Đền thờ một vị "Tứ bất tử" ở Hưng Yên (Bài cuối): Truyền thuyết cây gậy, chiếc nón cứu nhân độ thế

Hải Đăng Thứ tư, ngày 16/08/2023 18:30 PM (GMT+7)
Cây gậy và chiếc nón đang được thờ tại đền Dạ Trạch ở xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) ngày nay gắn với tích xưa đức thánh Chử Đồng Tử được tiên ông ban cho cùng bài thuốc lá rừng để cứu dân độ thế.
Bình luận 0

Cận cảnh cây gậy và chiếc nón của đức thánh Chử Đồng Tử đang được thờ tại đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). 

Chàng trai nhà nghèo được tiên ông trao cho cây gậy và chiếc nón phép thuật

Quay lại câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung, sau khi cưới nhau vua cha tức giận cho rằng con gái không giữ phẩm giá kết duyên với kẻ tầm thường, bèn từ con không cho công chúa hồi Cung. Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, hai vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung làm nông dệt vải, dựng chợ làm nghề buôn bán. 

Một hôm Chử Đồng Tử theo thuyền ra khơi đi buôn bán, dạt vào một hòn đảo, gặp được tiên ông tên là Ngưỡng Quy Tiên, ông thấy Đồng Tử diện mạo khác thường bèn giữ lại dạy cho một số bài thuốc chữa bệnh bằng lá rừng để cứu dân độ thế và dạy cho phép thuật.

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 2.

Sau 3 ngày ở động tiên, Đồng Tử đã biết được việc chữa bệnh, tiên ông cho phép Đồng Tử về, ban cho Đồng Tử chiếc gậy và nón và dặn: " Phép thần thông ở cả trong này, có việc gì nhà người cần kíp cứ cắm trượng xuống đất, úp nón trên đầu trượng, đọc câu thần chú mọi việc sẽ được như ý muốn ".

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 3.

Gian chính diện, ở giữa thờ ba pho tượng lớn, tượng Chử Đồng Tử ngồi giữa, mặc hoàng bào. Bên trái là Tiên Dung, bên phải là Nội Trạch Tây Cung. Ảnh: HĐ

Về nhà, Chử Đồng Tử thuật lại mọi chuyện cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Khi đó, xã Ông Đình và An Vĩ có bệnh dịch, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã cứu chữa dân chúng, từ thập tử nhất sinh bình phục trở lại.

Trong một lần đi chữa bệnh, Chử Đồng Tử và Tiên Dung bất ngờ gặp Tây Sa, thấy người nhan sắc tuyệt trần, Tiên Dung khẽ hỏi: “Nàng là tiên chăng, hay là thần gió, thần hoa đây?”. Tây Sa đáp: “Chẳng qua ta chỉ náu mình thôi, chính ta là Tây Sa Tiên Cung, mới nhìn đã biết vợ chồng chị đã tu đắc đạo thành tiên cả rồi. Nay không hẹn mà gặp nhau tại đây, chẳng biết là duyên trời hay tình người nhỉ?” Sau một hồi nói chuyện, Tiên Dung đã kết nghĩa chị em và se duyên cho Chử Đồng Tử. Từ đó ba người đi chữa bệnh, truyền đạo tiên học được cho dân chúng.

Được tin vua cha ốm nặng, Ngự y trong triều lực bất tòng tâm, Chử Đồng Tử và Tiên Dung nhờ Tây Sa đóng giả làm bà lang, xin vào Cung để trị bệnh giúp Vua. Được Tây Sa chữa bệnh, Hùng Duệ Vương đã nhanh chóng khỏi bệnh một cách diệu kỳ.

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 4.

Cây gậy và chiếc nón được thờ tại gian bên phải trong đền Dạ Trạch ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay gắn với tích xưa đức thánh Chử Đồng Tử được Tiên Ông ban cho cùng bài thuốc lá rừng để cứu dân độ thế. Ảnh: HĐ

Một lần khi đi chữa bệnh cho dân, dừng chân ở xã Vĩnh Hưng (tức Dạ Trạch ngày nay), cả ba người dừng lại cắm gậy úp nón lên trên dựng lán nghỉ tạm. Nửa đêm, bỗng chỗ đó thành quách mọc lên, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn kéo đến quỳ lạy, nguyện xin làm bầy tôi. Cả một vùng trở nên sầm uất, thịnh vượng như một quốc gia.

Vua Hùng nghe tin cả giận, nghi ngờ Tiên Dung cùng chồng tạo phản, bèn cho quân đi dẹp, bắt về trị tội. Khi thấy quân đội Triều đình vây bắt, Tiên Dung than lên: “Bày tôi không bao giờ chống lại vua, con không bao giờ phản cha. Ta phải làm theo lẽ phải, dù chết cũng cam lòng để tròn hai chữ Trung - Hiếu.”

Suy nghĩ phút giây, Chử Đồng Tử niệm chú, nhổ gậy và nón khỏi mặt đất, lập tức trời đất rung chuyển, lâu đài nguy nga biến mất, Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa về trời, để lại một hố lớn gọi là Trầm, chữ nho là Trầm Nhất Dạ (gọi là Dạ Trạch). Ngày tam vị đồng hóa được ghi lại nhằm ngày 17 tháng 11 Âm lịch.

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 5.

Gian giữa bên trái trong đền Dạ Trạch có thờ tượng thần cá. Đó là "Bế Ngư thần quan", tượng bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, đầu rồng, thân và đuôi hình cá chép, nhân dân quen gọi là "ông Bế". Ảnh: HĐ

Được tin dữ này, Hùng Duệ Vương đích thân xa giá về tận nơi xem thực hư sự tình, nghe thần dân địa phương tâu lại sự tình. Bất ngờ trên trời xuất hiện nàng Tây Sa cưỡi hạc trắng, tạ lỗi với Vua Hùng, vua chợt nhận ra ân nhân cứu mạng, sực tỉnh, thương xót các con bèn cho lập đền thờ dọc hai bờ sông Hồng. 

Đền Hóa Dạ Trạch nơi ba vị hóa về trời

Đền Hóa Dạ Trạch còn có tên gọi là đền Dạ Trạch, thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Sa Công chúa. Đền Hóa Dạ Trạch được xây dựng trên nền cao của lâu đài thành quách xưa, ngay sau khi ba vị hóa về trời.

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 6.

Trên gò đất phía sau đền ngày nay vẫn còn giữ được một ít cây cổ thụ, tạo cho đền Hóa một vẻ đẹp thâm u, huyền bí. Ảnh: HĐ

Vào cuối thế kỷ XIX, đền được trùng tu tôn tạo, do công sức đóng góp của nhân dân tổng Vĩnh và người chỉ huy xây dựng là Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Đền Hóa Dạ Trạch lưu giữ nhiều cổ vật như sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự. Đặc biệt là chiếc nón và cây gậy - phép biến hóa của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Tượng cá chép, gọi là ông “Bế” (“Bế ngư thần quan”), tạo hình cá chép đang hóa rồng. Chuông “Dạ Trạch Từ chung” (Chuông đền Dạ Trạch), đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi lại quá trình trùng tu di tích.

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 7.

Từ đền Dạ Trạch nhìn thẳng ra một cái hồ, trước hồ có lầu chuông.Chuông này được đúc năm Thành Thái thứ 14 (năm 1902) mang tên Dạ Trạch từ chung (chuông đền Dạ Trạch).Ảnh: HĐ

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Xuân Cư - thủ từ đền Dạ Trạch cho biết, kể cả các cụ cao niên trong làng cũng không rõ cây gậy và chiếc nón được thờ ở đền Dạ Trạch từ bao giờ nhưng hàng năm có hàng nghìn lượt du khách là các doanh nhân, kể cả các bệnh nhân nghèo đều đến vãn cảnh đền và thắp hương cầu xin tai qua nạn khỏi và may mắn, thuận lợi trong buôn bán, kinh doanh.

Đền thờ một vị "Tứ bất tử": Cây gậy đeo nón được dân Dạ Trạch thờ 500 năm nay có gì đặc biệt? (Bài cuối) - Ảnh 8.

Hồ bán nguyệt trước cửa đền Dạ Trạch. Ảnh: HĐ

Đền Hóa Dạ Trạch còn có tên gọi là đền Dạ Trạch, thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Hồng Vân Công chúa. Đền Hóa Dạ Trạch được xây dựng trên nền của lâu đài thành quách xưa, sau khi vợ chồng thánh Chử hóa về trời.

Vào cuối thế kỷ 19, đền được trùng tu tôn tạo, do công sức đóng góp của nhân dân tổng Vĩnh và người chỉ huy xây dựng là tiến sĩ Chu Mạnh Trinh.

Đền Hóa Dạ Trạch lưu giữ nhiều cổ vật như sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự. Đặc biệt là chiếc nón và cây gậy - phép biến hóa của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Tượng cá chép, gọi là ông "Bế", "Bế ngư thần quan", tạo hình cá chép đang hóa rồng. Chuông "Dạ Trạch Từ chung" (Chuông đền Dạ Trạch), đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi lại quá trình trùng tu di tích.

Đền được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật vào năm 1989.

Hàng năm, đền Hoá Dạ Trạch có 4 tiết chính: ngày 4-1 (âm lịch) ngày sinh Tiên Dung công chúa, 10-2 ngày sinh Hồng Vân công chúa, 12-8 ngày sinh Chử Đồng Tử, 17-11 ngày kỵ thánh. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem