Ngòi bút rung động mạnh mẽ khi viết về nông thôn

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 26/04/2019 16:40 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ trong Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo NTNN phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Bình luận 0

Sáng 26.4, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn đề tài nông thôn mang tên "Làng Việt thời hội nhập", với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) - Nhà tài trợ Kim cương. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên (7.5.1984 – 7.5.2019).

img

Tới tham dự phát động cuộc thi truyện ngắn có rất đông nhà văn, nhà thơ như: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hiếu, Tạ Duy Anh, Đỗ Tiến Thuỵ, Võ Thị Xuân Hà…

Chia sẻ tại buổi phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”, nhà văn  Võ Thị Xuân Hà - tác giả nhiều truyện ngắn, trong đó có truyện “Lúa hát” cho hay: “Tôi không phải là nhà văn đến từ nông thôn, cuộc đời của tôi chỉ sống ở thành phố, tôi biết tới nông thôn là do đi sơ tán, dạy học. Tôi luôn nghĩ như thế này, không phải ở nông thôn thì mới viết về nông thôn hay, mà khi ta đi qua một vùng đất, ta cảm thấy yêu quý, ấn tượng với cánh đồng lúa, các cô gái nông thôn, thì những hình đó rất đẹp nên cảm hứng "Lúa hát" trong tôi là vậy.

img

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phát biểu tại lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập". Ảnh: Trọng Hiếu

Khi tôi viết “Lúa hát”, tôi đã viết rất nhanh bởi những hình ảnh về cánh đồng, về người nông dân cứ thế lần lượt hiện về. Sau đó, tôi có viết hàng loạt truyện khác như "Ngày hội hát", "Đất lặng lẽ"…, nhưng có lẽ với độc giả, “Lúa hát” là truyện ngắn ấn tượng nhất.

Tôi mong rằng tôi và các tác giả sẽ có những phút thăng hoa để chúng tôi có thể viết những câu truyện ngắn đặc sắc về nông thôn. Đó không chỉ là những cánh đồng lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết mà còn là những rẻo lúa trên vùng cao, trên trung du miền núi. Tôi nghĩ có lẽ cuộc thi sẽ mở rộng ra các vùng làng quê trung du miền núi, tôi thích đề tài miền núi và góp một chút gì đó cho cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập””.

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ thì chia sẻ: “Tất cả các cuộc thi từ báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội cho tới các tờ báo phía Nam đã từng tổ chức, số lượng tác phẩm lấy đề tài nông thôn làm bối cảnh chiếm tới 90%. Điều này phản ánh rằng đa phần các nhà văn đều sinh ra ở nông thôn, đó là lĩnh vực họ am hiểu, tình cảm gắn bó nhất. Vì vậy, khi họ đặt bút viết, cảm xúc lớn nhất vẫn là về quê hương, bản thân tôi cũng vậy. 

Trong phóng sự vừa được phát sóng, tôi đã được nhắc tới như một nhà văn viết về nông thôn. Thực ra tôi không ý thức về điều này, mà hoàn toàn vô thức, nếu bảo tôi viết về đề tài khác tôi không thể viết được. 

img

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy phát biểu tại Lễ phát động.

Tôi sống ở nông thôn 18 năm sau khi thoát ly, và giờ dù có 20 năm sống ở thành phố, làm việc ở thành phố nhưng sâu thẳm trong tôi, chữ tình sâu nặng nhất trong tôi vẫn là quê hương. Khi tôi viết, chỉ khi nói đến nông thôn, làng quê, ngòi bút của tôi mới rung động mạnh mẽ.

Tuy nhiên, có một thời kỳ đề tài về văn học nông thôn bị hạ thấp. Thậm chí có lúc các nhà sách, các nhà báo đặt bài với tác giả thì có nhắc rằng, các anh chị viết gì thì viết, nhưng đừng bèo tấm, hoa dâu, rất khó bán, rất khó in.

Dù là quan hệ thân thiết thì câu nhắc nhở này cũng vẫn ảnh hưởng tới nhiệt huyết, quyết tâm của tác giả. Ngay bản thân tôi một thời kỳ khi viết về tác phẩm nông thôn cũng không được đón nhận mặn mà, tôi cũng bị chựng và loay hoay tìm đề tài khác.

Chính bởi vậy, khi Báo NTNN/Dân Việt tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”, tôi nghĩ đây sẽ là dịp kích cầu, tôn vinh trở lại tiềm năng viết về nông thôn trong mỗi nhà văn Việt Nam. Tôi rất mừng vì sau một thời gian dài đã nhạt với đề tài nông thôn, sau đây rất nhiều nhà văn như Sương Nguyệt Minh, Thế Hùng… nếu được tôn vinh, được đón đợi thì hai bên gặp nhau, sẽ có sự tương tác và có thành công”.

Thể lệ cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" xem tại đây

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem