mãi, và giờ, tại Nam Phi, người ta đang cố gắng tìm lại nhịp sống thường nhật.

Trước khi tôi sang Nam Phi, có rất nhiều người đề nghị mua hộ một chiếc kèn Vuvuzela làm kỷ niệm. Một đồng nghiệp của tôi thậm chí nhận được 30 lời đề nghị như vậy. Hai CĐV Việt Nam có mặt tại Nam Phi là các anh Sáng "Củ Chi" và Hoàn "say" phải đóng cả kiện Vuvuzela đem về Việt Nam. Ước tính, số tiền mua kèn lên đến hàng chục triệu đồng!

Hôm rồi, một người bạn từ Việt Nam gọi điện sang nhắn: "Mua kèn có chọn lựa em nhé. Anh nghe có bác Phó Chủ tịch VFF mua một cây kèn mất hơn triệu đồng". Tôi biết bạn lo cho túi tiền của mình. Quả thực, những ngày đầu World Cup, mua một chiếc kèn không hề rẻ.

Ơn trời, ngày tôi sang Nam Phi thì giá kèn Vuvuzela đã hạ đi đáng kể. Thế nhưng, trong siêu thị, một chiếc kèn hiện cũng có giá khoảng 300 nghìn đồng. Dường như hệ thống siêu thị Nam Phi có phần cứng nhắc, bởi ngoài chợ, tôi đã mua được với giá hơn 100 nghìn đồng/chiếc. Thế nhưng, những người bạn của tôi vốn thông thuộc thổ địa đã mua được những chiếc kèn chỉ với số tiền tương đương vài chục ngàn đồng. Họ mua ở khu chợ Tầu, nhưng cách xa trung tâm thành phố đến 50km.

Giải thích việc kèn Vuvuzela đang giảm giá, anh bán hàng người Nam Phi nói với tôi: "Chúng tôi nhập quá nhiều kèn, giờ buộc phải giảm giá vì khách du lịch quốc tế đang ngày một thưa dần. Nếu không bán hết số hàng tồn thì thảm họa sẽ đến với chúng tôi".

Không chỉ có kèn Vuvuzela giảm giá, hầu hết các dịch vụ ở Nam Phi lúc này không còn đắt đỏ như ngày đầu. Khách sạn nơi tôi ở không còn cảnh "vừa chửi, vừa la" cũng đắt hàng. Giá phòng cũng không còn ở trên trời nữa. Chỉ sau một đêm, giá phòng đã giảm xuống một nửa. Tại thành phố Fretoria, người ta đã thu dọn sân vận động, băng rôn, biểu ngữ và nhịp sống đã trở lại bình thường vì không còn trận đấu nào diễn ra ở đây.

Một lái xe taxi chỉ ra đường và nói với tôi rằng: "Không còn cảnh tắc đường như những ngày cao điểm World Cup nữa. Cuộc sống diễn ra bớt vội vàng và mệt mỏi hơn. Nhưng thực lòng, cơ hội làm ăn đang giảm dần với chúng tôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem