Vung tiền tỷ thỉnh vong, cúng bái, "mặc cả" với thế giới bên kia

Mộc Linh Thứ năm, ngày 28/03/2019 19:05 PM (GMT+7)
Nhà xã hội học - PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Chính những khủng hoảng, biến cố trong cuộc sống đã khiến nhiều người tìm tới việc thỉnh vong, cúng "oan gia trái chủ" như tình trạng xảy ra ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) báo chí phản ánh gần đây.
Bình luận 0

Trong cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?” do Báo NTNN/báo điện tử Dân Việt tổ chức, PGS. TS Trịnh Hòa Bình đã đưa ra nhiều quan điểm dưới góc nhìn xã hội học.

img

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Theo ông, vụ việc tại chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) chỉ là "giọt nước làm tràn ly", bởi xung quanh chùa Ba Vàng cũng như nhiều cơ sở tôn giáo khác, việc cúng vong giải hạn, thu tiền đã kéo dài và trở thành tập tục quen thuộc với nhiều gia đình.

"Nếu không có đơn thư, khiếu kiện và sự dấn thân của những nhà báo thì không biết bao giờ những sự việc này mới chấm dứt. Xét về góc độ xã hội, những việc này ăn sâu vào đời sống tâm linh của người Việt Nam hiện đại. Nếu không ngăn chặn, dòng người Việt sẽ đổ về “cứ điểm” này sẽ ngày càng lớn", TS Trịnh Hòa Bình phát biểu.

Bàn về lý do nhiều người, kể cả những trí thức bậc cao, cũng tìm tới thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, điều này xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống: 

"Nhu cầu bắt đầu từ niềm tin mong manh về những điều tốt đẹp – niềm tin mong manh trong việc giải quyết những vấn đề mà mình đang gặp phải trong cuộc sống. Trong cuộc đời, chúng ta không tránh khỏi những lúc gặp chuyện này chuyện khác. Bởi vậy, người ta bám lấy, cắt nghĩa vấn đề bằng việc tìm tới thế giới bên kia, giống như ngôn ngữ đời thường của chúng ta là “chạy”: chạy việc, chạy bằng, chạy án…

Sở dĩ họ có niềm tin mong manh đó bởi họ chưa hài lòng, chưa an tâm với cuộc đời của họ. Hệ thống nhu cầu như vậy kích hoạt những người nhân danh cửa Phật để làm việc đó. Ở đây, tôi không loại trừ việc ai đó có năng lực cao hơn bình thường. Nhưng bên cạnh đó, còn có những người mượn nhu cầu này để trục lợi, kiếm lời. Như ta đã thấy, họ có thể sử dụng những điều ác độc để thực hiện mục đích của mình. Ví dụ như chuyện cô Yến nói về nữ sinh giao gà bị giết hại dã man. Người ta có thể dùng mọi cách để trục lợi mặc cho điều đó gây đau lòng, phẫn nộ cho người khác.

Việc gọi hồn, thỉnh vong cũng như những sự kiện, hoạt động đường phố của cộng đồng, hoạt động này lôi kéo đám đông, có thể xô đẩy chúng ta hành động trong vô thức. Những nhà khoa học, bác sĩ... cũng vậy. Họ có thể thiếu niềm tin ở cuộc sống khi chính họ đang bị khủng hoảng, đối xử bất công, thành thử họ phải tìm kiếm tới chỗ bấu víu rõ ràng như vậy". 

img

Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị đề xuất tạm dừng các chức vụ trong Giáo hội và phải sám hối đại tăng sau việc chùa Ba Vàng thỉnh vong oan gia trái chủ.

Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, nhiều người vung tiền tỷ như cách họ "mặc cả", "trả giá" với thế giới bên kia về những sai lầm họ đã gặp phải trong cuộc đời.

"Mark từng nói “Tôn giáo như liều thuốc giảm đau vậy”. Khi con người có niềm tin mong manh về việc tìm được sự cứu rỗi về thế giới bên kia, họ tìm cách trao đổi, thỏa thuận, mặc cả với thế giới đó. Họ muốn trả giá mạnh hơn, quyết liệt hơn với thế giới bên kia để “chạy tội” cho chính mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem