Vì sao Bộ Công Thương muốn "đẩy" loạt "ông lớn" doanh thu nghìn tỷ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước?

An Linh Thứ tư, ngày 23/08/2023 17:24 PM (GMT+7)
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị chuyển giao nguyên trạng tất cả doanh nghiệp thuộc Bộ sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp "đang có vấn đề" và tài chính.
Bình luận 0

Bộ Công Thương tính "chia tay" hàng loạt "ông lớn" nghìn tỷ

Cụ thể, trong văn bản, Bộ Công Thương đề nghị chuyển giao Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp; Công ty Cổ phần Nông thổ sản Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và vật liệu xây dựng BMC; Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu dệt may; Công ty Cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.

Vì sao Bộ Công Thương muốn "đẩy" các ông lớn nghìn tỷ Habeco, VEAM về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước? - Ảnh 1.

VEAM là 1 trong 11 doanh nghiệp mà Bộ Công Thương muốn chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Ảnh: Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả doanh nghiệp do bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025.

Lý do Bộ Công Thương đưa ra đó là nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tốt thì nhận bàn giao, doanh nghiệp không tốt thì không nhận và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Theo Bộ Công Thương, trong số các doanh nghiệp trên, nhiều ông lớn đang sở hữu mức doanh thu, lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng/năm. Điển hình doanh thu trong 6 tháng đầu năm của các công ty như VEAM là 6.170 tỷ đồng; Habeco là 2.078 tỷ đồng; MIE là 584 tỷ đồng; Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam là 4.675 tỷ đồng...

Vì sao Bộ Công Thương muốn "đẩy" các ông lớn nghìn tỷ Habeco, VEAM về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước? - Ảnh 2.

Văn bản của Bộ Công Thương gửi Văn phòng Chính phủ

Bộ Công Thương khẳng định đang là đại diện chủ sở hữu của 11 doanh nghiệp nói trên. Nhưng ngay khi Thủ tướng có Quyết định 22/2022/QĐ-TTG (2021) về tiêu chí phân loại doanh nghiệp, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã tô chức thực hiện.

Hằng năm, Bộ cũng cử Tổ công tác thực hiện giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% cổ phần nhằm nắm bắt hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Công Thương cho biết, đến nay, có ba doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa gồm Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) do còn tồn tại khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, việc thực hiện quyết toán cổ phần hóa với VNSteel gặp vướng mắc liên quan đến đất đai khi cổ phần hóa công ty mẹ; tại VEAM là do xảy ra một số vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra đang điều tra xử lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất đai, các khoản công nợ; tại MIE là do vướng mắc liên quan đến khoản đầu tư của Công ty Cơ khí Hà Nội.

Hàng loạt vấn đề của các ông lớn

Mới đây, tại báo cáo giám sát tài chính năm 2022 về tình hình tài chính của các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu do Bộ Công Thương quản lý, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt vấn đề tài chính của ba ông lớn Habeco, VEAM, Vinapaco.

Với Habeco, doanh thu năm 20222 ghi nhận đạt 6.461 tỷ đồng, tăng 20,4% và lợi nhuận đạt 517,5 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần khoảng 2.078 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 188 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận cùng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng, Habeco đạt doanh thu thuần 3.251 tỷ đồng, giảm 7% và lợi nhuận sau thuế 184,6 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương cho biết, 6 doanh nghiệp là công ty con của Habeco đang kinh doanh lỗ, một số đơn vị phải áp dụng giám sát tài chính đặc biệt như Bia Hà Nội - Quảng Bình; Habeco - Hải Phòng; Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội; Bia Hà Nội - Thái Bình...

Với VEAM, là doanh nghiệp lớn nhất về qui mô và có truyền thống lâu dài về sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam. Phần lớn doanh thu tài chính của công ty là cổ tức được chia từ các liên doanh ô tô xe máy đã nêu.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 tổng doanh thu của ông lớn này đạt hơn 6.449 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 5.624 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2023, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 6.226 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các công ty con của VEAM nhiều đơn vị phát sinh lỗ lũy kế, trong đó 5 công ty con có 100% vốn góp của VEAM thì chỉ có một công ty có lãi là Công ty Disoco, còn lại các công ty Sveam, Tamac, Viện Công nghiệp mặc dù có lãi nhưng còn lỗ lũy kế; một công ty lỗ là Cơ khí Trần Hưng Đạo.

8 công ty con VEAM góp vốn trên 50% vốn điều lệ, có sáu đơn vị có lãi nhưng vẫn có hai đơn vị vẫn ghi nhận lỗ lũy kế gồm Veam Korea, Cơ khí Vinh.

Đối với Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) mặc dù có tổng doanh thu là 2.471 tỷ đồng, nhưng mức lãi thấp chỉ hơn 8 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đang có nhiều dự án yếu kém, có vấn đề như Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án rừng nguyên liệu giấy Kon Tum.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem