Vì sao bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam bị... “ế”?

Đông Hưng Thứ ba, ngày 19/09/2023 14:10 PM (GMT+7)
Asiad 19 còn vài ngày nữa khai mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc), nhưng các nhà đài tại Việt Nam "nói không" với bản quyền Đại hội thể thao châu Á lần này. Vì sao lại như vậy?
Bình luận 0

Vào ngày 23/9/2023 tới đây, Đại hội thể thao châu Á 2022 (ASIAD 19) sẽ chính thức diễn ra. Trong đó, có 2 nội dung được người hâm mộ quan tâm là bóng đá và bóng chuyền. Đối với nội dung bóng đá, các trận đấu của ĐT Olympic Việt Nam và ĐT nữ sẽ diễn ra từ ngày 19/09 cho đến ngày 28/09 cho các trận đấu ở giai đoạn vòng bảng. Trong khi đó, bóng chuyền chỉ cử đội nữ tham dự, và diễn ra từ ngày 30/09 cho đến ngày 02/10 ở vòng bảng.

Tính đến ngày 19/9, chưa đơn vị nào tại Việt Nam công bố sở hữu bản quyền truyền hình của kỳ Đại hội thể thao châu Á 2022 (ASIAD 19) trên lãnh thổ Việt Nam.

Vì sao bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam bị... “ế”? - Ảnh 1.

Các đài truyền hình Việt Nam "án binh bất động" với bản quyền Asiad 19.

Vì sao bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam bị... "ế"?

Được biết, ban tổ chức ASIAD 19 đã chỉ định Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) làm đài truyền hình chủ nhà và là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối bản quyền kỳ Đại hội thể thao châu lục lần này. Theo tiết lộ từ nhiều nguồn, ban đầu gói bản quyền truyền hình được chào bán trên lãnh thổ Việt Nam có giá khoảng 15 triệu USD. Con số này khiến các nhà đài tại Việt Nam choáng váng. Được biết, vài ngày trước, BTC quyết định giảm mạnh giá bản quyền Asiad còn khoảng 7 triệu USD (hơn 160 tỷ đồng), nhưng vẫn rơi vào tình trạng "ế".

Trước đó, tại ASIAD 18 diễn ra tại Indonesia cách đây 5 năm, bản quyền truyền hình đã được bán tại Việt Nam khoảng dưới 1,5 triệu USD. Khi đó, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) là đơn vị mua độc quyền bản quyền truyền hình Đại hội trên lãnh thổ Việt Nam.

Còn tại ASIAD 2014, giá bản quyền chỉ ở mức 200.000 USD và thấp hơn nữa là 50.000 USD ở kì ASIAD 2010. Những con số này ở mức thấp hơn rất nhiều lần so với kì Đại hội thể thao châu Á năm nay.

Vì sao bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam bị... “ế”? - Ảnh 2.

Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 2-5 HCV.

Về bản chất, Thế vận hội và Á vận hội là hai giải chuyên môn có tính chất cao nhất về thành tích. Song, Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vẫn mang lại nhiều sức hút ở Việt Nam hơn.

Thực tế, một trong những nguyên do khiến ASIAD không nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ như tại SEA Games chủ yếu bởi yếu tố thành tích. Khi bước ra sân chơi châu lục, thành tích của các VĐV Việt Nam thường khá đuối, không đạt được nhiều huy chương, vậy nên ít nhận được sự quan tâm từ NHM.

Mà với các đài truyền hình thì khán giả là những người làm nên thành công của giải đấu. Khi người hâm mộ không quá mặn mà với ASIAD thì rất khó để một đơn vị truyền hình, công ty truyền thông bỏ nhiều triệu USD mua bản quyền truyền hình, nhất là khi họ không nhìn thấy được lợi nhuận khai thác để bù đắp chi phí bỏ ra, chứ chưa nói đến việc kinh doanh có lãi.

Vì sao bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam bị... “ế”? - Ảnh 3.

Giá bản quyền truyền hình Asiad qua các năm. Ảnh: Sportingnews.

Trái ngược với Việt Nam, cách đây 2 tuần, Thái Lan đã công bố sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 19. Mức phí bản quyền không được tiết lộ, nhưng các nội dung thi đấu tại ASIAD sẽ được phát sóng miễn phí trên 11 kênh truyền hình để phục vụ người dân xứ chùa Vàng.

Tại Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 504 thành viên, gồm 337 VĐV, 90 HLV, 11 chuyên gia thi đấu 31/40 môn thể thao, 202/483 nội dung của Đại hội và phấn đấu đạt từ 2 đến 5 HCV ở các môn cầu mây, xe đạp, cử tạ, karate, bắn súng, bắn cung, cờ tướng. Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. 

Lễ khai mạc Asiad 19 vào ngày 23/9, bế mạc ngày 8/10. Đại đoàn thể thao Việt Nam lên đường sang Hàng Châu vào ngày 20/9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem