Vi Hoàng hậu: Dâm loạn, thao túng triều đình, giết chết hoàng đế

AT Thứ năm, ngày 01/09/2022 23:06 PM (GMT+7)
Vi Hoàng hậu tuy có dã tâm nhưng không có bản lĩnh hay hậu thuẫn chính trị đủ mạnh như Võ Tắc Thiên năm xưa. Vậy nên đã chuốc lấy cái kết bi thảm...
Bình luận 0

Vi Hoàng hậu (?-710) là hoàng hậu của Đường Trung Tông Lý Triết (656-710), bà sinh trong một gia đình 3 đời làm quan phục vụ nhà Đường, được nạp làm phi cho Thái tử Lý Triết. Tháng 1 năm 684, thái tử Hiển (lên ngôi thì đổi tên) lên làm hoàng đế, sử gọi là Đường Trung Tông, thì Vi thị cũng trở thành hoàng hậu, tuy vậy mọi quyền lực đều trong tay thái hậu Võ Tắc Thiên. Vì vua tỏ ra không nghe lời nên chỉ tháng sau thì bị phế làm Lư Lăng vương và giam lỏng ở biệt cung. Cùng lúc đó, Võ Thái hậu lập con trai út của mình là Tương vương Lý Đán lên ngôi, tức Đường Duệ Tông. Tháng 5 ÂL năm ấy, Lư Lăng vương Lý Hiển bị đổi tên là Lý Triết và bị lưu đày đến Phòng châu, Vi thị, lúc này bị giáng làm vương phi, đang có thai cũng phải đi theo chồng, đến khi đang đi trên đường lưu đày thì sinh ra một người con gái. Nhưng lúc đó không có tã để quấn, Lý Triết phải cởi áo của mình làm tã cho tiểu công chúa, bởi vậy đặt tên con gái là Khỏa Nhi, tức An Lạc Công chúa sau này. Trong hoàn cảnh như vậy lại thuận lợi sinh ra một đứa bé nhỏ nhắn xinh đẹp, Lý Triết và Vi thị đều rất yêu thương Khỏa Nhi.

Vi Hoàng hậu: Dâm loạn, thao túng triều đình, giết chết hoàng đế - Ảnh 1.

Chân dung Vi Hoàng hậu. Ảnh minh họa.

Ở Quân Châu, vợ chồng Vi thị phải sống trong cảnh thiếu thốn. Vốn là người nhút nhát, Lý Triết rất lo sợ một ngày nào đó sẽ bị mẹ mình giết chết như hai người anh và một người chị trước đây. Mỗi khi có chiếu chỉ của Thái hậu đem đến, Lý Triết đều rất lo sợ, nhiều lần muốn tự sát. Vi thị khuyên chồng rằng: "Việc sống chết chẳng phải do con người quyết định được. Chẳng bằng ta cứ an nhiên chờ đợi, việc gì phải chết nhanh". Do vậy tình cảm của Lý Triết và Vi thị rất sâu đậm. Lý Triết thường nói với bà:"Một ngày nào đó Trẫm được về triều, sẽ không ngăn cấm nàng gì cả".

Khổ tận rồi cũng đến lúc cam lai. Võ Tắc Thiên thoán ngôi xưng Đế, giáng Duệ Tông Lý Đán làm Hoàng tự, đổi quốc hiệu là Đại Chu. Sau này, Lý Đán bị Võ Tắc Thiên nghi ngờ và muốn phế truất để đưa cháu mình là Võ Thừa Tự làm Trữ quân. Cuối cùng năm Thánh Lịch nguyên niên (698), theo lời khuyên của Địch Nhân Kiệt, Võ Tắc Thiên cho đón Lý Triết về kinh. Tháng 4 cùng năm, Lý Triết đem theo Vi thị cùng các con về đến Lạc Dương. Sang năm thứ 2 (699), Lý Triết được Võ Tắc Thiên chỉ dụ lập làm Thái tử, cải danh là "Hiển" như cũ, nhưng đổi họ thành họ Võ. Do đó Vi thị trở lại làm Thái tử phi. Tháng 2 năm 705 các đại thần Trương Giản Chi, Thôi Huyền Vĩ, Hoàn Ngạn Phạm, Viên Thứ Kỷ, Lý Đa Tộ và Kính Huy tiến hành chính biến, lật đổ Võ hoàng đế. Ngày 23 tháng 2, Võ Hiển được đưa lên ngôi lần thứ hai, cải tên là Lý Hiển, đổi quốc hiệu thành Đại Đường như cũ. Vi thị lại được sách lập làm Hoàng hậu. Hai người con đã chết của bà, lần lượt được truy phong làm Ý Đức Thái tử và Vĩnh Thái Công chúa. Cha của Vi hậu là Vi Huyền Trinh được truy tôn làm Thượng Lạc vương, mẹ Vi hậu là Thôi thị làm Vương phi.

Trở lại ngôi vị rồi, Trung Tông giữ đúng lời hứa năm xưa, cho Vi hậu cùng mình cầm quyền chính, mỗi khi vua lên triều thì bà buông rèm ngồi dự chính ở bên, không cấm đoán Vi hậu bất cứ việc gì. Do đó Vi hậu nảy sinh dã tâm làm như mẹ chồng Võ Tắc Thiên năm xưa, ra sức gây bè kết phái, gièm pha cách chức các đại thần không ăn cánh, kể cả những người làm chính biến lập vợ chồng họ lên ngôi năm xưa. Ngoài ra còn ganh ghét hãm hại những đứa con của Trung Tông do thiếp thất sinh ra, như lưu đày Tiếu vương Lý Trọng Phúc. Lý Khỏa Nhi, tức An Lạc công chúa, đứa con gái sinh ra được cởi áo quấn tã cho năm xưa mà 2 vợ chồng hết mực yêu mến, cũng vào hùa với mẹ can thiệp triều chính, vận động để mình được lập làm Hoàng thái nữ, nhưng Trung Tông không chấp nhận mà lập Lý Trọng Tuấn (cũng là con tiểu thiếp) làm thái tử. Vi hậu và An Lạc do đó tìm mọi cách chèn ép, nhục mạ, tìm cách hạ bệ thái tử. Thái tử Tuấn không chịu nổi chèn ép, năm 707 khởi binh đánh vào cung định giết phe Vi hậu nhưng thất bại và bị giết. Ngày 13 tháng 8 cùng năm, Vi hậu cùng các nhóm vương công đại thần hạ hiểu, xin tôn huy hiệu cho Trung Tông là Ứng Thiên Thần Long Hoàng đế, Vi hậu là Thuận Thiên Dực Thánh Hoàng hậu, cải tên Huyền Vũ môn thành Thần Vũ môn. Trung Tông đồng ý tất cả. Sang tháng 9, Trung Tông cải niên hiệu thành Cảnh Long.

Sau khi diệt trừ được Lý Trọng Tuấn, Vi hậu cùng An Lạc Công chúa, thêm những người cùng phe cánh ngày càng trở nên phóng túng và chuyên quyền, tự ý làm việc bán quan tước để thu lợi. Trong khi đó, Vi hậu và An Lạc Công chúa nảy sinh bất hòa với Thái Bình Công chúa - em gái ruột của Trung Tông, hai bên lập bè đảng mưu diệt nhau. Trung Tông biết mà không có cách gì ngăn chặn. Vi Hoàng hậu lại thông gian với Mã Tần Khách và Dương Vận, trong triều liên kết với gian thần Tông Sở Khách, lại tiếp tục xin cho An Lạc công chúa làm Hoàng thái nữ mà không được.

Đến năm 710, có người dâng sớ tố cáo Vi hậu dâm loạn, thao túng triều đình, Trung Tông không hỏi đến và người kia sau bị giết, nhưng Vi hậu lo sợ đến địa vị của mình, con gái An Lạc thì xúi mẹ đánh thuốc độc giết cha, Vi hậu lâm triều xưng chế như họ Võ năm xưa thì mình mới có thể làm Hoàng thái nữ. Ngày 3 tháng 7 năm 710, Đường Trung Tông Lý Hiển bị trúng độc, chết ở Thần Long điện. Vi hậu giấu tin không phát tang, đích thân tạm quản lý triều chính. Bên cạnh đó, bà lại triệu tập các phủ binh đóng trong thành Trường An, khống chế kinh thành, mệnh đứa con nhỏ của Trung Tông là Ôn vương Lý Trọng Mậu làm Hoàng đế, tức Đường Thương Đế. Sau khi bàn định ổn thỏa, triều đình mới chính thức phát tang cho Trung Tông ở Thái Cực điện, Vi hậu làm Hoàng thái hậu, lâm triểu xưng chế, sắp đặt người cùng phe cánh.

Tuy nhiên Vi hậu tuy có dã tâm nhưng không có bản lĩnh hay hậu thuẫn chính trị đủ mạnh như Võ Tắc Thiên năm xưa. 13 ngày sau khi Thương Đế đăng cơ, Lâm Tri vương Lý Long Cơ kết hợp cũng Thái Bình công chúa, đưa quân tấn công vào cửa Huyền Vũ, tiêu diệt phe đảng của Vi hậu, Vi Thái hậu bỏ trốn khỏi cung, nhưng cũng bị một người phi kỵ chém đầu, nộp cho Long Cơ. Sử gọi là Đường Long chi biến. Lý Long Cơ sau đó tôn cha là Tương vương Lý Đán lên ngôi lần thứ hai, ra lệnh truy phế Vi hậu mà giáng làm Thứ nhân.

Vậy là người có thể cùng ta cộng khổ, chưa chắc đã có thể đồng cam, cùng hưởng phú quý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem