Vì sao cần nhấn mạnh vai trò nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị?

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 01/10/2018 10:30 AM (GMT+7)
Theo ông Vũ Mão, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là vấn đề rất quan trọng. Để nâng tầm của văn bản đồng thời để việc tổ chức thực hiện có tác dụng, hiệu quả thì văn bản, nghị quyết phải ở cấp độ của Ban chấp hành Trung ương.
Bình luận 0

img

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XII dự kiến khai mạc ngày mai (2.10, ảnh TTXVN).

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII tới đây (họp từ ngày 2-610), Ban chấp hành Trung ương sẽ xem xét quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành T.Ư có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

-  Về vấn đề trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước đây Đảng cũng đã có quy định về vấn đề này. Vào năm 2012, Ban Bí thư có Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Cách đây một thời gian ngắn, Ban Tổ chức Trung ương (cơ quan soạn thảo dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) có tổ chức hội thảo lấy ý kiến và tôi được mời tham dự.

Tôi rất hoan nghênh và đồng tình lần này có dự thảo nêu trên được đặt ở ở cấp độ Ban chấp hành Trung ương. Ở hội thảo trước đó tôi nhớ dự thảo đặt ở cấp độ là quy định của Bộ Chính trị, tôi đã phát biểu góp ý: Đây là vấn đề rất quan trọng, để nâng tầm của văn bản đồng thời để việc tổ chức thực hiện có tác dụng, hiệu quả thì văn bản, nghị quyết phải ở cấp độ của Ban chấp hành Trung ương.

Lần này, dự thảo nêu trên đã được hoàn thiện chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 8, tôi rất đồng tình.

img

Ông Vũ Mão, cán bộ lão thành từng nhiều nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng (ảnh PV).

Là người tham dự hội thảo, trước đây từng là Ủy viên Trung ương nhiều khóa, ông thấy vấn đề gì cần nhấn mạnh để phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao thưa ông?

-  Tôi chưa có điều kiện và phía cơ quan chức năng chưa cung cấp nên chưa có thể nghiên cứu sâu xung quanh quy định về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, tuy nhiên qua hội thảo lần trước tôi cũng nắm bắt được tinh thần chung. Dự thảo đưa ra những vấn đề có tính chất nội dung, cách thức để tổ chức thực hiện theo quy định đạt hiệu quả.

Với tư cách là đảng viên lâu năm, trước đây nhiều khóa tham gia Ban chấp hành Trung ương (5 khóa – PV), cùng với sự quan tâm và nghiên cứu sâu về vấn đề này tôi thấy:

Thứ nhất là phải tìm được nguyên nhân vì sao tình hình cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, cán bộ đảng viên mắc sai lầm khuyết điểm? Tôi không nói chỉ ở cấp bình thường mà đề cập tới cán bộ trung, cao cấp vi phạm ngày càng nhiều. Mặc dù chúng ta cũng có những chỉ thị này, chỉ đạo kia nhưng tình hình vi phạm của cán bộ đảng viên có vẻ ngày càng nghiêm trọng, tràn lan, điều đó tác động rất xấu đến uy tín của Đảng ta, làm mất lòng tin của nhân dân. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ rất nguy hiểm. Chính vì thế tôi muốn nhấn mạnh đến việc phải đi tìm nguyên nhân, phân tích sâu, nhìn thẳng vào sự thật để có cách khắc phục.

Vấn đề thứ hai, cần phải xem xét, rà soát những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước xem có gì bất cập, có kẽ hở không, đã kịp thời đầy đủ chưa. Tôi cho rằng những văn bản quy định của chúng ta vẫn còn thiếu hay nói cách khác chưa cụ thể. Điều đó có thể tạo ra kẽ hở và dễ bị lợi dụng. Bởi dù cán bộ cấp gì thì cũng là con người, nếu quy định thiếu chặt chẽ có thể bị họ lợi dụng để làm những việc không đúng, từ đó không nêu gương được cho cấp dưới cũng như những người xung quanh.

Một vấn đề  được nhắc nhiều lần, được xem như triết lý, đạo lý, ai nghe cũng thấy đúng và rất cần thiết, đó là: Từng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao phải rèn luyện thường xuyên, phải nêu gương. Thế nhưng tại sao hiện nay nhiều người vẫn chưa nêu gương, không chịu rèn luyện? Nói như vậy để thấy nếu quy định đưa ra chỉ mang tính “hô khẩu hiệu” thì rất khó đi vào cuộc sống, cho nên đi kèm với đó phải có chế tài, có giám sát, kiểm tra sát sao đối với từng diện cán bộ, đảng viên.

Vấn đề thứ ba theo tôi là phải công khai, minh bạch.

Thứ tư theo tôi là phải chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền.

Bốn vấn đề tôi nêu cũng cần bốn giải pháp để khắc phục, trước hết đó là phải quan tâm xây dựng hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách kịp thời, đầy đủ; thứ hai là sự nêu gương, để làm sao mỗi cán bộ đảng viên phải tự rèn luyện; thứ ba là đảm bảo công khai minh bạch; thứ tư là quan tâm đến công tác báo chí, tuyên truyền. 

Theo ông khi những cán bộ đảng viên cấp cao thể hiện tốt trách nhiệm nêu gương sẽ tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung thế nào?

-  Cán bộ cấp cao thể hiện trách nhiệm nêu gương tốt sẽ có tác động rất lớn, bởi họ là những người đứng đầu, họ là những người lãnh đạo, là những người có tầm ảnh hưởng và quyết định đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đến bước tiến của đất nước, ảnh hưởng đến tâm lý và dư luận xã hội. Chính vì thế, chúng ta phải làm công phu, bài bản.

Đảng ta là đảng cầm quyền, cán bộ đảng viên là những hạt nhân của Đảng mà không gương mẫu, không có tinh thần trách nhiệm, không tạo được uy tín mà lấy cái gì đó như một sự áp đặt trong lãnh đạo chỉ đạo thì rất nguy hiểm. Phải để lòng dân thấy sự gương mẫu của cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược để họ nghe và làm theo.

Theo ông, để quy định trách nhiệm nêu gương được thực hiện tốt thì cần vai trò giám sát của nhân dân thế nào?

-  Điều 4 của Hiến pháp quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vậy cơ chế nào để nhân dân thực hiện quyền giám sát đó, tôi cho là vẫn chưa rõ?

Sau vụ việc xảy ra ở Thái Bình năm 1997, chúng ta có quy chế dân chủ cơ sở, nhưng điểm lại việc thực hiện này chúng ta cần phải xem xét đã thu được gì và những gì chưa được để khắc phục, làm sao phát huy cao nhất vai trò giám sát của quần chúng nhân dân.

Xin cảm ơn ông (!)

Ông Vũ Mão: "Một vấn đề  được nhắc nhiều lần, được xem như triết lý, đạo lý, ai nghe cũng thấy đúng và rất cần thiết, đó là: Từng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao phải rèn luyện thường xuyên, phải nêu gương. Thế nhưng tại sao hiện nay nhiều người vẫn chưa nêu gương, không chịu rèn luyện. Nói như vậy để thấy nếu quy định đưa ra chỉ mang tính “hô khẩu hiệu” thì rất khó đi vào cuộc sống, cho nên đi kèm với đó phải có chế tài, có giám sát, kiểm tra sát sao đối với từng diện cán bộ, đảng viên".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem