Vẫn tranh cãi thời điểm "cứu sống" sông Tô Lịch và những con sông nội đô khác

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 23/08/2023 06:00 AM (GMT+7)
Dù giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành văn hóa Thủ đô nhưng từ lâu, ô nhiễm khiến những con sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét lu mờ trong nhịp phát triển chung thành phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn chưa thống nhất được thời điểm nào là phù hợp để "cứu sống" những con sông này.
Bình luận 0

Chiều ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Toạ đàm Làm "sống lại" 4 con sông nội đô gồm Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét. Toạ đàm do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức.

Ban tổ chức cho biết, Toạ đàm lần này được tổ chức để làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị liên quan để gửi đơn vị lập Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét" (Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội) hoàn thiện trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai đề án.

 Sức khỏe các dòng sông nội đô ngày càng suy giảm 

Việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm thành phố Hà Nội Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND Thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021.

Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét" do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.

Theo Dự thảo đề án, sự hình thành và chức năng của hệ thống 4 con sông nội đô gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị của thành phố Hà Nội. Cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên; trong đó cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội. Đây là những yếu tố địa lý cơ bản định hình các xóm làng và mạng lưới giao thông của đô thị cổ.

Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị, nơi giao hội các dòng sông cũng là nơi bố trí các chợ ven đô, chợ cửa ô trong quá khứ. Đến nay, các dòng sông nội đô đều ở mức ô nhiễm từ vừa đến nặng. Chỉ số DO cho thấy sức khỏe dòng sông suy giảm rõ rệt, đặt biệt là đánh giá theo chuỗi thời gian 10 năm trở lại đây của Sở Tài nguyên & Môi trường, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thành phố.

Theo PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Chủ trì tư vấn lập Đề án), một phần nguyên nhân là do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá, đặc biệt là sức ép dân số cơ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày càng tăng dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.

Đưa 4 dòng sông nội đô về lại sứ mệnh phát triển kinh tế, cảnh quan Hà Nội - Ảnh 1.

Chủ trì tư vấn lập đề án, PGS. TS Trần Thị Việt Nga

"Cần có một cách tiếp cận tổng thể, toàn diện và là những gói giải pháp được thực hiện đồng thời mới hiệu quả. Nếu chỉ áp dụng một vài giải pháp, sẽ không đạt được mục tiêu mà còn tốn kém về nguồn lực. Bởi không đơn thuần đóng vai trò vật lý, mà còn rất nhiều vai trò về giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, Thủ đô của chúng ta cũng được mệnh danh là thành phố sông hồ", PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho biết.

Cần chính sách rõ ràng nhiều khía cạnh

Đóng góp ý kiến xây dựng Đề án, Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng cho rằng, về nội dung cơ bản nên gọi bằng 4 nhiệm vụ bao gồm kiểm soát phòng ngừa; xây dựng hệ thống cân bằng sinh thái; cải tạo chỉnh trang không gian cảnh quan và tăng cường năng lực. Kèm theo những nhiệm vụ lớn nêu trên, các chương trình và các dự án đi theo.

"Đối với giải pháp lớn, Đề án chưa làm rõ được nội dung về cơ chế chính sách. Tôi cho rằng chưa rõ. Nếu thực hiện dự án này, thì cơ chế chính sách phải là cái gì. Ai tham gia vào dự án sẽ được hưởng các ưu đãi gì? Như vậy mới khuyến khích, kêu gọi được. Thứ hai là huy động các nguồn lực, nếu chỉ chung chung là xã hội hóa, nhưng phải làm rõ được sẽ huy động thế nào, làm thế nào để huy động?", PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến nhận định.

Phát biểu tại tọa đàm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng Sở Tài nguyên & Môi trường xem xét thời điểm chính thức bắt đầu dự án để triển khai cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang triển khai Quy hoạch Thủ đô 2021 – 2030 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đưa 4 dòng sông nội đô về lại sứ mệnh phát triển kinh tế, cảnh quan Hà Nội - Ảnh 2.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

"2 quy hoạch lớn còn đang làm, đang chờ đợi thì Đề án có nên làm hay không, hay phải đợi?", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt vấn đề. Bởi theo Phó Chủ tịch, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nội dung đang trong Luật Thủ đô chỉ nhắc tới tập trung xây dựng quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, như vậy khó để sắp xếp nguồn tiền thực hiện Đề án với 4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét vì không nằm trong chính sách.TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đây cũng là điểm cần bổ sung vào nội dung Đề án.

Kỳ vọng về những dãy phố ven sông

Thời gian qua, dù thành phố có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động, chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội; đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đồng bộ, thiếu tính dự báo, chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và  bền vững.

Để giải quyết các vấn đề trên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: (1) Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; (2) Xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của Thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông; (3) Đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Quan điểm của Đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 con sông nội đô được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, lấy phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường nước.

Kết hợp hài hòa giữa yếu tố môi trường tự nhiên và các giá trị lịch sử văn hóa; tái kết nối dòng sông với không gian ven sông và khu vực phát triển hai bên, trong việc phục hồi và phát triển hệ thống sông nội đô, tạo nên "thương hiệu" cho thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại.

Xây dựng đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đặt mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô đáp ứng các quy chuẩn về môi trường. Đóng góp vào việc đáp ứng các tiêu chí đặt ra để được "Thành phố xanh-thông minh-sáng tạo", tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường. Khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của dòng sông, gắn với hệ sinh thái nhân văn các khu định cư truyền thống và khu phát triển mới dọc sông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem