Đọc sách cùng bạn: Gia đình và mộng chinh phu

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 03/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đọc lại cùng bạn tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh (1906 – 1963), xuất bản năm 1934.
Bình luận 0

img

Đó là năm mà nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” (TLVĐ) do ông đứng đầu được thành lập với tôn chỉ gồm 10 điều được đăng trên cơ quan ngôn luận của nhóm - báo “Phong Hóa” (số 87, ngày 2/3/1934). Trong 10 điều tôn chỉ chứa đựng những chủ trương lớn của TLVĐ muốn cải cách xã hội, cá nhân, tư tưởng, văn học, có điều 8 “Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”.

Nhất Linh viết “Đoạn tuyệt” theo kiểu tiểu thuyết luận đề (roman à thèse) để thể hiện tư tưởng đó. Nhân vật chính của tác phẩm là Loan, một cô gái mới, được tiếp thu những tư tưởng mới, tình cảm mới qua sách báo mới nên muốn được sống một cuộc đời mới tự do, tự mình quyết định mọi việc, thoát khỏi những ràng buộc o ép của của kiểu gia đình lễ giáo phong kiến coi người phụ nữ như nô lệ. Ý muốn tự do của Loan được tiếp thêm sức mạnh và ý chí từ Dũng, một thanh niên mang khát vọng thoát ly gia đình, lên đường vẫy vùng theo lý tưởng của mình.

Cuộc tình của Loan và Dũng đã có một bước ngoặt thứ nhất khi Loan dù phản kháng ý định ép gả của mẹ nhưng rồi phải nhượng bộ để lấy Thân theo một cuộc hôn nhân sắp đặt. Nhưng dù đã về làm dâu nhà người, Loan vẫn không thể bắt mình chịu đựng mãi được những luật lệ hà khắc của thứ đạo đức Nho giáo bóp nghẹt tự do cá nhân của con người. Trong một lần xô xát với mẹ chồng, Loan đã vô tình làm Thân chết. Ra tòa, cô được luật sư bênh vực quyền con người cho mình cãi trắng án. Bước ngoặt thứ hai của cuộc tình Loan – Dũng đến khi Loan được tự do, thoát khỏi nhà chồng, và Dũng vẫn chờ đợi và hy vọng sẽ được cùng Loan sống cái đời tự do, phiêu lưu.

Tư tưởng chống lễ giáo phong kiến lạc hậu, lỗi thời trong đời sống gia đình đã được Nhất Linh thể hiện trực tiếp trong màn tranh tụng tại phiên tòa giữa ông chưởng lý và vị trạng sư. Đáp lại lời ông chưởng lý kết tội Loan cố ý giết chồng vì đua đòi theo những luồng tình cảm mới từ sách báo và đề nghị trị tội thật nặng để làm gương, vị trạng sư đã không chỉ gỡ tội cho Loan mà còn kết án cả cái luân lý đạo đức cũ: “Nhưng nếu vượt lên trên, và nghĩ rộng ra, không kể đến cá nhân nữa, thì bao nhiêu những việc xảy ra không phải lỗi ở người nào cả, mà là lỗi ở sự xung đột hiện thời đương khốc liệt của hai cái mới cũ. Giữ lấy gia đình! Nhưng xin đừng lầm giữ gia đình và giữ lại nô lệ. Cái chế độ nô lệ bỏ từ lâu, mỗi lần ta nghĩ đến không khỏi rùng mình ghê sợ! Ấy thế, mà có ai ngờ đâu còn có cái chế độ khốn nạn đó trong gia đình An Nam. Chắc các ngài sẽ sửng sốt cho lời tôi nói là lạ. Nhưng thử hỏi: bị người ta bỏ tiền ra mua về và bị coi như thuộc quyền sở hữu của người ta, như thế không là nô lệ thì là gì nữa”.

ĐOẠN TUYỆT

Tác giả: Nhất Linh

Sống & Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018

Số trang: 247

Số lượng: 3.000 cuốn

Giá bán: 98.000đ

Đoạn tuyệt – tự cái tên tác phẩm đã nói rõ tư tưởng của tác giả. Phải thoát ly khỏi sự vây hãm, giam cầm của kiểu gia đình sống theo những luật lệ hà khắc của thứ lễ giáo bất nhân. Nhất Linh cổ vũ sự giải phóng này. Và ông còn ca ngợi sự tự do sống theo đuổi những ước vọng, khát khao của cá nhân, những lý tưởng cải tạo xã hội. Nhân vật Dũng mở đầu một kiểu nhân vật mới của văn học Việt Nam – người ra đi, người lữ khách. Bao quanh chàng trai này là một không khí huyền ảo, mơ hồ, bí ẩn khi anh cất bước lên đường. “Ta đi nhưng biết về đâu chứ” (Nguyễn Bính), nhưng bản thân sự đi đã mang ý nghĩa thay đổi. Đi là dịch chuyển, là vượt thoát. Trong tâm trí Loan hình ảnh Dũng vượt hẳn khỏi khuôn khổ tầm thường, dung tục, tiếp cho cô sức mạnh tinh thần để đương đầu với cái đại gia đình phong kiến là ở trong ánh sáng của sự lên đường, ra đi.

Cặp đôi nhân vật này sẽ được Nhất Linh cho tiếp tục cuộc tình và cuộc đi ở tiểu thuyết “Đôi bạn” viết sau “Đoạn tuyệt” hai năm (1936). Xuyên suốt cả hai tác phẩm này của Nhất Linh là tiếng gọi lên đường để thoát sự kìm hãm của những giá trị đạo đức lỗi thời, để được sống thật mình và đúng mình. Đây là một bước chuyển triệt để của nhà văn nếu biết rằng trước đó mười năm ông còn ca ngợi lối sống cũ trong hai tập truyện “Nho phong” (1924) và “Người quay tơ” (1926).

Cảm hứng “đoạn tuyệt” của Nhất Linh đã được nhà thơ Thế Lữ, một thành viên của TLVĐ, phụ họa trong bài thơ “Giây phút chạnh lòng” đề tặng tác giả  “Đoạn tuyệt”:

Năm năm theo tiếng gọi lên đường

Tóc lộng tơi bời gió bốn phương

Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại

Để hồn mơ tới bạn quê hương

Nhất Linh đã viết một tiểu thuyết luận đề. Nhưng ông không luận thuyết khô khan mà đã khéo dựng nhân vật để luận đề được hiện ra một cách sinh động, hấp dẫn. Ngay từ năm 1942 trong công trình “Nhà văn hiện đại”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã viết: “Đến nay, trong loại tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết của Nhất Linh vẫn là những tiểu thuyết chiếm địa vị cao hơn cả”. Ở “Đoạn tuyệt” người ta có nói đến sự ngẫu nhiên thiếu logic ở cái chết của nhân vật Thân như là một xử lý nghệ thuật còn non để hướng câu truyện tới chỗ cần thiết theo ý đồ của tác giả. Tuy nhiên, chi tiết con dao trong tay Loan để tự vệ đã trở thành công cụ gây ra cái chết của Thân ngẫm ra vẫn có thể chấp nhận được về mặt logic cuộc sống và logic nghệ thuật. Đọc xong cuốn truyện, người đọc bây giờ vẫn còn thấy hồi hộp cho số phận của Loan và bâng khuâng cho bước đường của Dũng. Quan hệ tình cảm của hai nhân vật này vẫn khiến độc giả băn khoăn, thắc mắc, và phấp phỏng chờ đợi, theo dõi. Dũng vẫn mãi xa vời không chỉ với Loan, mà cả với những người đọc sách Nhất Linh. Cái chí trượng phu, tráng sĩ của chàng vẫn còn sức lôi cuốn người đọc hôm nay.

Tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh vì thế vẫn khiến chúng ta không thể dứt được văn chương TLVĐ như một thử nghiệm lấy văn chương cải cách xã hội và như một thể nghiệm viết văn theo kiểu mới. Đọc tác phẩm này của Nhất Linh, cũng như nhiều tác phẩm khác của ông và các văn hữu trong TLVH, để thấy không chỉ không khí, con người một thời, mà còn cả những dự định, kế hoạch cho một tương lai dang dở.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem