Bài học kinh nghiệm qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Thứ tư, ngày 29/11/2023 09:10 AM (GMT+7)
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng... Đây là bài học đắt giá đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và nhiều cán bộ, đảng viên có liên quan vi phạm bị kỷ luật.
Bình luận 0

Những vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020

Vừa qua, UBKT Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020 trong việc thực hiện quy chế làm việc; công tác cán bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, các dự án đầu tư công và việc kê khai tài sản, thu nhập các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Bài học kinh nghiệm qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa - Ảnh 1.

Tại kỳ họp thứ 29 (tháng 6/2023), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương, trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trong giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, trong phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; một số cán bộ, đảng viên kê khai tài sản cá nhân thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; một số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cụ thể:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã không ban hành “tiêu chí xác định những dự án quan trọng mà Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi triển khai”, vi phạm quy chế làm việc. Trong quản lý, sử dụng đất, Thường trực Tỉnh ủy không họp bàn, thống nhất chủ trương, giao UBND tỉnh (không thông qua Ban cán sự Đảng) xem xét, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, không đúng nguyên tắc, thẩm quyền, không bảo đảm trình tự, thủ tục, nguyên tắc điều chỉnh, vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12. 

Thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết không đúng thẩm quyền; cho chuyển một số diện tích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp trong Khu du lịch sinh thái FLC sang “đất ở không hình thành đơn vị ở” trái quy định pháp luật, vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Luật Đất đai số 45/2013/QH13, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12. Không chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương trước khi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án FLC Samson Golf Links và khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy. 

Đồng thời, Thường trực Tỉnh ủy không họp bàn, đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC từ đất thuê có thời hạn sử dụng vào mục đích khách sạn - du lịch sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, mục đích sử dụng là đất ở (không hình thành đơn vị ở) để bán căn hộ du lịch cho các cá nhân trái pháp luật đất đai, chạy theo nhu cầu, làm lợi cho nhà đầu tư, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Luật Đất đai số 45/2013/QH13.

Đối với dự án đầu tư công, đồng ý chủ trương và cho ý kiến để UBND tỉnh phê duyệt Đề án Thành phố thông minh làm cơ sở để đầu tư nhiều dự án đầu tư mới, nhưng nhiều nội dung của đề án chưa được làm rõ, đặc biệt là việc xác định tổng mức đầu tư để ưu tiên nguồn lực ngân sách địa phương cho các dự án mới và ngân sách huy động thêm từ nguồn xã hội hóa trong điều kiện tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách địa phương và nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao, dẫn đến UBND tỉnh không đề xuất, điều chỉnh, bổ sung Đề án Thành phố thông minh, nhiều dự án thành phần và kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm sơ sở để bố trí nguồn vốn đầu tư công mà trình HĐND tỉnh phê duyệt dự toán và phân bổ vốn từ nguồn chi thường xuyên cho nhiều dự án thuộc Đề án Thành phố thông minh, vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. 

Tiếp tục đồng ý chủ trương, cho ý kiến để UBND trình HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình đầu tư thành phố thông minh, trong đó chỉ đạo bổ sung dự án nhưng không có đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Luật Đầu tư công số 49. Tùy tiện trong việc cho chủ trương, “cơ chế xin - cho dự án”, hợp thức hóa sự thiếu trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc đồng ý chủ trương, có ý kiến về Đề án Thành phố thông minh.

Nghiêm trọng ở đây là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh và một số sở, ngành thuộc UBND tỉnh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện dự án đầu tư công… gây tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, làm giảm chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn lực, nguy cơ lãng phí, thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước.Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định, để đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh ủy vi phạm trong kê khai, công khai tài sản thu nhập cá nhân. 

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; thực hiện bổ nhiệm, điều động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với nhiều trường hợp cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; để một số tổ chức đảng tiếp nhận viên chức không đúng quy định.

Đối với cá nhân các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về khuyết điểm, vi phạm của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh. 

Đồng chí này chịu trách nhiệm cá nhân ký một số văn bản; chỉ đạo, cho ý kiến để cấp dưới ký văn bản vi phạm pháp luật đất đai, đầu tư công, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước. Thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch công khai tài sản, thu nhập theo quy định; không gương mẫu, kê khai không trung thực, không đầy đủ, không rõ ràng và không công khai về tài sản, thu nhập; báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không rõ ràng, không kịp thời theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra UBKT Trung ương về tài sản, thu nhập, vi phạm Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 và số 36/2018/QH14; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ; Quy chế làm việc số 01-QC/TU của Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về những khuyết điểm, vi phạm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; cùng chịu trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh. 

Trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, chịu trách nhiệm cá nhân ký nhiều văn bản và cho ý kiến đồng ý để cấp dưới ký văn bản vi phạm pháp luật đất đai, đầu tư công, thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước. Không gương mẫu, kê khai không trung thực, đầy đủ, rõ ràng và không công khai về tài sản, thu nhập; báo cáo không trung thực, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra UBKT Trung ương về tài sản, thu nhập, vi phạm Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 và số 36/2018/QH14; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Để xảy ra khuyết điểm, vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Ban cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. Liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm còn có trách nhiệm của nhiều tổ chức đảng, đảng viên. 

Trên cơ sở những vi phạm của các tổ chức đảng và nhiều cá nhân; căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cá nhân liên quan. 

Đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với các cá nhân đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và nhiều cá nhân; khiển trách Đảng đoàn HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 và các đồng chí liên quan. UBKT Trung ương cũng yêu cầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.

Bài học kinh nghiệm qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Thanh Hóa đã bị Ban Chấp hành Trung ương cách chức tất cả chức vụ trong Đảng.

Những khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ và nhiều cá nhân có liên quan đã được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tuy nhiên, đây là bài học đắt giá trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, tiềm ẩn tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài; để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị khởi tố, điều tra, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Nguyên nhân của những vi phạm

Qua vụ việc cho thấy, nguyên nhân vi phạm chủ yếu do tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân khi thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, dẫn đến khi có khuyết điểm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì không ai chịu trách nhiệm; hiện tượng này, vừa dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có  trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá vì lợi ích chung; 

Đây cũng sẽ tạo kẽ hở cho cách làm việc trì trệ, tắc trách, lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, việc thực hiện không nghiêm quy chế làm việc đã đề ra trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án trên địa bàn tỉnh; trong lãnh đạo công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Ýthức tự phê bình và phê bình của đảng viên kém; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn xảy ra.Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ vụ việc trên, để khắc phục những vi phạm, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên,xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cấp ủy,tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng để nắm rõ nội dung, yêu cầu; nhận thức đúng đắn và thống nhất về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện đúng theo Điều lệ Đảng quy định.Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về những điều đảng viên, cán bộ công chức, viên chức không được làm, về việc kiểm soát quyền lực; quy chế làm việc và nội quy của cơ quan... Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan có quy định cụ thể và biện pháp thiết thực ngăn chặn, khắc phục những nơi có biểu hiện thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đảm bảo.

Thứ hailãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; chủ động phân cấp, phân quyền cho cán bộ tham mưu, xác định rõ trách nhiệm trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tránh xảy ra việc lạm quyền. Hoàn thiện, cụ thể, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp với thực tế của địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và quy định của Trung ương có liên quan.

Cụ thể: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, các quy định về công tác cán bộ và thực hiện công tác cán bộ đúng quy định; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư công và chuyển nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án; chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện thu tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp cấp quyền khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp; xác định lại giá đất cụ thể và thu tiền các dự án đúng quy định pháp luật. Kiểm tra, rà soát lại trình tự, thủ tục đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất… tại các dự án và lập, phê duyệt quy hoạch, các đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh đúng quy định pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, quy chế làm việc, đặc biệt là giám sát thường xuyên và chuyên đề phát hiện khuyết điểm, hạn chế từ sớm để khắc phục kịp thời. Xử lý nghiêm những vi phạm về Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước… đặc biệt là cấp ủy cùng cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, những điều đảng viên không được làm…; kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế và những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực.

Thứ tư, phát huy vai trò của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động, giữ vững nguyên tắc này. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt về việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Lương Đức - Trịnh Thế Bình (Trang thông tin điện tử Ủy ban kiếm tra Trung ương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem