Trồng dưa lưới ruột vàng, 10 trái đẹp cả 10, nông dân Quảng Ngãi thu lời tốt hơn

Công Xuân Thứ ba, ngày 26/12/2023 12:26 PM (GMT+7)
Với tổng diện tích thực hiện khoảng 3ha và sự tham gia của 10 hộ, xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là địa phương được Văn phòng Phát triển bền vững – Văn phòng Trung ương Hội Nông dân (ND) Việt Nam hỗ trợ để triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng dưa lưới ruột vàng theo hướng an toàn sinh học.
Bình luận 0

Lựa chọn kỹ càng nơi triển khai mô hình trồng dưa lưới

Văn phòng Phát triển bền vững – Văn phòng Trung ương Hội ND Việt Nam vừa phối hợp Hội ND tỉnh, Hội ND huyện Bình Sơn và xã Bình Tân Phú tổ chức lễ cấp phát hạt giống, phân bón và chế phẩm sinh học… cho người dân tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng dưa lưới ruột vàng theo hướng an toàn sinh học ở xã Bình Tân Phú.

Mô hình được Trung ương Hội ND Việt Nam hỗ trợ triển khai tại xã Bình Tân Phú có tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng, thực hiện trên diện tích khoảng 3ha, với sự tham gia của 10 hộ. Mô hình được triển khai trong vụ mùa 2023 – 2024. Xã Bình Tân Phú cũng là địa phương duy nhất của Quảng Ngãi được Trung ương Hội ND Việt Nam hỗ trợ để triển khai mô hình này.

Giúp vườn dưa lưới ngọt ngon, nông dân Quảng Ngãi thêm lợi - Ảnh 1.

Các hộ dân tham gia mô hình tiếp nhận hạt giống, phân bón, chế phẩm... do Trung ương Hội ND Việt Nam hỗ trợ. Ảnh: T.L

Chính quyền và các hộ dân trồng dưa lưới ở xã Bình Tân Phú cũng mong muốn Trung ương Hội ND Việt Nam, các cấp ngành của tỉnh, huyện tiếp tục có sự hỗ trợ nhiều hơn cho địa phương để triển khai mô hình thành công, tiếp tục thực hiện mô hình tương tự với cây trồng và vật nuôi khác để người dân Bình Tân Phú có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Tất cả các hộ tham gia mô hình đều được Trung ương Hội ND Việt Nam hỗ trợ hạt giống, phân bón và chế phẩm sinh học. Tại buổi lễ bàn giao, thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú bày tỏ sự cảm ơn Trung ương Hội ND Việt Nam đã quan tâm và chọn địa phương để hỗ trợ triển khai mô hình, đồng thời cho biết sẽ chỉ đạo và tạo các điều kiện thuận lợi tối đa cho các hộ dân tham gia để mô hình đạt kết quả tốt nhất.

Đại diện Hội ND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi nhận được đề nghị từ Trung ương Hội ND Việt Nam về triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng dưa lưới ruột vàng theo hướng an toàn sinh học, cán bộ Hội ND tỉnh đã tiến hành khảo sát và chọn nơi thích hợp để triển khai dự án. 

Từ kết quả tìm hiểu thực tế và thông tin nắm được, nhận thấy Bình Tân Phú là địa phương có nhiều ưu điểm vượt trội nhất, Hội ND Quảng Ngãi đã đề nghị Trung ương Hội ND Việt Nam chọn địa phương này làm nơi hỗ trợ, triển khai mô hình.

Cũng tại buổi nhận hạt giống, phân bón, chế phẩm… để triển khai mô hình, đại diện các hộ tham gia đề xuất Trung ương Hội ND Việt Nam có các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ, kết nối để mở rộng về đầu ra, nơi tiêu thụ sản phẩm dưa lưới của mô hình khi bước vào giai đoạn thu hoạch.

Tiếp sức cho "thủ phủ" dưa lưới

Giúp vườn dưa lưới ngọt ngon, nông dân Quảng Ngãi thêm lợi - Ảnh 3.

Nông dân xã Bình Tân Phú kiểm tra vườn dưa lưới. Ảnh: T.L

Tìm hiểu của phóng viên, hiện trên địa bàn xã Bình Tân Phú có hơn 30 hộ theo nghề trồng dưa lưới với diện tích gần 20ha. Đại diện HTX Nông nghiệp Bình Phú cho biết, dưa lưới là giống cây trồng ngắn ngày. Mỗi năm có thể trồng 2 – 3 vụ, cây cho trái thu hoạch sau 85 ngày gieo trồng. 

Nhận thấy đây là giống cây trồng phù hợp với đất và khí hậu của địa phương, lại mang về thu nhập ổn định, chính quyền địa phương phối hợp với HTX nông nghiệp tiếp tục làm cầu nối để người dân được học hỏi kỹ thuật trồng dưa, mở rộng diện tích, liên kết sản xuất, cung cấp cho thị trường cả nước.

Không giống với những địa phương khác, người dân Bình Tân Phú không trồng dưa lưới trong nhà kính hay nhà màng, mà trồng ngoài đồng ruộng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng kỹ thuật cao, cây dưa lưới vẫn phát triển tốt, quả to, ngon ngọt, mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế cho người dân địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú cho biết, so với các nơi khác ở Quảng Ngãi, thực tế đã chứng minh vùng đất nơi đây và kỹ thuật chăm sóc của người dân Bình Tân Phú đã cho ra đời những trái dưa lưới có chất lượng thơm ngon vượt trội. Vì vậy thời gian qua, Bình Tân Phú được ví von là "thủ phủ" dưa lưới của tỉnh Quảng Ngãi.

Vụ gần đây nhất, diện tích trồng dưa lưới của xã Bình Tân Phú khoảng 19ha/40 hộ tham gia, năng suất đạt được khoảng 2,1 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ.

Ông Đoàn Văn Dũng (thôn Phú Nhiêu 1, xã Bình Tân Phú) – 1 trong 10 hộ tham gia mô hình, cho biết ông đã gắn bó với trồng dưa lưới được 5 năm. Qua kiểm tra và đối chứng với một số hộ dân cũng trồng loại cây này ở các vùng khác trong tỉnh, không có nơi nào mà năng suất, chất lượng dưa lưới vượt trội hơn so với dưa của xã Bình Tân Phú. 

Trên cơ sở đó, ông Dũng kỳ vọng việc tham gia mô hình, được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ hạt giống, phân bón, ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất dưa lưới theo hướng an toàn sinh học, ông và các hộ sẽ tiếp tục nâng chất lượng trái dưa, đảm bảo an toàn thực phẩm… Từ đó, thương hiệu dưa lưới Bình Tân Phú lan tỏa rộng hơn, được nhiều người tiêu dùng biết đến và chọn mua, giúp nông dân nơi đây tăng thêm thu nhập.

Được biết, không chỉ trồng dưa lưới ở tại quê nhà, một số hộ gia đình ở Bình Tân Phú còn vào tận tỉnh Bình Thuận, lựa chọn và thuê đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để trồng loại cây này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem