Lũ chia cắt nhiều xã

Thứ ba, ngày 02/11/2010 06:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau ba ngày mưa lớn, nước lũ dâng cao đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân các tỉnh Nam Trung bộ
Bình luận 0

Khánh Hòa lại mưa lớn, ngập sâu

Sáng 1-11, tại Khánh Hòa nước trên các sông xuống chậm. Ở ven sông Cái, phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang), nơi có 37 ngôi nhà dân nghèo bị sập, bà con đã trở về sửa chữa lại nhà và dựng lều ở tạm. Nhưng đến trưa lại phải hứng chịu một trận mưa dữ dội khác làm cho cả thành phố lại chìm sâu trong nước.

img
Người dân thôn Đất Lành, xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang chạy khỏi vùng lũ chia cắt.

Các tuyến đường cửa ngõ như đường 23-10, 2-4, Phong Châu, nhiều đường phố nội thành, khu vực Đồng Muối (P. Phước Hải) và Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Thái) tiếp tục bị ngập sâu.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 1-11, một mảng đồi La San thuộc Đại học Nha Trang (P.Vĩnh Thọ, Nha Trang) đã lở xuống vòng xoay Tôn Thất Tùng làm ách tắc giao thông qua đây. Đường Phong Châu qua thôn Đất Lành (xã Vĩnh Thái) bị lũ cuốn mất một nửa đường trên đoạn dài khoảng 20m, giao thông qua đây hầu như bị cắt đứt.

Mực nước ở hầu hết các hồ chứa tại Khánh Hòa đã xấp xỉ mức tràn, hồ Suối Trầu và hồ Đồng Bò nước đã qua tràn. Các hồ Am Chúa, Láng Nhớt, Cam Ranh, Suối Dầu đang xả lũ. Toàn tỉnh đã có 450 nhà bị ngập sâu, 488ha lúa bị đổ, ngập, 8 tàu thuyền bị chìm, 270 ngôi nhà (1.034 người) ở TP. Nha Trang, thị xã Cam Ranh, các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm phải di dời khẩn cấp.

Trong ngày có thêm một người bị mất tích do lũ cuốn trôi, đó là ông Nguyễn Văn Quế (SN 1953, ở xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) bị mất tích trên sông Cái khi chèo xuồng thăm con gái.

Như vậy tính đến 22 giờ đêm hôm qua, tỉnh Khánh Hòa đã có 5 người chết và mất tích, 1 người bị thương. Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Cam Ranh bị ách tắc giao thông do tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Phú Yên: Nhiều xã vẫn còn bị cô lập

Ngày 1-11, một trận mưa lớn ập xuống làm ngập đến 1,5m tại tràn sông Cô (xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân) khiến xã này tiếp tục bị cô lập đến ngày thứ 3. “Mưa như thế này, xã sẽ ngập trong nhiều ngày nữa, người dân sẽ rất khó khăn đây”, ông Đặng Ngọc Tân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc, than thở.

Cầu sông Trà Bương (xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân) cũng bị nước lũ nhấn chìm, học sinh ở thôn Thạnh Đức học Trường THCS Nguyễn Du (thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3) phải đi - về bằng đường vòng xa 10km. Cầu Bến Củi, Bến Nhiễu, Bến Trâu (huyện Tây Hòa) ngập sâu trong nước khiến nhiều vùng dân cư bị chia cắt.

Nước lũ dâng cao làm ngập đoạn bê tông dài 300m nối từ Quốc lộ 1A đến thôn Phú Lương, xã An Chấn (Tuy An), làm thôn này trở thành ốc đảo. Các cánh đồng Đụn, đồng Mếu và đồng Mốc nước mênh mông trắng xóa, toàn bộ diện tích lúa tăng vụ mới gieo sạ bị ngâm sâu trong lũ.

Ông Nguyễn Đình Tân, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh, cho biết lúc 10 giờ 42 phút đường sắt Bắc – Nam đoạn qua đèo Cả thuộc khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh lại bị ách tắc do nhiều tảng đá bị sạt lở rơi xuống nằm chắn mặt đường sắt. Đoàn tàu SE7 phải ngừng tại ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam). Đây là điểm sạt lở mới, nằm ở vị trí hiểm trở. Đến trưa điểm sạt lở này mới được khắc phục.

Ngoài ra, lũ cũng ngập nửa mét một số đoạn đường sắt từ ga Hòa Tân đi ga Suối Cát, từ ga Suối Cát đi ga Ngã Ba (Khánh Hòa) khiến đường sắt qua các khu vực này bị ách tắc.

Chiều 1-11, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Phú Yên có thông báo thuỷ điện sông Ba Hạ sẽ xả lũ với lưu lượng khoảng 1000m3/s, do vậy sáng 2-11 các vùng trũng thấp ven sông Ba của tỉnh Phú Yên nước sẽ dâng lên, trong đó vùng nguy hiểm nhất là thôn Phú Lễ, xã Hoà Thành. Các phương án di dời dân tại đây đang triển khai. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư (NCHMF), trong ngày 2-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió trên cao, sẽ gây mưa to đến rất to trên địa bàn các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Thuận. Do vậy, lũ các sông các sông từ Khánh Hòa đến bắc Bình Thuận sẽ lên lại và ở mức cao. NCHMF cảnh báo, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế sẽ xuất hiện 1 đợt lũ mới. Đợt lũ này có thể kéo dài nhiều ngày và các sông từ Thừa Thiên - Huế đến đến Ninh Thuận có khả năng lên mức báo động (BĐ) II- BĐIII, nhiều nơi trên BĐIII, riêng các sông từ Khánh Hòa đến Bắc Bình Thuận đạt lũ đặc biệt lớn.

Tại miền Bắc, trong ngày 2-11, bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta. Nền nhiệt độ các tỉnh Bắc bộ sẽ giảm xuống mức phổ biến từ 13-15 độ C về ban đêm, vùng núi nhiệt độ sẽ xuống 7-10 độ C, một số nơi nhiệt độ sẽ xuống mức 5-7 độ C như Sa Pa, Bắc Hà, Sìn Hồ....
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem