Ký ức Tết trong tôi: Tết xưa mà nhớ

Khánh Gia Chủ nhật, ngày 26/01/2020 14:23 PM (GMT+7)
Tết là những ký ức dài nối tiếp nhau, mà người ta không bao giờ quên được, nó đi song song suốt cuộc đời của mỗi con người. Mỗi năm tết đều hằn lên suy nghĩ, tạo ra sự nhớ nhung pha một chút tiếc nuối. Với tôi, tết là gia đình, tết là cả một nền nếp tôi luôn nhớ tới rồi làm theo suốt cuộc đời mình.
Bình luận 0

Tết với cụ nội tôi…

Hồi còn nhỏ, chưa biết chữ, tôi hay nằm ổ rơm với cụ bà, nếu giờ cụ còn sống cũng khoảng 120 tuổi rồi. Cứ bao giờ đến đầu tháng Chạp, cụ lại chép miệng: Nhà mình hồi xưa giờ này là tết rồi. Những ông kép, cô đào của phường tuồng, những cô đầu của các chiếu ả đào lại về nhà tôi ăn nghỉ, tập hát để chơi tết. Đến lúc đám thợ cầy của gia đình, đánh đụng bằng bữa thịt chó tất niên xong, chia nhau gạo tiền về ăn tết, chỉ ít người giỏi khoản tay dao tay thớt ở lại làm cỗ mấy ngày tết, thì đúng đã sắp giao thừa. Những ngày đó nhà các cụ tôi luôn rộn ràng.

Sáng mồng 1 tết, bao nhiêu chi, cành trong họ, những gia đình tế tửu gánh cỗ đến dâng lên ban thờ. Đây như một cuộc thi nhỏ của các chàng rể, mỗi năm xem nhà ai làm cỗ ngon và đẹp, thì biết được nhà đó làm ăn khấm khá ra sao. Cúng xong là hạ cỗ xuống ăn ngay tại sân nhà tiền tế, rồi xem hát đến tối nhà nào về nhà đó. 

img

Ảnh minh họa.

Nhưng rồi xã hội thay đổi, nên những cái tết linh đình của nhà tôi vĩnh viễn không bao giờ diễn ra như thế nữa. Cụ nội tôi cũng ra đi nhẹ như một giấc ngủ vào ngày mồng 1 tết năm giáp tý 1984. Trước khi rời cõi tạm, cụ vẫn tỉnh táo nói “năm nay pháo làng mình nổ giòn quá, chắc là dân no đủ rồi chả còn sợ gì nữa”. Cụ tôi mất vào đúng ngày mồng 1 tết, nên nhà tôi có một ngày đặc biệt giỗ tết trùng nhau.

Tết với bà nội tôi…

Những ngày xưa thì tôi chẳng được biết nữa, nhưng bà nội thì chỉ cần tết nhà có đủ cơm trắng, được hợp tác xã chia cho thịt cá theo khẩu lao động người trong nhà là vui lắm rồi. Nhưng tết được mua dầu hỏa nhiều hơn, bà lau sạch mấy cái bóng đèn dầu, rồi đọc sách. Bao giờ bà nội cũng mang mấy quyển sách bằng tiếng Pháp ra đọc, mà hồi nhỏ chúng tôi chỉ biết là bà đang xem sách. Ông nội thì thỉnh thoảng hát mấy câu tuồng, đọc mấy câu Kiều, có lúc ông đọc cả thơ Nguyễn Khuyến. 

Tết thời bà nội với ký ức của tôi, là thấy người ở nhiều nơi xa lắm đến mời ông tôi đi đánh tổ tôm. Ông tôi nổi tiếng chơi tổ tôm hay, nên tết nhiều nhà muốn mời đến nhà chơi vài cành để lấy đỏ. Khi nào thấy ông về nhà thì biết lúc đó đã hết tết rồi. Ông nội là người tài hoa, làm được và chơi cũng rất hay, vẽ đẹp, võ giỏi, chữ nghĩa nghiêm ngắn, nên tết nhiều người còn mua giấy đỏ để ông tôi viết câu đối hay vẽ tranh chơi tết. Tuy ăn thì chả có gì, nhưng nhà tôi tết vẫn là một dịp chơi nhiều ý nghĩa, kể cả lúc đói.

img

Ảnh minh họa.

Tết với mẹ tôi…

Mẹ tôi có hơn nửa thế kỷ làm dâu trưởng của gia đình, là người gồng gánh tết của nhiều thế hệ trong nhà. Mẹ là người phụ nữ lo toan cho gia đình nhiều nhất mà tôi biết được. Tết với nhà tôi vào độ 22 tháng chạp, là phiên họp chợ quê, mẹ bắt đầu đi mua lá dong, lạt giang, mua gấc, mua đường, mua mật, mua đỗ xanh và nhiều thứ nữa. Gạo nếp thì bao giờ mẹ tôi cũng để dành rất nhiều rồi. Mọi thứ được mẹ tôi chuẩn bị rất kỹ. Sáng 28 tết là mẹ tôi có chân trong đám đụng lợn, có năm là lợn của nhà ngả ra thịt. Bữa đụng lợn đó chúng tôi sướng lắm, ăn thịt, ăn lòng thỏa thích, đứa nào cũng nhờn hết cả mép. Đúng là cả năm chỉ có bữa đó là ngon đến nhớ đời. Mẹ tôi bao giờ cũng rất khéo đụng lợn, bà tự giã giò bằng cối đá, làm giò thủ giò tai ăn ngon không bao giờ quên được. 

Rồi mẹ tôi xoay ra làm kẹo lạc, chè lam, chè con ong, bánh âm, chè kho, bỏng ngô, bỏng gạo, giã bánh dầy. Và tất nhiên là nồi bánh chưng được luộc từ chiều 29 đến sáng 30 thì vớt để ráo nước, rồi đưa nên thắp hương mâm cơm tất niên. Nói về nồi bánh chưng thì thích lắm, anh em chúng tôi được phân công trực luộc bánh, nếu cạn nước thì lại đổ vào. Bao giờ cả lũ cũng chơi tam cúc để trông bánh, có những năm tôi thua nhiều, bị bôi nhọ nồi đến đen kín mặt. Mãi đến chiều 30, mẹ đun nồi nước mùi già cho tắm mới sạch, mẹ vừa lau mặt vừa mắng mỏ mấy ông anh lớn chơi với em mà không biết nhường.

Đêm giao thừa nhà tôi bao giờ cũng vui nhất. Mẹ tôi cùng các cô, các thím độ 9 giờ tối đã chuẩn bị bánh kẹo để ăn lúc giao thừa, xong đi ngủ sớm để sáng mai dậy làm cỗ cúng cụ và tổ tiên. Khi gà gáy sang canh chuẩn bị giao thừa, bố tôi cúng lễ. Đợi đến khi trên đài phát thanh Chủ tịch nước đọc lời chúc mừng năm mới thì bố hạ mâm. Đàn ông trong nhà ngồi quây lại, bố và mấy chú mừng tuổi cho đám con cháu, vừa uống trà vừa uống rượu. Đám trẻ con thì được người lớn hỏi chuyện học hành, bắt đọc bảng cửu chương, giải toán đố, đứa nào biết làm thơ thì cũng mang ra đọc cho cả nhà cùng nghe. Nhà tôi có chú thứ 2 cũng tài hoa như ông nội, đêm giao thừa là chú ôm đàn ghita hát, tôi vẫn nhớ bài “Mùa xuân bên cửa sổ” chú hát phiêu đến mê hồn. Giao thừa nhà tôi nhiều thanh niên yêu văn nghệ trong làng, trong xã thời đó cũng đến góp vui... Bọn trẻ chúng tôi ngủ gật lúc nào không biết.

Sáng sớm hôm sau mẹ gọi dậy, rửa mặt bằng nước mùi già, ăn cơm xong rồi chạy túa ra đình xem các trò chơi đi xe đốt pháo, thả bóng bàn vào chậu thau. Vớ được xe đạp chúng tôi còn hứng chí đi đến các làng bên cạnh xem chọi gà, bịt mắt đập niêu. Đúng là tết sướng thật, cứ đi chơi đến khi nào đói thì về, bánh chưng mẹ đã bóc sẵn, chỉ việc lấy đũa xiên là ăn ngon lành, rồi lăn ra ngủ. 

Sáng mồng 2 theo mẹ ra quê ngoại chúc tết, lại được ăn cỗ ở nhà cậu, theo mẹ ra chùa làng lễ thờ. Đến mồng 3 thì nhà tôi hóa vàng, vẫn ăn cỗ, người lớn bàn việc đồng áng, mạ lúa, bố thì chuẩn bị xe đạp để đi công tác. Đến mồng 4 mẹ tôi vác cái cuốc lên vai ra đồng động thổ là biết hết cái tết rồi. 

Vừa tết xong lại háo hức bao giờ cho đến sang năm để ăn bánh chưng, thịt đông, được đọc thơ, nghe chú ôm đàn hát phiêu như ca sỹ, được đi chơi khắp làng trên xóm dưới lại có mấy mấy đồng mừng tuổi trong túi cứ là sướng mê hồn.

Bây giờ Tết nhà tôi, mẹ chỉ huy đám con dâu, cháu gái làm bánh làm cỗ, bố và mấy anh em tôi cùng đám cháu quây quần. Bố nhắc từng gia đình nhỏ một năm qua ra sao, chúng tôi vẫn báo cáo chuyện học hành của các cháu. Những thằng cháu trai ngượng ngùng đọc thơ và có thằng bắt đầu cũng biết bập bùng ghita. Tuổi chúng nó lớn rồi có đứa cũng sắp xây dựng gia đình, nhưng tết về vẫn như đứa trẻ, cũng sướng rơn khi được ông bà nội mừng tuổi, bố mẹ cho tiền. Tất nhiên chúng nó cũng bắt đầu biết chuẩn bị cho đêm giao thừa của cả gia đình và sau này chúng nó cũng nhớ như tôi bây giờ, nhớ mỗi khi đến tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem