Từ vụ chuyến bay giải cứu: Tuyên án dưới khung hình phạt khi nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 01/08/2023 11:05 AM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng, Điều 54 Bộ Luật hình sự về xét xử dưới khung hình phạt là một quy định có tính chất nhân đạo, mở rộng sự "tùy nghi" của HĐXX trong việc quyết định hình phạt.
Bình luận 0

4 án chung thân trong vụ chuyến bay giải cứu

Sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án, chiều 28/7 TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, sớm hơn 30 ngày so với dự kiến.

Trong vụ án này, HĐXX gây bất ngờ khi tuyên bốn án chung thân và một số cựu quan chức phải nhận mức án nặng hơn nhiều so với mức mà viện kiểm sát đề nghị trước đó.

Từ vụ chuyến bay giải cứu: Tuyên án dưới khung hình phạt khi nào? - Ảnh 1.

Các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: GB

Cụ thể, bốn bị cáo nhận án chung thân gồm Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế (viện kiểm sát đề nghị tử hình), Hoàng Văn Hưng - cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (viện kiểm sát đề nghị 19 - 20 năm tù), Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (viện kiểm sát đề nghị 18 - 19 năm tù) và Vũ Anh Tuấn - cựu Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an (viện kiểm sát đề nghị 19 - 20 năm tù).

Trong khi đó, nhiều bị cáo cũng được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Ví dụ như bị cáo Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bị đưa ra xét xử tội nhận hối lộ theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự (phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) nhưng được tuyên mức án 30 tháng tù. Mức án này thấp hơn khung hình phạt bị truy tố rất nhiều.

Khi nào được tuyên án dưới khung hình phạt?

Sau thông tin này, bạn đọc khi nào bị cáo được xét xử, tuyên án dưới khung hình phạt?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, về nguyên tắc, đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Bộ luật hình sự quy định thành các nhóm tội và những tội danh khác nhau, tương ứng với mỗi tội danh sẽ có các loại hình phạt và mức hình phạt. Tội danh được quy định các điều luật trong Bộ luật hình sự và trong mỗi tội danh sẽ quy định một hoặc nhiều hình phạt chính và có thể còn có cả hình phạt bổ sung.

Khi xác định bị cáo phạm tội, tòa án sẽ xác định bị cáo phạm tội gì, quy định ở đâu, đồng thời sẽ lựa chọn loại hình phạt nào áp dụng cho phù hợp. Sau khi lựa chọn loại hình phạt, HĐXX sẽ quyết định mức hình phạt phù hợp.

Ông Cường phân tích, theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào 5 yếu tố là quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội, căn cứ vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Về nguyên tắc, người thực hiện hành vi phạm tội thuộc khung nào của điều luật sẽ áp dụng mức hình phạt giao động trong khung đó. Ví dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị áp dụng theo khoản 4, Điều 174 với khung hình phạt là phạt tù 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự còn quy định trong trường hợp người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51, tòa án có thể xét xử bị cáo dưới khung hình phạt.

Nội dung này được quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự như sau: Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật này.

Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù pháp luật quy định việc xét xử, kết án đối với người phạm tội phải theo các nguyên tắc là theo từng khung, khoản hình phạt tương ứng với tính chất của từng loại tội phạm.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự cũng quy định tùy nghi cho HĐXX có thể xét xử ở khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn hoặc thậm chí có thể xét xử ở khung thấp nhất của tội danh nếu như người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự.

Vị chuyên gia cho rằng, quy định này phù hợp với Điều 50 Bộ luật hình sự là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng quyết định đến mức hình phạt. Nhiều tình tiết giảm nhẹ có thể làm cho tính chất hành vi phạm tội giảm xuống, hậu quả của tội phạm được khắc phục, nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo tốt hơn, ý thức tự cải tạo thể hiện rõ hơn.

Đây là những yếu tố quan trọng để quyết định đến việc xác định áp dụng hình phạt và mức hình phạt sao cho phù hợp.

Ông Cường nhấn mạnh, việc quyết định hình phạt dưới khung là chính sách pháp luật tạo cơ hội để cho người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lý tội phạm, ngăn chặn giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, khả năng tự cải tạo.

Bởi, suy cho cùng bản chất của hình phạt không chỉ giáo dục cải tạo cho người phạm tội nhận thức được hành vi của mình để sửa chữa mà còn giáo dục chung cho xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem