TP.HCM tăng tốc chọn SGK cho lứa học sinh cuối cùng tiếp cận chương trình GDPT 2018

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 22/02/2024 16:27 PM (GMT+7)
Các cơ sở giáo dục tại TP.HCM đang khẩn trương lựa chọn sách giáo khoa phục vụ cho học sinh lớp 5, 9, 12 trong năm học 2024-2025.
Bình luận 0

Trong năm học 2024-2025, học sinh các lớp 5, 9, 12 sẽ bắt đầu học sách giáo khoa (SGK) mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là lứa học sinh cuối cùng đổi sách giáo khoa, chính thức đưa chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phủ sóng trên tất cả các cấp học.

Đến thời điểm hiện tại, việc chọn sách giáo khoa tại các trường học trên địa bàn TP.HCM vẫn đang gấp rút được thực hiện. Sở GDĐT TP.HCM cũng đã yêu cầu các trường hoàn thành việc chọn sách giáo khoa đến trước ngày 5/3 để kịp thời chuẩn bị cho năm học 2024-2025

TP.HCM tăng tốc chọn SGK cho lứa học sinh cuối cùng tiếp cận chương trình GDPT 2018- Ảnh 1.

Tăng tốc lựa chọn sách giáo khoa phục vụ năm học mới. Ảnh: M.Q

Ngày 22/2, thông tin từ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kĩ Thông tư 32/2018 của Bộ GDĐT về ban hành chương trình tổng thể, chương trình các môn học; các clip thông tin do Bộ GDĐT, các tổ chức, cá nhân và đơn vị liên kết có sách giáo khoa được phê duyệt; các văn bản, quyết định của Bộ GDĐT về phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn học.

Sau khi nghiên cứu các nội dung trên, tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên chuẩn bị ý kiến cá nhân bằng phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

TP.HCM tăng tốc chọn SGK cho lứa học sinh cuối cùng tiếp cận chương trình GDPT 2018- Ảnh 3.

Năm học 2024-2025, tất cả học sinh các cấp đều được tiếp cận sách giáo khoa của chương trình GDPT 2018. Ảnh: M.Q

Các cơ sở giáo dục cũng phải sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 27 của Bộ GDĐT. Điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư 27 là quyền quyết định chọn sách giáo khoa đã được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.

Căn cứ kế hoạch của hội đồng và tiêu chí lựa chọn SGK, tổ trưởng tổ chuyên môn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện. Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên (GV) môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 SGK cho môn học đó.

Sở GDĐT TP.HCM cũng cho biết thêm, các cơ sở giáo dục lập hồ sơ lựa chọn SGK gửi về phòng GDĐT chậm nhất vào ngày 5/3.

Từ ngày 5/3, phòng GDĐT thẩm định hồ sơ và báo cáo về Sở GDĐT TP.HCM trước ngày 10/3. Các phòng GDĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo danh mục SGK được UBND TP.HCM phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30/4 hằng năm.

Về tiêu chí lựa chọn sách, các cơ sở giáo dục phổ thông phải bảo đảm 2 tiêu chí.

Thứ nhất, phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố, phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông; SGK được chọn phải phù hợp việc giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội; kiến thức hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày, môi trường xung quanh học sinh…

Đặc biệt, bảo đảm tính kế thừa, phù hợp phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của người Việt Nam trên mọi miền đất nước, trong đó có chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của thành phố; đáp ứng được định hướng phát triển GDĐT của thành phố, xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế…

Thứ hai, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm  phù hợp năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, GV... phục vụ mục tiêu giáo dục, nhất là trong tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, chủ đề STEM; phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại; đáp ứng tốt, phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục; bảo đảm tính phân hóa, đa dạng loại hình trường - lớp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem