Tự vẫn bằng cách lao vào ô tô đang lưu thông, tài xế có phải chịu trách nhiệm?

Nhật Minh Thứ ba, ngày 19/03/2024 08:39 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu tài xế xe tải đi đúng phần đường, đúng tốc độ và không vi phạm quy định nào về an toàn giao thông, sẽ không phải chịu trách nhiệm gì đối với cái chết của nam thanh niên.
Bình luận 0

Mới đây, một nam thanh niên ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đang đi bộ rồi bất ngờ lao vào gầm sau xe tải. Hậu quả, người này bị bánh sau xe tải cán qua, tử vong ngay tại chỗ.

Sau khi vụ việc xảy ra, có nhiều ý kiến bài tỏ lòng thương cảm đối với người thanh niên xấu số. Nhiều người cho rằng, tài xế, chủ xe tải phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, tài xế lái chiếc xe tải, chủ xe không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì họ không vi phạm, tất cả là do người tự tử gây nên.

Tự vẫn bằng cách lao vào ô tô đang lưu thông, tài xế có phải chịu trách nhiệm?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ nam thanh niên lao vào xe tải tự vẫn. Ảnh: Báo Bình Định.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, qua theo dõi clip có thể thấy nam thanh niên cố tình lao vào gầm xe tải để tự vẫn. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ vấn đề: Nếu tài xế xe tải đúng phần đường, đúng tốc độ và không có vi phạm quy định nào về an toàn giao thông, sẽ không phải chịu trách nhiệm gì đối với cái chết của nam thanh niên.

Trường hợp nếu tài xế điều khiển xe tải có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra hậu quả cái chết cho nam thanh niên, thì tài xế xe tải có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm của mình, kèm theo trách nhiệm dân sự.

Phân tích rõ hơn quan điểm của mình, luật sư Lực cho biết trong quan hệ dân sự, bất kể một thiệt hại nào xảy ra trên thực tế đều phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời, tuy nhiên khi bên thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra (quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015).

Chỉ có một trường hợp duy nhất người gây thiệt hại không phải bồi thường, theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 BLDS:

"Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".

Luật sư Lực cũng lưu ý, vì các loại xe cơ giới như xe máy, ô tô được xếp vào nhóm "nguồn nguy hiểm cao độ" tại Khoản 1 Điều trên nên người tài xế vẫn phải bồi thường cho nạn nhân dù mình không có lỗi, trừ khi có những căn cứ sau:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 3 Điều 601 BLDS).

"Lỗi cố ý" được định nghĩa ở Điều 364 BLDS:

"Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra"

Tuy nhiên việc xác định lỗi cố ý này không thể dễ dàng phân tích một cách lý thuyết mà phải dựa trên điều tra thực tế, xem xét các hành vi khách quan, thời gian, không gian xảy ra hành vi.

Trường hợp này nếu tài xế lái xe chứng minh được việc lao đầu vào xe của nạn nhân gây thiệt hại cho họ thì thậm chí người bị thiệt hại còn phải bồi thường ngược lại cho người điều khiển phương tiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem