Truyện dự thi: Lỡ Tết

Yên Vũ (Hà Nội) Thứ bảy, ngày 11/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
Bao năm qua, Thụy vẫn lần tìm bóng dáng quê mình qua những giấc mơ, qua chất giọng Bắc đặc sệt, mặn muối biển, mà sóng gió vùng biển Bắc Bộ đã đánh bẹt cả các âm tiết “o, a”, đôi lần cậu thoáng nghe thấy giữa phố phường rộn rạo. Cậu tìm quê qua cả làn khói nghi ngút bốc lên từ nồi bánh chưng mẹ nấu trong một vài dịp tết…
Bình luận 0

Bố quyết định vào ngày 28 Tết cả nhà sẽ về quê nội. Bé Nhím háo hức quá, líu lô hỏi mẹ đủ điều:

“Quê mình có cây đa đầu làng không ạ? Chắc là nhiều ao sen với lại có cả cánh đồng rộng như biển Đà Nẵng, gió mà thổi trên đồng thì chắc cũng như sóng vỗ thế này mẹ nhỉ? (Nhím đung đưa cả người lẫn tay như con thuyền bị sóng xô). Các bạn ở quê có đi xe đạp điện như con không ạ? Chắc không đâu mẹ nhỉ! À con biết rồi, các bạn ấy cưỡi trâu!”.

Mẹ đang mải cằn nhằn với bố “sao phải điệu cả hai đứa nhỏ về làm chi cho mệt!” nên sẵng giọng khi thấy Nhím cứ bắng nhắng sau lưng.

- “Con ra hỏi anh đi! Không thấy ba mẹ đang bận à?”.

Thụy nhìn theo cô em gái đang cụp mắt im re sau khi bị mẹ mắng. Cậu cười dịu dàng:

- “Hồi nhỏ anh ở quê thì quê mình như thế. Chỉ khác chỗ là trẻ con không cưỡi trâu đi học như em tưởng tượng đâu!”.

- “Thật há anh?! Anh kể cho em về quê mình đi anh!”, Nhím níu lấy tay anh nũng nịu.

Thụy kéo cô em gái vào lòng thủ thỉ như vẫn thường kể chuyện cho em nghe.

img

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Đã ngót mười năm nay, Thụy chưa một lần trở về quê nội, nơi cậu hé mắt nhìn đời lần đầu tiên và biết khóc khi còn chưa biết buồn. Hồi bố mẹ quyết định chuyển vào Sài Gòn, cậu bé Thụy đã nài nỉ xin được ở lại quê sống với ông bà. Mẹ dỗ dành cậu hết nước hết cái mà cậu không chịu đi. Bố thì dữ đòn, bắt cậu ra giữa sân, cho “ăn lươn” một trận rồi kéo cậu xềnh xệch lên xe.

Bao năm qua, Thụy vẫn lần tìm bóng dáng quê mình qua những giấc mơ, qua chất giọng Bắc đặc sệt, mặn muối biển, mà sóng gió vùng biển Bắc Bộ đã đánh bẹt cả các âm tiết “o, a”, đôi lần cậu thoáng nghe thấy giữa phố phường rộn rạo. Cậu tìm quê qua cả làn khói nghi ngút bốc lên từ nồi bánh chưng mẹ nấu trong một vài dịp tết… Chỉ vài tiếng nữa, cậu sẽ được thấy quê. Cậu nghĩ mình sẽ miên man với vô vàn kỷ niệm, sẽ chộn rộn đến mức chẳng buồn chợp mắt suốt chuyến đi. Nhưng chẳng lâu sau khi máy bay cất cánh, Thụy đã ngủ mê mệt. Hai đêm thức trắng trước đó đã làm cậu kiệt sức.                                

*                *

*

Từ đường lớn, chiếc taxi rẽ vào một cái cổng trát bêtông cao lừng lững. Nếu không có dòng chữ ghi Làng Đồng Am thì cả Thụy và bố mẹ cậu cũng chẳng nhận ra đây là lối về làng mình, vì cảnh vật xung quanh đổi khác quá nhiều. Có lẽ cánh cổng dẫn tới một khu phố chợ sầm uất chứ không phải một ngôi làng thanh vắng có con đường đất nhỏ quanh co chạy dọc cánh đồng như xưa. Nhà cửa bên đường hầu hết là nhà hai ba tầng, mọc lên chẳng khác gì phố xá, lấn lướt mấy cây bàng còi lưa thưa lá. Trừ một hiệu thuốc ra, còn lại là các cửa hàng điện thoại, quần áo, tạp hóa, quán điện tử, bi-a và các hiệu tóc với những biển quảng cáo nhấp nháy. Đường ngày giáp tết chật ních người, xe, hàng hóa. Xe và người nhích từng chút một. Chiếc taxi tiến vào khiến đường thêm tắc, làm những tiếng còi xe máy sốt ruột kêu lên inh inh. Vài người đi sau phàn nàn: “Taxi vào đây thì còn ai đi được!”.

Thụy liền bảo bố: “Hay là mình quay xe lại?”.

Nhưng tài xế bất lực: “Giờ chỉ có tiến chứ chẳng lùi được”.

Bố Thụy ngó ra ngoài cửa xe, ái ngại xin lỗi và xin cho nhờ đường. Chợt có tiếng kêu:

- “Ô, có phải anh Vinh, con ông Tú đấy không? Năm nay anh lại về quê ăn tết à?”.

- “Thôi người làng mình cả, lâu rồi mới có dịp về thăm quê. Bà con thông cảm cho họ đi đi!”.

Lại có tiếng lao xao hỏi nhau. Nhiều người tò mò đổ dồn ánh mắt vào bố Thụy. Bố Thụy vừa cười vừa chào đáp lại. Mẹ Thụy hỏi họ là ai khi bố Thụy quay đầu vào trong xe.

- “Cứ chào thế thôi chứ anh có biết ai vào ai! Nhìn mấy người hơi ngờ ngợ, mà không nhớ. Đâu như có ông bố thằng Tình”, bố Thụy trả lời.

Chật vật mãi chiếc taxi mới về tới ngõ xóm. Nghe tiếng gọi xôn xao “ai như cả nhà bác Vinh về”, ông bà và hai đứa con của chú Thụy cùng chạy ra. Ông nhìn thấy Thụy trước tiên, vội gọi tên cậu rồi lập cập tiến lại, vỗ vỗ vai cậu. Bà vừa thấy Nhím thì mừng quýnh, cứ xuýt xoa: “Cục cưng của bà đã lớn thế này rồi à? Lần đầu đi xa con có mệt không?”. Hai đứa em họ của Thụy thì lấp ló sau lưng ông bà, lí nhí cất tiếng chào hai bác và anh chị, rồi sau khi đã quen với khách, cũng chạy lại cùng ông bà xách bớt hộ mấy túi đồ trên tay bố mẹ Thụy.

Ông nội già nhanh quá đỗi. Khuôn mặt ông gầy sọp, đôi vai so lại, lưng gồ lên mấp mô. Bao nhiêu năm mới gặp con cháu, ông bà mừng mừng tủi tủi. Miệng ông cười mà ánh mắt loang loáng nước, còn bà thì trào nước mắt. Ông bà sốt sắng hỏi han đủ điều: “Đi lại thế nào? Các con và hai cháu đã ăn uống gì chưa? Cháu ông có say xe không? Sao mang nhiều đồ thế? Ở nhà thiếu gì thứ mà phải mang về!”…

Vừa nhìn thấy ông bà, Thụy đã thấy tưng tức nơi lồng ngực. Cậu chẳng biết nói thêm điều gì ngoài câu chào và trả lời những câu bà hỏi. Nhưng tận lòng cậu thấy thương ông bà lạ lùng khi nhận ra thời gian đã bào mòn hai thân hình yêu dấu ấy của mình. Có lẽ do cảm xúc của cậu quá mạnh chăng mà cậu thấy ngờ ngợ về thái độ của bố mẹ mình?

Mẹ vẫn tươi cười chào thăm ông bà nhưng sau đó lại khẽ chép miệng. Ở khóe mắt mẹ, cậu nhận ra có chút gì bất mãn. Và dường như mẹ cố ý hoặc đi lùi xuống hoặc vượt lên khỏi bà vài bước chân để khỏi phải đáp chuyện với bà. Còn bà vẫn vui vẻ kể chuyện tết tư, làng xã, nhưng khi quay sang định hỏi mẹ Thụy một câu thì bà hẫng hụt vì nhận ra mẹ Thụy không còn đi cạnh mình và đang để mắt sang hai bên đường.

Bố Thụy thì có vẻ ngược lại, sốt sắng hỏi thăm sức khỏe của ông bà, rằng “Bà uống thuốc mà con gửi về có thấy đỡ đau lưng không?”, rằng “Cái chân bị trật khớp của ông đã lành hẳn chưa?”… Song Thụy có cảm giác khi ông bà trả lời thì bố mình chẳng hề bận tâm đến mà chỉ ậm ờ, vâng vâng cho có vẻ đang lắng nghe. Bằng chứng là khi mọi người tiến vào đến cổng nhà, bố Thụy đã hỏi lại ông mấy câu mà ông trả lời rồi. Thi thoảng bố Thụy chạm hờ vào tay ông hoặc vỗ nhẹ lưng bà, nhưng cử chỉ ấy chỉ diễn ra chưa đầy hai giây. Bố Thụy lắc đầu kêu “ông dạo này trông yếu quá, ông có tuổi rồi đừng tham công tiếc việc, việc vườn tược thì bỏ đi thôi chứ ông giữ làm gì!…”. Trong cách nói của bố, Thụy không rõ có bao nhiêu phần  phàn nàn, bao nhiêu phần quan tâm, và dường như còn có một phần ngầm cho ông nội biết một ý khác. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan đi vì Thụy đang mải để ý đến cảnh cũ.

Ngôi nhà đã đổi thay nhiều. Cánh cổng tre khi xưa được thay thế bằng cổng sắt. Những giậu râm bụt và bụi tre bao quanh khu nhà bị phá dỡ từ lâu, giờ là tường vây kiên cố. Nhưng căn nhà ngói khi xưa còn được giữ lại, chỉ có nước ve tường và bậc thềm là mới. Và trước sân nhà, mảnh vườn rộng thênh thang, nơi ông trồng đủ các cây ăn quả và bà trồng mấy luống rau, nơi Thụy vẫn ra trèo leo, vày đất khi xưa, mảnh vườn ấy vẫn xanh um như thuở nào. Chỉ có điều dưới con mắt của Thụy bây giờ, tất cả quang cảnh như thu nhỏ lại. Thụy thấy bùi ngùi như về thăm lại những người bạn lớn thuở xưa, nhưng sau bao năm, trong khi Thụy trưởng thành, cao lớn thì những người bạn ấy lại trở nên già nua, còm cõi.

Phải, mỗi cái cây trong vườn một thời vẫn để Thụy leo lên mình, bứt lá đập quả, chẳng khác gì những người anh hiền hòa, mặc đứa em đùa bỡn với mình. Đây, hai cây bòng cao vống, cành lá vươn ra khỏi vườn, rợp bóng một khoảng sân, ướp những đêm xuân trong hương hoa thơm ngát nồng nàn. Nhớ trận mưa bão năm nào, hàng chục quả bòng bị mưa gió đập rụng lăn lóc trong sân ngoài vườn, để Thụy cùng đám trẻ con hàng xóm thích thú đóng vai khỉ đi lượm quả. Đây, cây mít lùn xù xì đứng lầm lũi một góc vườn rậm rạp, nơi ánh điện ngõ bây giờ cũng chẳng chiếu tới, như một người đầy tớ thời xưa tự thấy vẻ ngoài xấu xí của mình nên lặng lẽ rút về một góc tư gia của chủ và an phận làm người canh vườn. Vậy mà cái cây khiêm nhường ấy lại là một bà mẹ tốt, luôn luôn mắn đẻ, năm nào cũng cho ra đời những quả mít chắc nịch, to tròn như cái trống với những múi vàng ươm thơm lừng nhà. Cây mít có dáng vẻ im lìm tẻ nhạt ấy  lại nức tiếng khắp xóm đến nỗi năm nào nó cũng bị trộm nhòm ngó. Thụy nhớ có lần một tên trộm làng trên khoét rào nhà ông nội, hí hửng vặt được một quả mít, bưng ra thì bị hàng xóm của Thụy phát hiện và hô ông Thụy đuổi theo. Tên trộm quáng quàng ôm mít chạy, nhưng vì quả mít nặng quá nên chạy được một đoạn nó đành bỏ lại để thoát thân. Ông Thụy nhặt quả mít về chia đủ cho cả ngõ xóm…

Ở một góc khác, gần bờ ao, vẫn là đất của họ hàng nhà chuối, dù đất ấy đã thay tên đổi chủ mấy chục đời cây. Thụy nhớ khi xưa bà hay trồng chuối hột để lấy quả ngâm rượu thuốc cho ông và bố, nhưng giờ ở chỗ đó đã có chuối tiêu thay thế. Khi xưa, những cây chuối hột mập mạp nhất luôn đứng cách nhau một khoảng cách thật lý tưởng để đám trẻ như Thụy mắc những chiếc võng bằng bẹ chuối. Góc trồng chuối cũng là chỗ chơi ưa thích nhất của đám trẻ. Khi xưa, trưa hè nào, chỗ này cũng rộn rã như họp chợ  -  tiếng reo của mấy đứa vừa câu được con sọi cờ hay con rô ron, tiếng hô “Ô, tổ rồng rồng kìa chúng mày ơi! Đâu đâu! Ô thằng Toàn lại câu được cá rô! Vồ lấy nó! Toi rồi, nó nhảy xuống bèo rồi!…”, tiếng cãi nhau om sòm vì một đứa trong đội câu để sổng mất con cá hay vì hai đứa tranh nhau một chỗ câu, tiếng hát líu lô, tiếng cười nói bô bô hòa cùng tiếng kẽo kẹt của những nhịp võng đưa cao bổng (có đôi lần, đôi ba đứa trẻ hăng máu đánh võng mạnh quá đến mức quăng cả mình lẫn cái bẹ chuối xuống ao!).

Rồi dọc bờ ao vẫn là hàng ổi bo mà thuở xưa, tới mùa ổi nào các cành cũng lủng lẳng những quả bị gặm một miếng hoặc hằn vết răng người. Đó là chứng tích mà thằng cháu họ của Thụy để lại sau mỗi lần sang vườn cụ bói ổi. Thằng bé nghịch ngợm chỉ chừa được kiểu bói quả oái oăm ấy sau khi phải mang cặp môi hình chuối mắn trong nhiều ngày, vì bập phải một con sâu róm mà nó không lường trước trên quả, trong lúc thò răng ra định “làm miếng ổi”. Sau vụ đó, mỗi lần thằng bé mon men tới gần hàng ổi mà bị trêu “sâu róm rơi vào người kìa” là nó lại chạy re kèn…

Thụy và Nhím theo chân hai em họ lang thang trong vườn chơi, trong khi ông bà và bố mẹ cậu nói chuyện ở trong nhà. Bé Hoà, con nhà chú Thụy háo hức chỉ cho anh em Thụy những cây ông mới trồng thêm rồi khoe:

- “Ông bảo ba năm nữa cây xoài tượng này sẽ ra quả. Em sẽ bảo ông để phần hai quả cho anh Thụy với chị Nhím”.

Nghe thấy thế, Hoàng, cậu anh trai của Hòa phản đối liền:

- “Cây này sắp bị chặt rồi, không kịp ra quả đâu!”.

- “Sao lại thế em?”, Thụy hỏi.

- “Vì em nghe ông và bố em nói chuyện với nhau là bác Vinh về lần này để bán vườn”.

Thụy sững người, định nói câu gì, nhưng lại thôi. Vừa lúc đó có tiếng bà gọi mấy đứa trẻ vào ăn cơm. Mọi người quây quần bên nhau quanh manh chiếu trải giữa nhà, như năm nào. Ông bà vừa hỏi chuyện vừa gắp thức ăn cho từng đứa cháu, cũng như năm nào. Song Thụy thấy dường như ẩn trong cái bầu không khí hòa nhã ấy, ông bà và bố mẹ cậu đang cố giấu đi đôi chút cảm xúc thực của mình, một thứ cảm xúc mà nếu bị xổ ra thì sẽ làm cho bữa cơm trở nên căng thẳng. Chỉ có ba đứa em nhỏ của Thụy vẫn vô tư, vừa ăn vừa rí ráu nói chuyện. Nhím bảo bà:

- “Sao con chẳng thấy con trâu hay con bò nào vậy bà? Mà buổi chiều bà cho con ra mương chơi nhé!”.

Bà cười bỏm bẻm:

- “Giờ có mấy ai cày cấy mà có mấy con đấy đâu con! Mương cừ của làng người ta cũng lấp sạch cả!... Để xây quán xá với mấy công ty may mặc” – bà quay sang Thụy, nói như để giải thích cho ánh mắt dò hỏi của cậu.

Bố cậu liền cất tiếng:

- “Còn cái vườn của mình, con tính cũng nên…”. Song câu nói ấy đột ngột bị cắt ngang bởi tiếng bát của ông nội bất ngờ chạm xuống mâm cơm, một tiếng “keng” lảnh lót, dư âm của nó như tiếng đánh choang vào thinh không. Ông Thụy đã buông bát xuống, lặng lẽ đi lên ghế ngồi. Bữa cơm im lìm từ lúc đó. Mấy đứa trẻ không rõ cơ sự thế nào nhưng cũng cảm nhận được bầu không khí nặng nề nên lẳng lặng và vội bát cơm rồi chạy đi chơi. Khi mâm bát chuẩn bị được dọn đi, bố Thụy lại định cất tiếng. Mẹ Thụy liền đưa tay bấm chồng, rồi lên tiếng thay:

- “Chúng con định chiều nay cho các cháu ra thăm nhà từ đường và mộ các cụ, mà con sợ đường lối giờ thay đổi nhiều quá, chúng con không tìm ra mộ cụ”.

- “Phải đấy, để mẹ dẫn các con ra chứ nghĩa trang người ta mới quy hoạch lại, khác xưa nhiều”- bà Thụy bảo.

Bà dặn gia đình Thụy cứ nghỉ ngơi đi đã. Ông cũng nhắc Thụy “lên giường ngủ trưa đi con!”.

Chiều ấy, bà đưa cả nhà Thụy lên xóm trên thăm từ đường rồi dẫn mọi người ra nghĩa địa. Đoạn, bà nói phải về trước để đi đám giỗ làng bên. Bà đưa cả Nhím về được một lúc thì bố mẹ và Thụy cũng rời đi. Trên đường ra lấy xe, mẹ hỏi bố:

- “Cả khu đất của ông bà có đáng mấy đồng mà anh cứ thúc bán!”.

- “Ngót một mẫu đất mà em coi thường. Anh nói em nghe, đất ở quê thật đấy nhưng đất nhà ông bà là đất vàng! Là vì cái địa thế của nó. Sang năm người ta mở rộng đường sát sau nhà thành đường liên tỉnh thì cả khu đất ấy đem kinh doanh có mà hái ra tiền!”, bố bảo.

- “Thế bán rồi thì ông bà và cô Thanh sống ở đâu? Mà lại còn chú Cảnh…”.

- “Cảnh… Cảnh!… Thế còn tôi, còn cái sẹo này!?” - giọng bố Thụy đột nhiên rít lên. Ông chỉ tay vào cái sẹo dưới đuôi mắt trái đang giần giật của mình. “Không bán thì để thằng đấy hưởng tất à? Cái thằng… cho… o..”, bố Thụy dường như đang loay hoay đào xới trong đống từ ngữ hằn học đã được chôn dưới đáy lòng để tìm một từ thích đáng chửi em trai mình. Nhưng dấu sắc của tiếng “chó” ông thốt ra quá nhợt nhạt khi ông thấy nét mặt hơi tái đi của vợ mình. “Em không hiểu chuyện nhà này - ông lầm bầm - Nếu không vì cái cách cư xử thiên vị của bố anh thì anh đã không bỏ quê hương bản quán mà vào Nam… Cái Thanh mai mốt tống đi lấy chồng, còn bố mẹ thì vào Sài Gòn với mình hoặc là ở với vợ chồng thằng Danh, tùy!”.

Mẹ Thụy liền sẵng giọng:

- “Ông bà già yếu thế, vào Sài Gòn làm sao được! Nhỡ đi đường có chuyện gì thì người ta lại đổ lỗi tại mình! Anh bảo nhà chú Danh nuôi ông bà cho tiện! Hoặc là không bán chác đất đai gì hết! Đất của ông bà, quyền ở ông bà mà anh em nhà anh cứ đòi bán!”.

Mẹ Thụy không thích ở chung với ông bà, mà thấy bố mẹ chồng tự dưng phải bán nhà cửa, ao vườn đi thì mẹ Thụy cũng động lòng thương. Mẹ Thụy từ lâu cũng biết lòng bố Thụy có điều khó nói, nhưng lại thấy bố Thụy làm thế là hơi quá. Thụy đi đằng sau, nghe hết mọi sự, bụng dạ cồn cào. Thì ra cái linh cảm của cậu về việc này, cái linh cảm mơ hồ khi nghe những cuộc điện thoại giữa bố và chú Danh suốt mấy tháng qua, và rõ rệt hơn qua cuộc gặp gỡ sáng nay và qua lời báo trước của bé Hoàng, là đúng sự thật. Thụy liền lên tiếng:

- “Ông bà không đời nào bán đất. Con nghĩ bố và chú Danh nên nghĩ lại”.

Bố Thụy khẽ giật mình quay lại. Ông đã không để ý tới sự có mặt của Thụy. Ông cau mày, nhưng sau khi ngẫm nghĩ giây lát, ông lấy giọng dịu dàng bảo Thụy:

- “Bố thấy ông cưng nhất con đấy! Con và em Nhím cứ vào thủ thỉ thuyết phục ông. Ông mà đồng ý bán, bố thưởng to cho con!”.

- “Con không cần! Con sẽ ngăn ông bán”, nói xong Thụy mím môi.

- “Thằng ranh này… con dám…”, bố Thụy vừa quát vừa nhìn Thụy chằm chặp. Nhưng Thụy không nghe hết câu mà bỏ ra chỗ lấy xe.

Tối đó, cả nhà vừa ăn cơm xong thì chú Danh sang. Vừa thấy chú, bố Thụy mừng ra mặt. Và sau vài câu chuyện hỏi thăm làm quà, cả hai liền xoay sang nói chuyện đất đai nhà cửa với ông nội. Bố Thụy và chú Danh, kẻ đưa người đẩy, ca ngợi mấy người trong làng thật là biết theo thời thế khi bán ruộng, phá vườn, mở quán karaoke, nhà nghỉ, nhà hàng; rồi còn nhiều người khác, không muốn kinh doanh thì cũng biết đường bán vợi đất đai, trong thời buổi giá đất đang lên cơn sốt thế này, họ xây được nhà lầu, mua xe ga như bỡn; rồi thì “nhà mình được mảnh đất quá ngon, thiên hạ bao nhiêu người nhòm ngó nên nếu bán, giả thử có hét giá lên trời thì cũng không hiếm đứa nhảy vào mua”; rồi thì “ông bà già rồi, làm vườn nuôi cá nào kiếm được mấy, lại vất vả ra, chúng con tính ông bà nên bán phắt mảnh đất này, rồi ở với chúng con cho nhàn hạ”…

Song hai ông bà lắc đầu bảo “bố mẹ không muốn phiền con cái, còn mảnh đất này tổ tiên để lại, cái vườn kia đã nuôi sống bao thế hệ, giúp bao con cháu trong họ nhà này có tiền ăn học thành tài”. Ông nói rằng cụ ông khi hấp hối đã gọi ông bà tới nhắc nhở bằng giá nào cũng phải giữ lấy mảnh đất cho cháu chắt sau này, rằng ông bà đã nhọc công chắt chiu tiền để mở rộng mảnh vườn, bao mồ hôi nước mắt đổ xuống, bao kỷ niệm ngọt bùi của vợ chồng con cái được lưu giữ trong mảnh đất này, cánh tay dập nát của chú Cảnh hồi chú bị tai nạn cũng được chôn ở đây, sau này ông bà cũng muốn được nhắm mắt xuôi tay tại đây, nằm cạnh nhau trên mảnh vườn nhà sau khi chết. Bà bảo “còn cái Thanh nữa, nếu nó mãi không ưng lấy đứa nào thì sao, bán nhà nó sẽ đi đâu?”, rồi “phải giữ lại cho vợ chồng thằng Cảnh nữa, giờ chúng nó còn khỏe, còn làm thuê làm mướn được ở trên Hà Nội, nhưng mấy năm nữa chúng nó muốn về quê, thì còn có cái nhà này mà ở”… Vì vậy ông bà nhất định không bán đất. Chú Danh liền lựa lời:

- “Nếu ông bà không muốn bán đất, sang ở với con cháu thì cho con mượn tạm căn nhà để mở quán. Con sẽ xây một căn trên mảnh vườn cho ông bà ở tạm”. 

Nhưng ông cụ nghiêm giọng bảo:

- “Anh định xây quán bi-a, điện tử hay quán nhậu chứ gì! Anh không thấy chỉ vì mấy cái quán đó mà làng này đang tanh bành hết hay sao! Nhậu nhẹt, say xỉn, chửi bới ồn ào! Từ đầu năm tới giờ đã mấy vụ chửi bới nhau, vừa rồi vợ chồng nhà Mác còn vác dao chém nhau chỉ vì thằng chồng rượu bia tối ngày trong quán, anh không thấy!? Trẻ con thì càng lớn càng hư, mới học cấp hai đã nhuộm đầu xanh đỏ, đi đường thì rú ga rú còi ầm cả lên, thuốc lá phì phèo, suốt ngày bi-a, điện tử, có tí tiền là vào Điểm Hẹn. Từ khi có mấy cái quán chơi bời, Điểm Hẹn Điểm Hò ấy nên xã này mới nảy ra chứng nghiện ngập, hút chích! Anh mà mở mấy quán ấy trên đất của tôi thì tôi cấm!”.

Chú Danh bấy giờ nóng mặt, giọng đổi sang gay gắt:

- “Con mở quán thì ông không cho nhưng lúc nào ông cũng khư khư giữ đất cho thằng Cảnh là sao!”.

- “Thằng Cảnh nó tàn tật, ốm yếu, không làm được việc đồng áng nên mới phải lang bạt trên Hà Nội! Nó còn ở nhà, nó còn về nhà là nó còn chăm tôi với mẹ anh. Còn hai anh, trước nói muốn ra ở riêng thì tôi cũng cắt đất cho; phần đất tôi cho các anh, các anh đã nhận, đã bán, sao giờ còn suy bì tị nạnh với em nó!”.

- “Nhưng bố chia thì cũng phải chia cho nó công bằng; cả căn nhà, cả ao vườn rộng mênh mông bố dành cho nó cả là sao!”, bố Thụy chêm vào.

- “Không phải của riêng thằng Cảnh mà của cả cái Thanh. Sau này tôi với mẹ hai anh có chết, cái Thanh nó có đi lấy chồng hay không thì thằng Cảnh phải cắt đất, lo của hồi môn cho nó! Tôi đẻ các anh chị ra, tôi chẳng thiên vị đứa nào. Hai anh không nuôi tôi được một ngày nhưng cái ao với mảnh vườn kia, sau này tôi cũng chia phần cho bốn đứa chứ không cho riêng một ai mà các anh lo!”.

- “Sau này là khi nào? Có phải ông cụ định nói là sau khi ông cụ chết?” – một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu cả ông Vinh và ông Danh. Sau một hồi ngẫm ngợi, ông Danh bèn lên tiếng đòi bố chia luôn gia tài từ bây giờ. Ông Vinh ủng hộ đề nghị này, vì theo ông “đằng nào bố cũng chia, mà chẳng có mấy dịp vợ chồng con cái con về đông đủ như giờ, sao bố không chia ngay!?”. Ông nêu ý đó bởi lòng ông lo ngại rằng ông Cảnh trở về nhà trong lúc ông lại sống biệt trong Nam thì ngộ nhỡ ông em này của mình tỉ tê điều gì với bố khiến ông cụ nghĩ lại, lập di chúc cho đất một mình ông Cảnh hoặc chia không đều thì sao! Nhưng cả hai ông con cả vừa thốt ra đề xuất đó thì ông cụ đã chỉ tay run rẩy quát:

- “Các anh giỏi lắm, chúng tôi còn sống sờ sờ ra đây mà các anh đã đòi chia gia tài!”.

Bà cụ thấy chồng xúc động mạnh vội chạy lại dìu ông ngồi xuống, nước mắt trào ra, nài hai con trai đừng nói gì nữa. Thụy cũng đến bên ông, vuốt nhẹ lưng ông. Cậu  bất bình nhìn bố và chú:

- “Con xin có ý kiến, bố và chú nên nghĩ tới sức khỏe của ông và tôn trọng ý kiến của ông. Con…”.

Thụy chưa nói hết câu thì bố cậu ngắt lời:

- “Mày là con nít, đừng can dự vào chuyện người lớn!”.

 Câu nói đó của bố làm Thụy ức đến nghẹn cổ. Cậu đỏ mặt cãi lại:

- “Con đã trưởng thành, đã đủ biết ai đúng ai sai. Và trước mặt ông bà, mẹ, và chú Danh đây, con đề nghị bố đừng bao giờ gọi con là con nít nữa!”.

- “Giỏi lắm, nhưng dù mày có tự cho là mày trưởng thành đi chăng nữa thì cũng còn một tháng nữa mày mới đủ 18 tuổi con ạ!”, bố Thụy nói câu đó với một giọng mỉa mai bình thản.

Thụy run lên:

- “Đến lúc đó con sẽ…”.

Bố Thụy nối lời:

- “Con sẽ làm gì? Nhà này có lệ cho người trưởng thành bàn bạc, biểu quyết, nhưng đợi đến lúc mày 18 tuổi thì vụ này xong rồi con ạ!”.

Rồi quay phắt sang ông Danh, bố Thụy ra lệnh:

- “Chú gọi cho thằng Cảnh, cái Thanh về ngay ngày mai! Bảo chúng nó tết nhất đến nơi rồi, còn lang thang trên đấy làm gì! Về chia đất!”.

- “Anh dám…”, ông nội Thụy nhổm dậy, nói được hai từ ông lại ngồi phịch xuống thở dồn dập.

- “Bố ốm mệt, con phải làm thay!”, bố Thụy trả lời.

Vậy là căn nhà trở nên ầm ĩ tiếng mắng mỏ cãi cọ, tiếng nài nỉ, tiếng thở than.

*             *

*

Không khí trong gia đình ông nội ngày càng ngột ngạt. Lúc nào Thụy cũng phấp phỏng như biết trước có một cái ngòi nổ đã được đặt sẵn đâu đó trong nhà, và chỉ cần một câu nói châm ngòi thôi là cả căn nhà sẽ cháy bùng lên. Vì vậy, vừa sáng tinh mơ, Thụy đã dạo ra đồng để thoát khỏi bầu không khí nặng nề đó. Cậu ngồi sau một đống cỏ ướt đẫm sương, nhìn ngắm vẩn vơ. Cánh đồng này đã bị bỏ hoang mấy vụ, đất cằn cỗi nứt toác. Có luồng khói hun chuột cách đó không xa phả đến. Hồi bé, Thụy và lũ bạn thường ra đồng đốt rơm hun chuột. Khói bốc cay xè mà đám trẻ vẫn sấn vào. Vẫn ngọn khói  đồng ấy, cậu đã hít thật sâu khi lần đầu tiên, sau một đợt nằm viện trên tỉnh nhiều ngày, cậu được về nhà và theo bà ra đồng, và cảm thấy trong khói có cái vị ngòn ngọt khiến cậu lịm đi. Vẫn ngọn khói đồng ấy, giờ đây cậu lại thấy nó có vị đắng gắt.

Trên không, tiếng sáo diều u u buông lơi, làm không gian thêm trắng xám. Một nỗi buồn xám trắng giăng mắc khắp nơi. Hồi nhỏ vào những ngày trời u u minh minh như thế này, Thụy đã tưởng tượng rằng tiếng sáo có thể chọc thủng màn trời trắng đục, làm từng mảng mây u ám dày đặc phải rã tan, để màu da trời xanh vời vợi được lộ ra, trải rộng khắp làng quê. Rồi mặt trời như bông hoa hướng dương khổng lồ nảy ra từ đám mây, một bàn tay vô hình từ trên cao rắc những cánh hoa bất tận xuống cánh đồng, và những tia nắng vàng rười rượi, như nan quạt tỏa đan trên thảm mạ xanh mướt mắt. Trong sáng và rực rỡ, như đầu hạ.

Nhưng giờ đây, tâm trạng cậu không tài nào bứt ra được cái không gian tù túng như bị bọc bởi tấm mùng cũ kĩ đục màu cháo lòng kia. Thụy nhớ những ngày mùa đông, như hôm nay đây, gió cũng hun hút thổi, đám trẻ bọn Thụy lại đổ ra đồng bắt lươn. Lưỡi cuốc bập xuống đất khô kêu phập, những con lươn ngo ngoe rúc mình trong lát đất bị lật lên. Có những ngày, Thụy còn theo cô Thanh xuống tít dưới đồng Hạ để nhổ cỏ cho lợn. Tiếng gió rú rít. Tiếng cỏ đứt rễ kêu lạo xạo dưới bàn tay quơ nhanh thoăn thoắt của hai cô cháu. Mùi cỏ hăng hăng, mùi đất đã đằm phù sa sông Cái xông lên mũi Thụy thơm nồng. Hương của cỏ, Hương Thảo! – Thụy bất giác nhớ đến cái tên của đứa bạn hồi nhỏ!... Thụy lại nghe văng vẳng bên tai giọng nói trong trẻo của đứa con gái bảy tuổi khi nó đọc bài chuyền: “Cái mốt / Cái mai / Con trai / Cái hến / Con nhện / Chăng tơ / Quả mơ / Quả mít / Chuột chít / Lên bàn đôi”.

Thụy nhớ lần chơi chuyền đó, hai đứa đã cãi nhau chí chóe chỉ vì Thụy đọc một bài vè cho bàn một khác với bài của Thảo: “Hòn cốt / Hòn vàng / Cô nàng / Lang thang /  Đi sang / Tiền Hải / Mua vải / May quần / Rải lân / Lên hai”.

 “Tao không biết Tiền Hải ở đâu! Mày ăn gian, mày không thuộc bài bàn một nên mới bịa ra bài đó chứ gì!”, Thảo phùng má.

Thụy cố lí giải là một bàn chuyền có nhiều bài đọc. Chính Thụy nghe anh họ ở Tiền Hải của thằng Toàn sang nhà nó chơi đọc như thế. Song Thảo không chịu tin. Vậy là Thụy dỗi, hai đứa “cạch” nhau.

Những âm thanh trong vắt của quá khứ vừa vọng lại trong Thụy ngay lập tức đã bị tiếng động của hiện tại lấn át. Từ trong làng dội ra tiếng trẻ con gào khóc, tiếng đàn bà nheo nhéo, tiếng đàn ông giật cục, tiếng chó sủa gằn ngày càng to. Âm thanh bị gió bóp méo, Thụy nghe câu được câu chăng. Mà Thụy cũng chẳng buồn nghe. Đó là những bài chửi quen thuộc ở làng này, của nhiều nhà, không riêng gì nhà Thụy. Toàn những chuyện đất đai, chia chác. Nếu được là trẻ con, chắc Thụy đã nhắm mắt bịt tai lại để khỏi phải nghe, như nhiều đứa trẻ ở làng này vẫn làm thế, bởi chúng sợ nếu bỏ tay ra khỏi tai và mở mắt ra, chúng sẽ thấy cảnh bố chúng đâm sầm vào mẹ chúng, tát hoặc giúi đầu giúi tóc người mẹ xuống; và tiếng mẹ chúng kêu gào, tiếng hàng xóm hô hoán khuyên can. Người lớn bảo trẻ con tò mò. Có thực thế? Trẻ con không bao giờ tò mò xem một tấn kịch giống như vậy. Chính người lớn mới là những kẻ tò mò. Thụy lại miên man về quá khứ. Người lớn, sau khi bị tiếng hò vè của trẻ con đánh thức giấc nghỉ trưa, họ sẽ dỏng tai nghe xem chúng nó hát cái gì.

“Ve vẻ vè ve

Cái vè lá nốt

Anh Thụy cũng tốt

Chị Thảo cũng xinh

Hai bên dập dình

Gia đình đồng ý

Tôi xin đăng kí

Ủy ban không cho

Không cho tôi cứ lấy

Tôi yêu cô ấy

Mười mấy năm trời…”.

Vậy là “Á à, ra là cái Thảo (hoặc thằng Thụy) nhà này!”. Vậy là ông vơ que đuổi gà, bà cầm ngược cán chổi hầm hầm ra mắng: “Mấy đứa này vừa hát cái gì! Học không lo học, nứt mắt ra đã yêu với chả đương! Nhí nhố!”. Cả lũ trẻ con thấy thế kêu ré lên, chạy toán loạn, vừa chạy vừa cười, bỏ lại phía sau tiếng dậm dọa: “Thằng Thụy (hoặc con Thảo) đâu! Về mau không chết với tao!”.

Thảo bây giờ đã khác xa Thảo của ngày xưa. Cô bé phụ giúp chị gái ở tiệm làm tóc sửa móng cạnh chợ, cũng tóc nhuộm vàng, dập xù, cũng kẻ mắt đánh môi, cũng váy ôm chặt người như nhiều cô gái ở Sài Gòn. Thảo không còn yếu mềm như cây cỏ, nhưng nét gan góc, dạn đời vốn có ở cô, như cỏ dại ngoài đồng dạn dày mưa nắng, giờ bật lên, đúc thành tính cách bất cần, phớt đời của cô Thảo mười tám tuổi.  Mới ngày hôm qua, hai đứa ngồi khuấy li cà phê, ôn chuyện ngày xưa. Thảo cười giòn giã, thỉnh thoảng ngả người ra sau để cười. Thụy nhắc chuyện hai đứa bị trêu, Thảo bảo:

- “Hồi đấy tao thích mày nhất trong đám con trai, nhưng vì mày mà tao cứ bị trêu, rồi còn bị mẹ sạc cho mấy trận nên nhiều lúc tao đâm ghét mày… Nhưng may mà hồi đó chúng nó gán ghép tao với mày, chứ nếu không khéo tao với mày lại yêu nhau, lấy nhau thì toi”.

- “Sao mà toi?”.

- “Thì không còn là bạn bè thân nữa, không thể ngồi cười nghiêng ngả vì chuyện ngày xưa như thế này! Tao thấy thi thoảng gặp nhau ôn lại chuyện cũ thì hay. Chứ nếu mày mà là chồng tao, có mà tao ngán phát ốm vì cứ mỗi lần giáp mặt với ông chồng “đồ cổ” là phải nhớ tới mình ngày xưa như thế nào!”.

Thụy ngẫm cũng đúng thôi, hai đứa dù rất hợp cạ nhưng lại có nét tính cách đối chọi nhau, mà có lẽ khó có thể dung hòa. Thụy quá hoài niệm, trong khi Thảo tân thời, cô trân trọng quá khứ nhưng luôn cởi mở với hiện tại và tương lai. Hồi nhỏ hai đứa đã kết nhau, nhưng kết nhau như hai thằng con trai thì đúng hơn. Rồi Thảo ôn tồn bảo Thụy:

- “Tao thấy làng mình như bây giờ cũng có nhiều cái hay đấy chứ! Cô bác mình khỏi nai lưng ngoài đồng tối ngày. Mày xem một sào ruộng thu được mấy chục cân thóc thì sao đủ tiền cho con ăn học đại học, rồi lại học thêm học nếm đủ thứ. Mày xem hồi bọn mình có đứa nào được nếm mùi đàn, họa hay võ vẽ đâu! Nhưng bây giờ thì chúng nó thích là được học đủ cả. Thời bọn mình thích chuyền chắt, vày đất, thả diều, nhưng giờ chúng nó thích đồ chơi điện tử, vi tính… thì có gì đáng trách! Mình cũng không thể áp đặt các em mình thích những cái ngày xưa của mình được”.

Thụy liền đưa nhiều ý phản bác, nhưng Thảo đều bĩu môi hoặc xua tay và bật lại. Thảo, và cả Thụy không đoán trước được rằng, năm năm sau, cũng tại góc quán hôm qua, vào đợt giáp Tết như thế này, hai người lại ngồi cùng nhau. Khi ấy Thảo như già đi cả chục tuổi, mệt mỏi, chán chường, im lặng. Khi ấy, Thụy không nỡ nhắc lại cái ý kiến bây giờ của Thảo. Nhắc lại làm gì cho đau lòng, khi mà ngồi trước Thụy bấy giờ là con người đang hóa đá. Không ai biết điều gì đã xảy ra với Thảo. Bí mật của Thảo bị cô lấp vùi dưới đống bê tông gạch đá của sự đổi mới kia.

   *              *

 *

Thụy đang mơ màng thì nghe có tiếng trẻ con gọi ơi ới tên mình. Thụy nhổm người dậy, nhận ra trên bờ ruộng, mấy đứa em họ đang nháo nhác tìm mình. Thụy tiến về phía chúng, chưa kịp hỏi có chuyện gì thì thằng Hoàng đã vừa thở hổn hển vừa nói:

- “Mẹ anh bị thương… đi cấp cứu. Cả bố em…. Bà với bố anh… đi rồi… vào bệnh viện. Ông…. Phải về trông ông!”.

- “Sao, sao lại bị thương? Em nói rõ xem nào!”, Thụy cuống cuồng hỏi.

- “Anh Thụy về đi, ông vừa đâm mẹ anh với bố em bị thương!”, thằng Hoàng đã lấy lại được hơi, nhưng vừa nói xong thì nó òa lên khóc.

Thụy tái mặt, chạy bổ về nhà ông nội. Quang cảnh ngoài sân thật điêu tàn, hé lộ một cuộc ẩu đả dữ dội vừa qua. Ở một phía sân, cạnh chái nhà, vung vãi những mảnh ngói vỡ. Còn mái nhà góc ấy lại lộ ra một khoảng trống hoác vì ai đó đã dỡ ngói xuống. Giữa sân, có hai cái  gậy nằm chỏng chơ cạnh một hòn gạch; một con dao, có lẽ đã bị ai đá ra, nằm cách đó không xa. Thụy thảng thốt khi thấy có mấy giọt máu còn tươi đọng trên lưỡi dao. Có tiếng khóc thút thít của cô Thanh, tiếng xì xào khuyên can của mấy người hàng xóm vọng ra từ trong nhà.

Một người chợt bước ra, thấy Thụy đang bàng hoàng nhìn xung quanh, liền đến kể lại sự tình. Sáng nay, sau khi Thụy rời nhà được một lúc thì ông Danh sang. Các bên lại đôi co chuyện chia chác nhà cửa. Và khi ông nội tức giận “thách đứa nào động vào nhà này” thì bố Thụy bèn sai “chú Danh dỡ ngói xuống cho tôi!”. Ông Danh chần chừ một lúc, song cũng sầm sập bước tới làm theo. Ông của Thụy liền chạy lại, đẩy con trai ra. Hai bố con giằng co nhau, và chẳng may, ông Danh xô bố ngã. Bấy giờ ông Cảnh đã cầm gậy chạy ập đến, vừa thét “Anh làm gì bố tôi?” vừa định đánh ông Danh. Vậy là ông Vinh và ông Danh cùng cầm que, vác gạch xông vào ông Cảnh. Trong khi đó bà nội, cô Thanh và mẹ Thụy, người  vừa đi chợ về tới đầu cổng, kẻ ở ngoài vườn chỉ kịp chạy lại đỡ ông cụ và kêu xin ba anh em đừng xô xát với nhau. Thấy ông Cảnh bị gạch đập chảy máu đầu, ông cụ vội vùng dậy quơ lấy con dao trên đống lá dong ngoài hiên, chạy tới đâm trúng cạnh sườn ông Danh. Mẹ Thụy sợ bố Thụy cũng bị đâm, liền chạy vào kéo chồng ra. Chẳng may trong lúc vung dao, ông cụ chém vào cánh tay mẹ Thụy. Nhìn thấy con dâu ôm cánh tay chảy máu, ông cụ luống cuống, buông dao, định tới gần hỏi xem sao, song bàn chân ông đã không trụ vững. Ông khuỵu xuống khiến vài người láng giềng, lúc đó đã chạy sang, phải dìu vào nhà. Hai người bị đâm không sâu, nhưng ra máu khá nhiều nên được đưa đi bệnh viện ngay sau đó. Còn ông Cảnh bị bầm dập trán, vừa ngồi để em gái băng bó lại, vừa chửi với theo ông anh cả: “Hơn năm năm trời anh mới mò về quê, cũng chỉ để đánh bố tôi, đuổi em gái tôi đi thôi à!”.

Thụy bước vào nhà, một vài người ngoảnh ra nhìn, nhắc tên Thụy. Những người hàng xóm giãn ra cho Thụy tiến lại gần ông cụ, bấy giờ đang ngồi trên mép giường trong gian chái nhà. Bóng tối do đám đông vây quanh, bóng tối của góc khuất trong nhà do cánh cửa sổ đã im lìm khép đè lên bóng người đang ngồi bất động. Trong bóng tối lờ mờ, Thụy lại thấy màu bạc trên mái tóc ông nội trắng hơn thường ngày. Chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ, xộc xệch càng khiến thân hình ông trông héo hon, rũ rượi. Ông ngẩng đầu lên, nhìn Thụy bằng ánh mặt đục nhòa hối lỗi, rồi lẳng lặng quay đi nơi khác. Có lẽ ông sợ Thụy giận nên mới không dám nhìn Thụy nữa. Nghĩ như vậy, Thụy lại càng thấy tội nghiệp ông nội. Cậu bước vội đến, ngồi sụp xuống trước mặt ông, nắm bàn tay xương xẩu còn run rẩy của ông. 

                                                 *           *

                                                       *

Mẹ Thụy đã đưa Nhím vào Sài Gòn từ hôm qua. Hai ngày tết đã trôi đi mà căn nhà của ông nội Thụy lạnh ngắt hơn cả ngày thường. Đám lá dong bị cắt dở dang vẫn nằm héo hắt trên một góc hiên. Song có lẽ chỉ có chúng là cho thấy dấu hiệu của Tết ở ngôi nhà này, một cái tết lỡ dở. Sau Tết, ông nội Thụy sẽ phải ra hầu tòa. Thụy còn ở lại quê cũng là để thuyết phục bố và chú rút đơn kiện ông nội.

Truyện dự thi: Lỡ Tết - Ảnh 1.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem