Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng

Bình Minh Chủ nhật, ngày 10/12/2023 06:31 AM (GMT+7)
Theo ông Đỗ Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), diện tích cam toàn huyện đạt trên 5.100 ha, với trên 4.712 ha cam cho sản phẩm, sản lượng ước đạt khoảng 75.000 tấn quả. Tổng thu nhập từ sản phẩm cam khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Chiều 9/12, tại Hà Nội, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang và UBND huyện Hàm Yên phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 - Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị "Kết nối tiêu thụ cam sành Hàm Yên năm 2023".

Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Văn Hòa cho biết, năm 2023, diện tích cam toàn huyện đạt trên 5.100 ha, với 4.712 ha cam cho sản phẩm (trong đó cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 1.251 ha, cam chuyển đổi hữu cơ 15,8 ha), sản lượng ước đạt khoảng 75.000 tấn quả. Nhiều trang trại cam với quy mô lớn đã được hình thành và phát triển, hiện tại có 198 trang trại, trong đó có 172 trang trại trồng cam, tổng thu nhập từ sản phẩm cam khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm.

Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hội nghị "Kết nối tiêu thụ cam sành Hàm Yên năm 2023" tổ chức tại Hà Nội, chiều 9/12. Ảnh: Bình Minh.

Để duy trì, nâng cao thu nhập cho các hộ trồng cam huyện Hàm Yên, UBND huyện đã có nhiều giải pháp cơ cấu lại diện tích giống cam; đưa chương trình tập huấn trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu hái bảo quản tiêu thụ sản phẩm. 

"Người nông dân đã từng bước áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, do đó đã cải thiện được mẫu mã và năng suất, chất lượng sản phẩm cam bước đầu mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn, chuyển đổi hữu cơ", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cam, nhất là tiêu thụ sản phẩm cam quả tươi, sản phẩm cam chính vụ từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau với sản lượng lớn, thường khó bán, giá bán thấp làm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng cam, ảnh hưởng đến việc duy trì diện tích, sản lượng cam và thương hiệu cam sành Hàm Yên.

Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Văn Hòa cho biết, trên địa bàn huyện có 198 trang trại, trong đó có 172 trang trại trồng cam, tổng thu nhập từ sản phẩm cam khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Bình Minh

Còn theo ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, với sự quan tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền, những năm gần đây, cam sành Hàm Yên phát triển mạnh mẽ, trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho bà con.

Cam Hàm Yên hiện đã được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và trong hệ thống siêu thị lớn như Winmart, Co.op mart… Tuy nhiên, theo ông Liễn, những năm qua, do yếu tố thời tiết và sự phụ thuộc vào thương lái, giá bán cam không ổn định. Bên cạnh đó, cây cam được trồng trên núi cao nên khó khăn trong chăm sóc, thu hái và thu hút đầu tư; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, do vậy việc tìm kiếm đầu ra cho trái cam còn nhiều khó khăn.

“Từ những hạn chế đó, Hội nghị hôm nay được Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm lắng nghe chia sẻ từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cùng tìm ra các giải pháp tháo gỡ nhằm mở rộng hơn nữa đầu ra cho trái cam Hàm Yên”, ông Lộc Kim Liễn cho hay.

Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: Bình Minh

Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm cho hay, HTX có  trên 50 ha trồng cam sành theo hướng VietGAP, và tiến tới sẽ chuyển đổi sang hướng hữu cơ. Mặc dù trồng cam với diện tích tương đối lớn, tuy nhiên theo bà Tĩnh khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay, đó là chưa liên kết được với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, trong khi vẫn phải phụ thuộc vào thương lái.

"Không chỉ riêng HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm, nhiều HTX khác chủ yếu tiêu thụ cho thương lái, tính chủ động không cao. “Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho bà con, tránh cảnh được mùa mất giá”, bà Tĩnh chia sẻ.

Theo bà Tĩnh, trên địa bàn huyện Hàm Yên, hiện thương lái thu mua giá cam Vinh 12.000 đồng/kg, cam sành 15.000 đồng/kg.

Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng - Ảnh 4.

Năm 2023, diện tích cam toàn huyện Hàm Yên đạt trên 5.100 ha, với 4.712 ha cam cho sản phẩm. Ảnh: Bình Minh

Để cam Hàm Yên phát huy tốt tiềm năng, nâng cao giá trị, ông Đặng Quang Thiện- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 cho rằng, chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi quan trọng trong chuỗi cung ứng, để tồn tại và phát triển, UBND huyện Hàm Yên cần tiến hành chuyển đổi số thương hiệu cam Hàm Yên để quảng bá trên nền tảng số, tăng độ lan toả của đặc sản này.

Bên cạnh đó, UBND huyện Hàm Yên và các ban ngành tiếp tục xác định chiến lược quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất hàng hoá với quy mô lớn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Hàm Yên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới, nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng thương hiệu, đổi mới đóng gói tem nhãn, nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; coi trọng, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hoá thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, không chỉ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mà trên địa bàn cả nước, tiến tới xuất khẩu.

Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng - Ảnh 5.

Năm 2013, cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đã lọt top 10 loại trái cây ngon nhất Việt Nam và tháng 10/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Ảnh: Bình Minh

Chia sẻ với Dân Việt bên lề Hội nghị, ông Chẩu Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông qua Hội nghị kết nối này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện Hàm Yên kết nối trực tiếp với hệ thống các kênh phân phối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam sành năm 2023 và trong những năm tiếp theo.

Cũng tại Hội nghị này, Liên minh xúc tiến ACTONE Global ký kết tài trợ gói 50 mã miễn phí vĩnh viễn tạo tài khoản kênh tự động làm AI video cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang). 

Tuyên Quang: Hơn 5.100ha trồng cam, Hàm Yên đánh thức "mỏ vàng" 100 tỷ đồng - Ảnh 6.

Liên minh xúc tiến ACTONE Global ký kết tài trợ gói 50 mã miễn phí vĩnh viễn tạo tài khoản kênh tự động làm AI video cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang).

Năm 2013, cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đã lọt top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam; tháng 10/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Theo quy hoạch, vùng cam sành tại Tuyên Quang trải dài trên 15 xã của các huyện Hàm Yên và Chiêm Hoá.

"Nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên; nâng cao giá trị gia tăng và tạo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, Hàm Yên xác định tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và của sản phẩm. Tiếp tục thực hiện xúc tiến thương mại và thiết lập, mở rộng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm cam quả tại chợ đầu mối, chợ trung tâm các tỉnh, thành phố, các siêu thị để có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nhân dân, chú trọng thị trường có tiềm năng tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên", Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Văn Hòa.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem