Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần thành thị

Diệu Linh Thứ tư, ngày 20/09/2023 06:32 AM (GMT+7)
Theo đại diện Bộ Y tế, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 39 trẻ sơ sinh tử vong, đồng thời tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cũng ở mức cao.
Bình luận 0

Đây là số liệu ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) vừa chia sẻ nhân nhân dịp Tuần lễ Làm mẹ An toàn năm 2023.

Tỷ lệ tử vong của trẻ em Việt Nam còn cao

Ông Khoa cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong, tương đương với khoảng 39 trẻ tử vong mỗi ngày.

Không chỉ tử vong sơ sinh ở mức cao, mà chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9/1.000, dưới 1 tuổi là 12,1/1.000 (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi sinh ra thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong).

Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần thành thị - Ảnh 1.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em cho biết, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp 2 lần thành thị, ở vùng dân tộc thiểu số gấp 7 lần thành thị". Ảnh CTV

Trong khi đó, ở nước Đông Nam Á là Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8/1.000. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2/1.000.

"Ngoài ra, tỷ lệ trẻ tử vong này chiếm đa số ở nông thôn. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi cao hơn gấp 2 lần so với thành thị; ở vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị", ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Khoa cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm 1/3 số trẻ sơ sinh tử vong nhờ các can thiệp tích cực.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Việt Nam phải vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề thiếu trầm trọng nhân lực.

Hiện cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu và có tới 30% bác sĩ đa khoa đang làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện.

Cùng đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở vùng khó khăn. Công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản gặp khó khăn do không còn được hưởng trợ cấp như trước đây gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bà Đỗ Thị Lệ Quyên, Phó Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo tiêu chuẩn cần 250 cô đỡ thôn bản/y tế thôn bản cho 46 xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện nay, Tuyên Quang chỉ còn 7 cô đỡ thôn bản còn hoạt động.

Địa bàn Tuyên Quang đều là vùng núi, khoảng cách xa xôi, đi lại vất vả nhưng kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên quá thấp nên thiếu sự nhiệt tình cũng như trách nhiệm của cộng tác viên trong công tác.

Ngoài ra, tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhân dân tiếp cận dịch vụ tại các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn tồn tại những tập tục cổ hủ, lạc hậu của người dân như đẻ tại nhà, chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh tình đã quá nặng.

"Tỷ lệ sinh tại nhà của tỉnh Tuyên Quang năm 2020 là 0,38%, năm 2023 tỷ lệ sinh tại nhà là 0,36 %. Trong đó chủ yếu tập trung ở dân tộc người Mông, dẫn đến nguy cơ cao chết mẹ, chết trẻ sơ sinh.

Ngoài ra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực của cán bộ y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó do phong tục tập quán nên cán bộ y tế là người dân tộc khác rất khó tiếp cận với đồng bào dân tộc người Mông khi sinh nở", bà Quyên chia sẻ.

Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần thành thị - Ảnh 2.

Bộ Y tế đặt mục tiêu chăm sóc bà mẹ trước khi sinh, theo dõi, quản lý thai nghén, siêu âm thai ít nhất 4 lần. (Khám thai tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh BVCC)

Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ và bà mẹ từ "trứng nước"

Theo ông Khoa, để tiến thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, hiện Bộ Y tế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp can thiệp.

Cụ thể như chăm sóc bà mẹ trước khi sinh, theo dõi, quản lý thai nghén ít nhất 4 lần. Đây là biện pháp hiệu quả để phát hiện các vấn đề về sức khỏe của thai nhi và mẹ, cảnh báo các nguy cơ, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng phương pháp kangaroo với trẻ nhẹ cân, non tháng nguy cơ mắc nhiều bệnh; tăng cường thực hiện biện pháp chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh thiết yếu, như bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh, trẻ có điều kiện nuôi dưỡng tốt, giảm nguy cơ tử vong trong tháng đầu.

Ngoài ra, tăng cường giáo dục dinh dưỡng, tập huấn, đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm cung cấp cho trẻ điều kiện dinh dưỡng tốt nhất, nâng cao sức khỏe và đề kháng, giảm ốm yếu và giảm nguy cơ tử vong.

Ông Trịnh Ngọc Quang, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, Tuần lễ Làm mẹ An toàn do Trung tâm phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em tổ chức nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Với chủ đề "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé", tuần lễ này sẽ diễn ra từ ngày 1/10-7/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tuần lễ sẽ giúp tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh), đặc biệt là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem