Vụ ông Trần Hùng bị cáo buộc nhận 300 triệu đồng: Được trả hồ sơ điều tra lại bao nhiêu lần?

Quang Trung Thứ hai, ngày 16/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Viện KSND Tối cao vừa trả hồ sơ lần thứ hai, yêu cầu điều tra lại vụ ông Trần Hùng bị cáo buộc nhận 300 triệu đồng khi bao che sản xuất sách giáo khoa giả. Vụ ông Trần Hùng sẽ được trả hồ sơ bao nhiêu lần?
Bình luận 0

Viện KSND Tối cao muốn làm rõ thêm việc nhận hối lộ, môi giới hối lộ liên quan thế nào tới vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng triệu cuốn sách giả tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát.

Trước đó, VKS đã trả hồ sơ một lần và ông Hùng vẫn tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Vụ ông Trần Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ: Được trả hồ sơ điều tra lại bao nhiêu lần? - Ảnh 1.

Ông Trần Hùng khi bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp

Ban đầu, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội bị khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 3 tháng sau tội danh được thay đổi.

Trong 33 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về ba tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có nhiều người là cấp dưới của ông Hùng.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vụ việc liên quan đến ông Trần Hùng được phép trả hồ sơ bao nhiêu lần?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Vụ việc của ông Trần Hùng, chuyên viên Tổng cục Quản lý thị trường, nguyên Tổ trưởng Tổ 304, đang trong giai đoạn truy tố nên việc này được gọi là trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố là hoạt động tố tụng do viện kiểm sát thực hiện sau khi nhận bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra chuyển đến khi có căn cứ và được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, đúng người đúng tội đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Theo luật sư Hòe, trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố là một trong những quyết định của viện kiểm sát sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự cùng với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố do cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra gửi đến.

Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác.

Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp vụ án do viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng. Nếu do tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng.

Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Từ phân tích trên, luật sư Hòe cho biết, viện kiểm sát chỉ được trả hồ sơ hai lần. Vụ việc ông Trần Hùng, sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra bổ sung lần 2 sẽ chuyển kết luân điều tra bổ sung và đề nghị truy tố đến Viện KSND Tối cao.

Nếu đồng ý với bản kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao sẽ ra cáo trạng truy tố ông Trần Hùng và những người khác ra tòa án có thẩm quyền xét xử.

Sau khi nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án, tòa án sẽ ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem