Vụ đại tá về hưu thua kiện ở Cà Mau: Đề xuất đưa bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng đến nơi trang nghiêm

Hoàng Hạnh Thứ sáu, ngày 16/09/2022 11:08 AM (GMT+7)
Đại tá Trần Việt Bình - nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Minh Hải (nay là Công an tỉnh Cà Mau) bị tuyên thua kiện, mất căn nhà duy nhất, nên bàn thờ bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng liệt sĩ đang được thờ cúng tạm trong căn phòng ẩm thấp, tồi tàn tại trụ sở phường.
Bình luận 0

Báo điện tử Dân Việt ngày 10/9 có bài: "Cà Mau: Đại tá về hưu bị tuyên thua kiện sau hai bản án còn nhiều khúc mắc" phản ánh việc TAND hai cấp của tỉnh Cà Mau ra các bản án còn nhiều "uẩn khúc. 

Theo đó, tòa tuyên đại tá Trần Việt Bình, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Minh Hải (nay là Công an tỉnh Cà Mau), thua kiện, phải chấp nhận bị cưỡng chế căn nhà là nơi thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng bàn thờ liệt sĩ, để thi hành bản án.

Vụ đại tá về hưu thua kiện: Nhiều "uẩn khúc" trong hai bản án của TAND hai cấp ở Cà Mau - Ảnh 1.

Ông Bình trước bàn thờ của tổ tiên trong căn phòng tạm bợ ở UBND phường 5, TP.Cà Mau cũ. Ảnh: Hoàng Hạnh

Liên quan đến việc bàn thờ mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng liệt sĩ đang được thờ cúng trong căn phòng tồi tàn, ẩm thấp tại trụ sở UBND phường 5, TP.Cà Mau cũ, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Tình - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau đã thông tin với Dân Việt.

Ông Tình cho biết, nếu gia đình đồng ý, Sở sẽ đưa lư hương, bài vị của người có công vào nhà truyền thống nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Cà Mau để thờ cúng. 

"Chúng tôi sẵn sàng làm việc này, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời", ông Tình nói.

PV Dân Việt đã thông tin vấn đề này đến ông Trần Việt Bình. Ông Bình cho biết, nếu cơ quan chức năng xét thấy vị trí đặt bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng chưa tốt, có thể di dời đến nơi khác, ông chấp nhận việc này. 

Ông Trần Việt Bình cho biết, bà nội ông là bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà có 2 người con liệt sĩ là ông Trần Việt Khoa và Trần Văn Hiệp. 

"Ba tôi là con thứ 3 của bà, tuy nhiên sau khi bác hai và chú út hy sinh, các con của bác và chú đều là gái nên gia tộc quyết định để tôi đảm nhận việc thờ cúng mấy chục năm qua", ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, trước đây, bàn thờ bà nội, cùng liệt sĩ được thờ cúng tại nhà của ba ruột ông ở tỉnh Minh Hải cũ (nay là Bạc Liêu và Cà Mau).

Sau khi ông Bình về Cà Mau công tác trong ngành công an, đến khi được Nhà nước cấp đất xây nhà hơn 30 năm trước (căn nhà duy nhất bị tòa tuyên thua kiện – PV), ông mới xin phép cơ quan chức năng và gia tộc chuyển lư hương, bài vị của bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng anh ruột là liệt sĩ về Cà Mau thờ cúng cho đến nay.

"Do tôi được Nhà nước cấp đất cất nhà ở Cà Mau, nên phần đất của ba tôi ở Bạc Liêu, tôi không nhận mà để lại cho các em sinh sống ổn định cho đến nay", ông Bình nói và cho biết, ông sẽ thực hiện theo sự sắp xếp của ngành chức năng; đồng thời vẫn tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan cấp trên để đòi lại sự công bằng.

Như đã thông tin: Đây là vụ án tranh chấp giữa ông Trần Việt Bình và ông Nguyễn Thanh Tuấn. Theo đó vào năm 1986, ông Bình có gửi đơn đến Sở Xây dựng tỉnh Minh Hải xin được cấp đất ở. Đến năm 1987, ông được Công ty Phát triển nhà Minh Hải cấp 1.000m2 (sau giảm xuống còn 300 m2) đất tại lô 17B, đường Lộ Mới, khu Trần Ngọc Hy, nay là đường Trần Văn Bỉnh, khóm 7, phường 5, TP.Cà Mau.

Tuy nhiên, đến năm 2013, ông Tuấn ở phường 9, TP.Cà Mau kiện ông Bình ra tòa đòi lại phần đất 300m2 mà ông Bình đang ở ổn định.

Ngày 12/2/2014, TAND TP.Cà Mau đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm và được TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm ngày 23/6/2015, đều tuyên ông Bình thua kiện, buộc ông trả cho ông Tuấn giá trị đất, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngành chức năng TP.Cà Mau sau đó cưỡng chế, giao nhà cho người trúng đấu giá để thi hành bản án.

Ngày 5/3/2019, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 134/2015/DS-PT ngày 23/6/2015 của TAND tỉnh Cà Mau.

Qua nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM chỉ ra 4 điểm mà TAND hai cấp của tỉnh Cà Mau đã thiếu sót. Trong đó ở điểm thứ 2: Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Tuấn khai: Năm 1986, vợ chồng ông đã được Nhà nước cấp 1 căn nhà và đất ở tại phường 9, TP.Cà Mau (theo chính sách chung thời điểm đó), hiện nay ông vẫn ở trên phần đất này.

Tuy nhiên, không thể cùng một thời điểm mà Nhà nước cấp đất cho 2 vợ chồng ông ở hai nơi; theo chỉ đạo của tỉnh lúc đó thì đất ở hai nơi phải chọn một, nên ông Tuấn chọn về ở trên đất tại phường 9, mà không sử dụng đất ở phường 5. Cho nên, ông Tuấn chưa bao giờ quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp với ông Bình ở phường 5.

Đặc biệt, tại điểm thứ 4, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ cho thấy ông Tuấn tuy có tên trong danh sách "tạm giao" đất năm 1986, nhưng trên thực tế ông không quản lý, sử dụng, không làm các thủ tục đăng ký để được cấp giấy phép sử dụng đất.

Thay vào đó, ông Bình tuy không có tên trong danh sách "tạm giao" giao đất, nhưng đã quản lý sử dụng phần đất này từ năm 1989. 

Quá trình sử dụng không tranh chấp và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định. Nên ông Bình mới là người sử dụng đất hợp pháp mà không phải là ông Tuấn như tòa án hai cấp của tỉnh Cà Mau đã nhận định...

Trong một diễn biến có liên quan, Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Văn phòng Chính phủ cũng đã nhận được đơn "cầu cứu" của ông Bình. 

Hai cơ quan này cũng đã chuyển đơn của ông Trần Việt Bình đến Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem