Vụ cháy chung cư mini: Sẽ tiến hành quy trình kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật đảng viên

Bách Thuận Thứ tư, ngày 27/03/2024 12:36 PM (GMT+7)
Tại hội nghị chuyên đề, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội sẽ tiến hành quy trình để kiểm điểm trách nhiệm, xem xét hình thức kỷ luật đảng viên liên quan vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra tháng 9/2023.
Bình luận 0

Ngày 27/3, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị chuyên đề xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung quan trọng. Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Vụ cháy chung cư mini: Sẽ tiến hành quy trình kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật đảng viên- Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, tại hội nghị chuyên đề này, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tiến hành quy trình để kiểm điểm trách nhiệm, xem xét hình thức kỷ luật Đảng viên. Ảnh: TP.HN

Theo chương trình, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội sẽ nghe báo cáo và xem xét, thảo luận cho ý kiến 4 nhóm nội dung: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng (2011-2025), tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 và công tác cán bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng ngày hôm nay, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các Báo cáo, Tờ trình; đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đại biểu thảo luận kỹ, đưa ra giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân, bố trí đủ vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, cần thảo luận, cho ý kiến về các nội dung Ban Cán sự đảng UBND Thành phố trình trong phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Vụ cháy chung cư mini: Sẽ tiến hành quy trình kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật đảng viên- Ảnh 2.

Liên quan vụ cháy chung cư mini 56 người chết ở Khương Hạ, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố 7 bị can có liên quan. Ảnh: Dân Việt

Đồng thời, rà soát nguồn lực, xác định khả năng thực hiện khả thi, khả năng giải ngân trong năm 2024, 2025, cân đối nguồn vốn, nghiên cứu, lựa chọn danh mục dự án làm công tác chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026-2030.

Về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, nhận thức tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, Thành ủy, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch và các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, khoa học, nghiêm túc công tác lập Quy hoạch Thủ đô ngay sau khi Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ở một diễn biến đáng chú ý, về nội dung kiểm điểm trách nhiệm, xem xét hình thức kỷ luật Đảng viên theo thẩm quyền, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thông tin, tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tiến hành quy trình để kiểm điểm trách nhiệm, xem xét hình thức kỷ luật Đảng viên theo thẩm quyền.

Theo đó, người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội nhắc đến vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/9/2023 ở phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân) đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả về người và tài sản.

Trước diễn biến về vụ cháy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy, hỗ trợ các nạn nhân, ổn định tình hình tại địa phương, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 5/2/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành các kết luận kiểm tra và kế hoạch tổ chức thực hiện việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên tại Đảng bộ Q.Thanh Xuân (kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với 8 tổ chức Đảng và 28 đảng viên).

Về hình sự, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, bước đầu khởi tố chủ công trình và 6 cán bộ liên quan. Thực hiện kế hoạch, các cấp đã thành lập các đoàn kiểm tra và đã xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với 8 tổ chức Đảng, 26 đảng viên thuộc thẩm quyền.

Theo Quy định số 22 của Ban Chấp hành T.Ư và Hướng dẫn số 02 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, tại hội nghị này, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội tiến hành quy trình để kiểm điểm trách nhiệm, xem xét hình thức kỷ luật đảng viên theo thẩm quyền.

Tại hội nghị chuyên đề của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo về nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương việc tiếp thu, giải trình, bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

Đánh giá các yếu tố và điều kiện đặc thù của Thủ đô, ông Dương Đức Tuấn cho biết, quy mô nền kinh tế Thủ đô liên tục mở rộng, củng cố vị thế là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với yêu cầu và mục tiêu đặt ra, còn những điểm nghẽn, hạn chế.

Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Để thực hiện mục tiêu đặt ra, các nội dung, phương án quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu trên cơ sở các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng Long - Hà Nội, được coi như là triết lý phát triển: "phát sáng nhân tài; khai phóng trí tuệ; lan tỏa nhân văn; hòa điệu thiên nhiên; tiến cùng thời đại".

Mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

Hà Nội cũng đặt mục tiêu là trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; có đô thị xanh, thông minh, hiện đại, nông thôn sinh thái, văn minh, thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao, con người hào hoa, văn minh, thanh lịch, nghĩa tình, là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Quy mô dân số thường trú đến 2050 khoảng 13 - 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt khoảng 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85% vào năm 2050.

Về dự báo biến động dân số: dân số thường trú đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13,0 triệu người. Thành phần dân số khác (dân số quy đổi) đến năm 2030 khoảng 1.450.000 người; đến năm 2045 khoảng 2.100.000 người và đến năm 2050 khoảng 2.500.000 người…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem