Vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Đã hết thời hiệu, ngân hàng khó khởi kiện?

Đình Việt Thứ hai, ngày 18/03/2024 10:43 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, các bên có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết, ngân hàng cũng không có quyền khởi kiện.
Bình luận 0

Thanh tra vào cuộc vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng

Như Dân Việt đã thông tin, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) vừa có công văn thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ thẻ tín dụng trị giá trên 8,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 8,5 triệu đồng.

Thông tin trên khiến nhiều người kinh ngạc khi thấy "lãi mẹ đẻ lãi con" nên tốc độ chia sẻ càng được đẩy lên cao.

Vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Đã hết thời hiệu, ngân hàng khó khởi kiện?- Ảnh 1.

ông văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A. Ảnh: Khách hàng cung cấp.

"Đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ", Eximbank cho hay.

Trong khi đó, anh P.H.A (trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, bản thân không hề vay tín dụng số tiền 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.

Theo anh H.A, năm 2012, qua một người bạn nên anh nhờ một nam nhân viên (không nhớ danh tính) Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh làm thẻ tín dụng.

Lúc này nam nhân viên ngân hàng yêu cầu anh H.A ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ. Sau đó, anh này đưa cho anh H.A một chiếc thẻ thường với lý do thẻ tín dụng đang gặp trục trặc.

Vì nghĩ không làm được nên anh H.A không để ý tới nữa. Năm 2016, anh H.A có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng thì được thông báo bản thân có nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.

Liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh vừa yêu cầu Ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo.

Ngân hàng Eximbank không thể khởi kiện vì hết thời hiệu?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu khách hàng không trả số tiền lãi trên thì có bị xem xét xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là quan hệ dân sự nên nếu khách hàng không đồng ý với cách tính lãi suất của Ngân hàng Eximbank, một trong các bên có quyền đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Quan hệ dân sự vay tài sản chỉ trở thành hình sự nếu người vay tiền gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ hoặc sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ, khi đó sẽ xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.

Trong vụ việc này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để xác minh làm rõ cách tính lãi suất của Ngân hàng Eximbank và rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất cho vay, lãi suất thẻ tín dụng.

Ông Cường cho rằng, trường hợp khách hàng không đồng ý trả số tiền vì cho rằng việc tính lãi không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của khách hàng, ngân hàng có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khi tòa án giải quyết, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tính lãi suất trong các hợp đồng tín dụng mà thấy việc tính lãi như trên là đúng pháp luật, tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Còn nếu tòa án xác định việc tính lãi suất như vậy là không phù hợp với quy định pháp luật, tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, vấn đề cần quan tâm trong vụ việc này là thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng có còn hay không?

Bởi, theo Điều 429 Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Như vậy, pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là trong thời hạn 3 năm kể từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm.

Vì thế, nếu trong thời hạn 3 năm khi mà người vay không trả nợ, bên cho vay không nhắc nợ, không khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết trong thời hạn này, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, ngân hàng có khởi kiện có thể tòa án cũng không giải quyết.

"Vụ việc này cần phải đợi kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để xác định việc tính lãi suất có đúng hay không. Các bên cũng có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn, Ngân hàng không có quyền khởi kiện để đòi số tiền này của khách hàng" – ông Cường nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem