Nhà văn Hữu Ước và tiểu thuyết "Kiếp người": Bộ phim đời không có chữ hết

Vi Li Thứ sáu, ngày 13/10/2017 12:30 PM (GMT+7)
Bộ tiểu thuyết "Kiếp người" và Công viên văn hoá tâm linh Ước là những công trình mà đến nay, chưa nhà văn nào ở Việt Nam làm được ở tính đồ sộ, quy mô, gây ấn tượng đến thế.
Bình luận 0

Kiếp người - Hộ chiếu đời Hữu Ước

Tôi quen xem sách từ dưới lên, trước khi bắt đầu chính thức đọc. Trong niềm tin tưởng và hứng khởi với Kiếp người của Hữu Ước, tôi tin không có cái kết dù ở chữ cuối cùng, và chờ đợi đọc ông - một bút lực, biến hoá sâu sắc và đẫm tình nhân thế.

img

Tiểu thuyết "Kiếp người".

“Kiếp người” - tiểu thuyết quan trọng nhất đời văn của Hữu Ước, phát hành 2 tập từ năm 2016: 8/5 ra mắt tập 1 - Sống (497 trang, in 3 vạn cuốn), 8/11 là tập 2 Lửa (399 trang, in 5 vạn cuốn), đều khổ 16x24cm, kỉ lục ở thời suy giảm văn hóa đọc (NXB Văn học), thực sự là hiện tượng gây chú ý trong giới cầm bút trí thức, nghệ sĩ. Viết kịch bản (KB) phim truyện nhựa, sân khấu từ gần 3 thập kỉ trước, Hữu Ước đã đưa đời sống vào cuộc đời mình, thành phim trên giấy. Cuốn phim đời trầm luân, kịch tính, đa cảm và cám dỗ người xem.

"Kiếp người" - tiểu thuyết đầu tay, nhưng tên Hữu Ước, truyện kể, giai thoại quanh người nổi tiếng này vẫn khiến kẻ thờ ơ nhất cũng phải tìm đọc, không thể nén tò mò.

img

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Chỉ ai trí tưởng tượng dồi dào và tâm hồn phong nhiêu mới tư duy hình ảnh. Từ bản thảo, mọi câu văn, trang viết gần như hoàn chỉnh, rất hiếm lỗi chính tả. Đáng nể trong lối viết của ông: ông viết tay trong những cuốn sổ dài, dày. Viết đến đâu, cho nhân viên đánh máy đến đấy là hoàn thành, sau đó cứ thế đem in, tức là viết rất chắc, không cần đảo, trộn, sửa chữa nhiều. Mỗi câu, đoạn tả đều khác biệt, không thấy sự lặp quẩn, cùn mòn. Kiếp người như một tấn trò đời. Thời gian ào ạt thác lũ và nghiệt ngã của tạo hóa, hạn định mỗi số phận. Tấn trò đời khởi từ đây.

Tư duy hình ảnh là biểu thị nổi trội của lối viết hiện đại, phản ánh năng lực tưởng tượng của nghệ sỹ. Văn chương hiện đại không chấp nhận lối viết dày đặc tính từ, tu từ cũ mòn và lối diễn ngôn lười biếng. Kiếp người được viết  khi tác giả đã qua tuổi "lục thập nhi bất hoặc", trải bao giông bão, thăng trầm, mất mát, khổ đau, vinh quang, danh vọng. 

img

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) chúc mừng người Anh - đồng nghiệp Hữu Ước

Quyền nhân chứng đã khiến ông tạo nên một tác phẩm hấp dẫn cao độ, chi tiết sống động. Thoại lúc triết lý, khi "lính tráng", thật hơn sự thật, những miêu tả rất tinh tế và tinh quái, tình huống cuốn nhau liên tiếp, dồn dập các va chạm với lượng nhân vật khổng lồ, mà dù ở vai trò chính, thứ hay rất phụ đều không nhòa nhạt.

Đọc hết tập 2 "Kiếp người", tôi nhận ra sức mạnh nghệ thuật thật ghê gớm và phi giới tính. Khi một ca khúc, bản nhạc, bộ phim, bài thơ giàu sức lay động người xem, dù thưởng thức bằng bản năng cảm tính hay có nghề sành sỏi cũng sẽ có lúc rơi vào bối rối khi bị mê hoặc lẫn lộn. Không thể và không muốn phân định mình yêu chàng/ nàng diễn viên kia, hay yêu nhân vật họ đóng? Và với Kiếp người, tôi tin, không chỉ đàn bà mà đàn ông "chuẩn men" không thể thốt lên thán phục. Tính chịu chơi, quảng giao, đa tài, dũng cảm, dấn thân và mãnh liệt sống, cá tính của Thanh Hữu thật đáng mê.

Tác giả "Kiếp người" còn là đạo diễn tài ba khi chuyển hóa chương hồi ngồn ngộn chi tiết, tình huống, sự kiện thành xã hội vừa hiện thực vừa gián cách cho người xem nhìn lại được chính mình, quá khứ của mình giữa đời sống hiện tại một cách sống động và tự nhiên. Ông khiến người ta tin những chuyện ấy là thật, thậm chí còn chưa hết sự thật, người xem thấy mình ở trong đó và muốn khám phá đến cùng sự thật về nhân sinh.

Nhựa sống, sự sinh sôi ấy bung nở, khiến tôi quên đi tuổi ngoài lục tuần của ông. Lúc cường lực, thanh xuân nhất, tôi cũng không sánh được về bản lĩnh sống và cầm bút của Hữu Ước.

Công viên Ước - Phần kết tiểu thuyết đời

Công viên tâm linh phi lợi nhuận này với hàng trăm bức tranh và tượng, bảo tàng của Hữu Ước, hoa và cây xanh rợp một vùng sẽ là một kiến trúc văn hoá đẹp của Thủ đô, điểm đến của nghệ sĩ, công chúng yêu nghệ thuật, những ai coi trọng tâm linh thanh thản, muốn gạt bỏ tham lam, nghiệt ngã của cuộc đời, để hưởng sự tĩnh lặng. Cuối năm nay, ông sẽ đưa mộ phần của người vợ từ làng Hoàng Xá, quê chồng mà 2 người cùng xã Tiên Tiến về đây an nghỉ. “Cuộc đời lắm mệt mỏi, đây là chốn tĩnh tâm để sống tử tế hơn, sống cho ra sống đến phút cuối cùng”. Toàn bộ công trình này được ông đưa vào phần cuối của tập 3, tập kết của bộ tiểu thuyết Kiếp người, khi Thanh Hữu xây chùa, vườn tượng tặng xã hội - một công trình từ khối óc và bàn tay của anh.

img

Nhà văn Hữu Ước song ca cùng ca sĩ Tùng Dương ca khúc Lời hò hẹn (sáng tác Hữu Ước) tại buổi ra mắt tập 1 tiểu thuyết Kiếp người. Ảnh: Trang Dũng.

Ngày 18.2.2017, ông cho cắm biển Công viên Ước từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào 3km, gặp đường rẽ, theo mũi tên lại có biển chỉ dẫn 1km nữa là đến nơi. Khu đất 1,5ha này mua từ chục năm trước và tiến hành làm không gian tâm linh từ 2014. Ở đây, đặt phiến đá trắng đề thơ tặng vợ và phiến khác đề tên công đức, phiến đá khắc bản nhạc bài thơ của chủ nhân. Nhiều ghế đá dành cho khách tham quan. Có suối Giải Oan vì đời nhiều oan ức. Ông muốn và sẽ xây dựng nơi đây thành điểm hẹn - không gian tao đàn nghệ thuật cho nghệ sĩ, công chúng vào tự do.

“Và cuộc sống của hắn như một mũi tên tẩm dầu lao vun vút để tìm về đích. Cái đích của hắn bây giờ là lên được Tướng”. Câu mở đầu tập 3 Lạnh đã làm nóng độc giả. Tôi được Hữu Ước đưa cho đọc 8 trang đầu tiên của tập cuối này vào giữa tháng 4.2017, 85 trang vào đầu tháng 9 và tiếp ngay 30 trang vào cuối tháng 9.2017. Tôi đang đọc bản thảo tập 3, trong khi nhiều người chờ đợi ông xuất bản tập 3, tập cuối - một bút lực, biến hoá sâu sắc và đẫm tình nhân thế. Tác giả mở chúng ta xem hộ chiếu đời ông khi nó đang còn hạn, đang chờ những dấu visa mới, với số trang không ấn định.

Tọa đàm "Trung tướng- Nhà văn  Hữu Ước với văn học nghệ thuật" do GS đạo diễn Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn Nghiên cứu và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chủ trì, PGS TS Nguyễn Thế Kỷ điều hành, diễn ra ngày 14.10 tại Công viên Ước (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội). Hơn 20 bài viết của các tên tuổi lĩnh vực văn chương, sân khấu tham gia sự kiện này như nhà thơ TS Vũ Duy Thông, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Trần Trương, Vi Thùy Linh; TS Lê Thị Bích Hồng, ĐD NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NS Xẩm Mai Tuyết Hoa, nhà phê bình Bùi Việt Thắng... được nhà văn Hữu Ước tập hợp in thành sách dày 150 trang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem