VEC muốn tăng phí 4 tuyến cao tốc: Bộ GTVT lên tiếng

Thế Anh Thứ bảy, ngày 07/10/2023 17:28 PM (GMT+7)
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện mức phí tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý vẫn được giữ nguyên.
Bình luận 0

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có báo cáo kết quả công tác quản lý, vận hành khai thác các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, VEC đang xây dựng kế hoạch tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý.

Lý do để kiến nghị tăng phí tại các tuyến cao tốc, được VEC nêu rõ, tại Quyết định 2323 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT (về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư) có đưa ra lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm một lần, mức tăng 12%/lần.

VEC muốn tăng phí 4 tuyến cao tốc: Bộ GTVT nói gì?  - Ảnh 1.

Trạm thu phí Cao Bồ, do VEC quản lý. Ảnh: Thế Anh

Vì vậy, VEC khẳng định việc điều chỉnh tăng phí tới đây hướng đến mục tiêu đảm bảo phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp này.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT chưa nhận được kiến nghị này từ VEC. Hiện, các mức phí tại các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý vẫn được giữ nguyên và chưa biết rõ sẽ tăng phí vào thời gian cụ thể nào.

Cũng liên quan tới kiến nghị tăng phí này, một số chuyên gia cho rằng, phương án mà VEC xây dựng tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý là chưa phù hợp vì doanh nghiệp vận tải vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19. Người dân cũng đang gặp khó khăn bị mất việc làm, lạm phát tăng cao.

Đánh giá về việc dự kiến tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: "Doanh nghiệp vận tải chia sẻ với áp lực của việc phải đảm bảo phương án tài chính, các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT là lớn, chủ đầu tư đề xuất tăng phí là chính đáng. Tuy nhiên, việc tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 cần xây dựng lộ trình. 

"Trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung và ngành vận tải nói riêng vẫn đang khó khăn, dự báo khó khăn còn kéo dài tới hết năm 2025, vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét việc tăng phí BOT", ông Bằng đề xuất.

Theo báo cáo của VEC, trong 9 tháng đầu năm 2023, bốn tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác phục vụ an toàn hơn 45,3 triệu lượt phương tiện, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có lưu lượng xe cao nhất với 15,8 triệu lượt, tuy nhiên mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 tuyến, chỉ 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ hai về lưu lượng trên tuyến là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với 15,4 triệu lượt xe, tăng trưởng 9,65% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, đồng thời cao nhất trong 4 tuyến cao tốc của VEC với 21,43% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về mức tăng trưởng, song lưu lượng xe trên tuyến vẫn đứng cuối cùng trong 4 tuyến cao tốc (chỉ 1,8 triệu lượt).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem