Từ vụ 42 người cùng xã nhiễm HIV:Hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 17/08/2018 06:19 AM (GMT+7)
Vụ 42 người bất ngờ bị phát hiện nhiễm HIV một cách “bí hiểm” tại xã miền núi Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) đang khiến người dân hoang mang. Theo các chuyên gia y tế, đây là hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng về nguy cơ lan rộng HIV khi nhiều người cùng địa phương bị HIV mà không được phát hiện và điều trị.
Bình luận 0

Lây nhiễm qua đường tình dục tăng cao

Chia sẻ về vụ việc ở xã Kim Thượng, ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định, 42 người mắc HIV chỉ trong một xã là cao nhưng chưa bất thường. Tuy nhiên, con đường lây nhiễm vẫn là một bí ẩn chưa có lời đáp. Một số người bị nhiễm trước đó đã đi làm ăn xa trở về. Ngoài ra có cháu bé 18 tháng tuổi nhiễm HIV dù mẹ bé không hề nhiễm, chứng tỏ nhiễm qua đường máu từ bên ngoài. Cạnh nhà cháu bé có 2 vợ chồng bị nhiễm HIV, bị bệnh vẩy nến nhưng không biết mình nhiễm.

img

  Cán bộ y tế thăm, động viên người dân xã Kim Thượng. I.T

img

PGS-TS Hoàng Đình Cảnh:
Nên đi khám, tư vấn khi nghi ngờ dính máu người nhiễm HIV
Nếu chẳng may giẫm phải bơm kim tiêm, vật nhọn dính máu hoặc dính vào máu người nghi ngờ nhiễm HIV, người dân nên bình tĩnh. Nếu thấy da bị tổn thương thì nên rửa vết thương dưới vòi nước sạch, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm và điều trị.

Ngoài ra, ở Kim Thượng có sự bất thường là trong số 42 người mắc thì phụ nữ chiếm tới 25 người (gần 60%) trong khi tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV trên toàn quốc chỉ khoảng 32-33%. Ngoài ra độ tuổi của người nhiễm HIV cũng rất lạ, có cháu nhỏ 18 tháng tuổi nhưng cũng có cụ già tới 80 tuổi.

“Chúng tôi chỉ có thể khẳng định, hiện chưa có cơ sở để khẳng định có hay không việc lây truyền HIV qua đường sử dụng chung dịch vụ y tế. Xác minh rõ việc này là nhiệm vụ rất cấp thiết. Hiện Bộ Y tế và tỉnh Phú Thọ đã thống nhất chỉ đạo quyết liệt theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là đề nghị công an vào cuộc, tiến hành điều tra. Hướng còn lại là nghiên cứu về mặt dịch tễ học và biện chứng. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thiết lập nghiên cứu, đánh giá. Để làm được các việc này không phải là một sớm một chiều. Kết luận vụ việc này cần hết sức thận trọng, chính xác trên cơ sở các bằng chứng khoa học, vì nó liên quan đến danh dự và “sinh mạng” con người” – ông Cảnh khẳng định.

Ông Cảnh nghi ngại, vụ việc tại xã Kim Thượng là hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng, cho nhiều xã phường khác. Điều nguy hiểm nhất với dịch HIV là có bệnh nhân, có dịch mà không biết, các bệnh nhân không được điều trị, không được phòng ngừa về đường lây nhiễm. Khi đó, nguy cơ HIV lây lan mạnh ra cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Theo ông Cảnh, con số 42 người nhiễm HIV trong 1 xã là cao nhưng chưa phải là cao nhất. Toàn quốc có 60 xã có trên 50 người nhiễm HIV. Phường có số mắc HIV cao nhất cả nước là ở quận 8 TP.HCM với 701 người mắc HIV, trong đó có 125 người chết. Xã cao nhất là xã ở huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 142 người nhiễm HIV.

Ngay ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cũng có nhiều xã có số người nhiễm HIV cao như: Xã Minh Đài 46 người nhiễm, xã Mỹ Thuận 31 người nhiễm, xã Kim Thượng 42 người, xã Thu Cúc 24 người, xã Xuân Đài 21 người nhiễm…

Báo cáo công tác phòng chống HIV/AIDS của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, năm 2017 có khoảng 9.800 người mới mắc HIV và khoảng 1.800 người tử vong vì AIDS. Trong số những người xét nghiệm phát hiện mới nhiễm HIV thì nữ chiếm 22%; lây truyền qua đường tình dục là 58%; lây truyền qua đường máu chiếm 32%, mẹ lây truyền qua con 2,6%, không rõ đường lây 8%. Về phân bố độ tuổi, 49% người nhiễm HIV mới có độ tuổi từ 30-39; 30% có độ tuổi 20-29, 19% từ 40-49 tuổi; trên 50 tuổi chiếm 6%, 3% từ 14-19 tuổi, 2% trẻ em từ 0-13 tuổi.

So với năm 2016, số phát hiện mới giảm 1,1%, tử vong giảm 15%, bệnh nhân AIDS giảm 39%. Tuy số liệu giảm nhưng Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng không lạc quan. Lý do là số liệu phát hiện các ca mắc HIV mới tùy thuộc vào khả năng triển khai công tác tư vấn xét nghiệm trong khi kinh phí quốc tế cắt giảm, ngân sách quốc gia không có hoạt động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV. Các tỉnh phần lớn phát hiện người nhiễm HIV “tình cờ” qua hệ thống bệnh viện khi các bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và mắc các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, bệnh lao, bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục hoặc xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai.

Trước đó, kết quả giám sát trọng điểm năm 2016 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 9,53%, phụ nữ bán dâm là 2,39%, MSM (nam quan hệ tình dục với nam) là 7,36%. Đáng nói tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 5,1% năm 2015 lên 7,36% năm 2016. “Nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục ngày càng cao, chiếm tỷ trọng chính trong đường lây truyền HIV. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt nhóm thanh niên khá cao, là cảnh báo quan trọng về nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm này và nguy cơ lây truyền sang cộng đồng” – đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định.

Bị HIV 20 năm vẫn sống khỏe mạnh

Ông Cảnh khẳng định, với sự phát triển của y học hiện đại, người bị nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh nếu được điều trị ARV. Ông Cảnh dẫn chứng, người đầu tiên phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12.1990 là một phụ nữ 30 tuổi. Đến nay, sau gần 20 năm, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc ARV (dùng thuốc theo liệu trình) đều đặn và sống tích cực.

Theo ông Cảnh, người nhiễm HIV, chỉ sau 3 tháng điều trị ARV, lượng virus trong máu sẽ giảm xuống, giúp họ có sức khỏe bình thường, khả năng lây nhiễm cho người khác thấp hơn. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV không còn phát hiện nữa. Như vậy, người bệnh đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng cách theo chỉ định.

“Người bị HIV cũng không nên bi quan, sợ hãi mà nên đi đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Còn người dân cũng không nên kỳ thị khiến người HIV sợ hãi, phải giấu diếm bệnh tật, khi đó nguy cơ lây nhiễm cao hơn” – ông Cảnh khuyến cáo.

PGS-TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), có 3 đường lây truyền HIV là qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và truyền từ mẹ sang con. Cách đây 10 năm trở về trước, ước tính có đến 80-90% người bị nhiễm HIV là lây qua đường kim tiêm mà phần lớn là người nghiện ma túy dùng chung bơm kim tiêm để chích ma túy cho nhau. Tuy nhiên đến nay, đường lây nhiễm đã “dịch chuyển” tỷ trọng sang đường quan hệ tình dục không an toàn.

Về nguy cơ lây nhiễm HIV qua mũi kim tiêm dính máu nếu bị vứt ra ngoài môi trường, PGS Cường khẳng định điều đó rất thấp. Xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.

TS Cảnh cũng khẳng định, virus HIV khi ra ngoài môi trường sẽ chết rất nhanh. Còn nếu trong máu của người chết bị HIV thì sống được tối đa 3 ngày. Với các bơm kim tiêm dính máu vứt ngoài môi trường thì virus HIV sống được lâu hơn một chút nhưng khả năng lây truyền không cao.

img

TS Nguyễn Hoàng Long -  Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Chấn an tâm lý cho người dân Kim Thượng

Hiện tại, chưa thể khẳng định được nguyên nhân nào dẫn đến việc phát hiện tỷ lệ cao nhiễm HIV ở xã Kim Thượng. Cục Phòng chống HIV/AIDS và các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm hiểu khảo sát từng trường hợp cụ thể để có thể kết luận nguyên nhân mắc bệnh của họ. Cho đến khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, ngành y tế Phú Thọ đã có các hành động tức thời nhằm ổn định tâm lý, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân nơi đây khi sợ mình và người thân có thể bị nhiễm HIV. Các cơ quan y tế đã chủ động trả lời kết quả tư vấn cho 42 người nhiễm HIV mới được phát hiện nhằm giảm nhẹ áp lực tâm lý và bảo đảm tất cả những người không may bị nhiễm HIV ở Kim Thượng được điều trị thuốc AVR (thuốc kháng HIV); tăng cường cán bộ giàu kinh nghiệm để trực tiếp tư vấn, điều trị HIV/AIDS; tổ chức tư vấn xét nghiệm tự nguyện,...và truyền thông cho người dân Kim Thượng.img

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư): Dấu hiệu  nhận biết HIV

Để biết kết quả chính xác nhất một người có bị HIV hay không, cách duy nhất vẫn là xét nghiệm. Thường trong 3-6 tuần đầu, virus nhân lên nhưng hầu như không có dấu hiệu nào nhận biết. Chỉ số ít bệnh nhân có một số biểu hiện như sốt, đau mỏi người, mệt mỏi, nổi hạch, phát ban, buồn ngủ, đau cơ, khớp, sưng hạch bạch huyết, buồn nôn, tiêu chảy...

Ở giai đoạn thứ 2, sau 2-6 tháng khi cơ thể sinh ra kháng thể thì lúc đó các xét nghiệm sàng lọc mới dương tính nhưng người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường như người khỏe mạnh.

Ở giai đoạn 3: Khi virus phá hủy hệ miễn dịch của người bệnh (giai đoạn AIDS).Bệnh nhân sẽ sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể; sốt kéo dài trên 1 tháng; tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ có các nhóm triệu chứng phụ gồm: Ho kéo dài; nhiễm nấm Candida ở hầu họng; nổi ban đỏ và ngứa toàn thân; nổi mụn rộp và dời leo tái phát; nổi hạch... Do hệ thống miễn dịch bị phá hủy nên người bệnh sẽ tử vong vì cơ thể suy kiệt.

Tuấn Kiệt (ghi)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem