Vietnam Airlines - Tiếng kêu giữa trời xanh?

Nguyễn An Thanh Thứ sáu, ngày 25/06/2021 09:02 AM (GMT+7)
Trong khi Covid-19 là sự kiện gây sốc thì các giải pháp "tự cứu mình" của Vietnam Airlines vẫn nhẹ tay. Cũng gặp khó nhưng "đàn em" Bamboo và VietJet chưa được rót vốn, không được ưu ái nhiều như đàn anh, song vẫn trụ vững và tiếp tục mở rộng quy mô.
Bình luận 0

Đại dịch Covid-19 đã làm cho việc sản xuất kinh doanh toàn thế giới lâm vào khủng khoảng, trong đó vận tải và du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Năm 2019, số lương hành khách đi máy bay toàn cầu là 4,5 tỷ lượt thì năm 2020 chỉ còn 1,8 tỷ lượt (giảm 60%), khiến các hãng hàng không toàn cầu tổn thất 370 tỷ USD và năm nay tiếp tục giảm 67%.

Nếu cuối năm sau khống chế được dịch, thì Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo phải đến năm 2024 thị trường hàng không thế giới mới có thể phục hồi quy mô tương đương năm 2019. Trong ngắn hạn, triển vọng ngành hàng không chưa mấy sáng sủa, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của các nước. Ngay cả United Airlines – hãng hàng không lớn tại Mỹ – trước đây phục vụ 500.000 hành khách một ngày, nhưng hiện tại hãng chỉ có 10.000 khách một ngày, giảm 98%. 

Tại Việt Nam, hàng không đóng vai trò kết nối giữa nước ta với thế giới, trực tiếp thúc đẩy phát triển du lịch, qua đó du lịch đóng góp 8,8% GDP của đất nước, cao hơn mức 4,1% GDP toàn cầu tính chung cho hàng không thế giới. Vì tầm quan trọng của ngành hàng không nên chính phủ các nước đã bơm 200 tỷ USD (tính đến đầu năm 2021) và với đà này sẽ còn "bơm" thêm khoảng 100 tỷ USD để "giải cứu máy bay".

Tùy theo từng quốc gia, người ta quyết định áp dụng gói tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc các khoản nợ và thậm chí bảo hộ phá sản (như đối với hãng hàng không Thai Airways của Thái Lan, Virgin Atlantic Airlines của Anh...), hỗ trợ chính sách (các chính sách xúc tiến phục hồi kinh tế, du lịch như ở Nhật Bản, Hàn Quốc... hay miễn giảm thuế sân bay, giảm thuế nhiên liệu tại Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc) hay hỗ trợ tài chính (cho vay để trả lương như với các hãng hàng không của Mỹ, hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi).

Tại Việt Nam, hàng không là số ít lĩnh vực được Chính phủ thiết kế gói hỗ trợ cơ chế bao gồm: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho năm 2021; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ khó khăn về vốn...

Vietnam Airlines - Tiếng kêu giữa trời xanh? - Ảnh 2.

Vietnam Airlines đang đối mặt nguy cơ thua lỗ lớn. Ảnh: Lưu Phan.

Cuối năm 2020 để duy trì hoạt động của các cổ đông, Nhà nước trong vai trò chủ sở hữu đã kiến nghị giải pháp ngắn ngắn hạn hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Dù được Quốc hội thông qua nhưng gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) phải đến tháng 6/2021 mới được triển khai. Ngoài ra, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) đang được triển khai các bước theo quy định, dự kiến, sẽ hoàn tất trong quý IV-2021. Để "tự giải cứu" thì Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm và cắt giảm chi phí, tái cơ cấu và tổ chức lại lao động.  

Nhưng nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, khi Covid-19 là sự kiện "gây sốc" với thị trường hàng không thì các giải pháp tự cứu mình của Vietnam Airlines vẫn còn "nhẹ tay". Chỉ nội nhìn số lượt tàu bay năm 2020 của Vietnam Airlines 254 chiếc, tăng 24 chiếc so với năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10% đội máy bay. Tổng số ghế cung ứng của Vietnam Airlines ước tính bằng 137% so với cùng kỳ 2019, trong khi đó sức mua (tổng doanh thu của thị trường) chỉ bằng 76% so với năm 2019.  Vietnam Airlines đang dư thừa khoảng 58 máy bay, chiếm 26% tổng số máy bay các hãng, nếu không giải quyết được điều này thì việc phá sản là điều không tránh khỏi. Nhất là khi dư thừa nguồn lực phương tiện các hãng lại giảm giá để thu hút khách, giành thị phần, hiện nay giá vé bình quân của các hãng chỉ bằng 55% năm ngoái.

Nhưng điều khiến nhiều người thắc mắc đó là cũng gặp khó khăn như Vietnam Airlines nhưng "đàn em" Bamboo và VietJet chưa được rót vốn, cũng không được ưu ái nhiều như đàn anh, nhưng vẫn trụ vững và tiếp tục mở rộng quy mô. Khi không thể bay đi nước ngoài thì VietJet đã nhanh chóng mở thêm các chặng bay ngắn trong nước đến Phú Quốc, kích cầu du lịch và tăng kết nối cho đảo Ngọc. Theo đó, Vietjet và Vinpearl sẽ hợp đồng hợp tác toàn diện dành cho nhau các chương trình ưu đãi thường xuyên.

Tháng 6/2020, Vietjet mở thêm 8 đường bay nội địa. Không hiểu bằng cách nào mà Vietjet còn mở 5 đường bay thẳng ra nước ngoài, sang Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan. Vietjet còn lấn sang khu đô thị du lịch sinh thái 1.000ha tại Cần Thơ và manh nha làm khu logistic và công nghiệp hàng không 1.650ha. 

Đối Bamboo, họ còn biến biến nguy thành cơ khi đã đàm phán để có slot bay đến sân bay Los Angeles và San Francisco (Mỹ). Bamboo Airways cũng đang đề nghị Cục hàng không Việt Nam cấp phép bay thuê chuyến (charter) đến Mỹ. Dự kiến, sau khi khống chế được Covid-19 mỗi năm có khoảng 800.000 – 900.000 lượt khách đi lại Mỹ – Việt bằng tàu bay của Bamboo. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bamboo Airways đã tăng vốn ba lần, nâng quy mô vốn điều lệ từ 7.000 tỷ lên 16.000 tỷ, trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ đăng ký lớn nhất Việt Nam (Vietnam Airlines chỉ có vốn điều lệ 14.183 tỷ đồng).

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy Vietnam Airlines lỗ quý II/2021 dự kiến là 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng. Số nợ phải trả quá hạn của hãng lên tới 6.240 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản. Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của – Vietnam Airlines (HVN – HOSE) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4/2021.

Theo ý kiến một số chuyên gia, Chính phủ nên có những chiến lược để cứu các hãng hàng không, kể cả hãng tư nhân, theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các hãng cố gắng "qua ngày đoạn tháng" như hiện nay. Bởi nói cho cùng các hãng hàng không tư nhân vẫn nộp thuế cho nhà nước, cũng làm nhiệm vụ kết nối vùng miền trong cả nước, giữa Việt Nam với các nước khác, làm bệ phóng cho các lĩnh vực kinh tế khác. Nếu như không có một kịch bản, với các nhận định về tình hình thị trường hàng không thì số nợ quá hạn của Vietnam Airlines sẽ còn tiếp tục phi mã và khó lòng gượng dậy khi chúng ta khống chế được dịch.

Câu chuyện được bơm vốn nhưng do giải ngân quá chậm (mất 6 tháng) khiến Vietnam Airlines đứng bên bờ phá sản, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo đã làm xấu đi hình ảnh một hàng hàng không quốc gia có bề dày lịch sử cần được phân tích, mổ xẻ dưới nhiều góc độ. Việc "đá cùng sân" trong khi Bamboo Airways đã tăng vốn ba lần trong năm 2021 để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ đăng ký lớn nhất Việt Nam trong khi tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines ngày càng xấu đi khiến cho chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ. Thậm chí có người đã nói đến trường hợp: "Khi tình hình xấu đi mà không thay được cả một đội bóng thì phải nghĩ đến việc thay HLV trưởng".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem