Thu phí kẹt xe để hạn chế xe cá nhân vào nội đô TP.HCM: Cần phải thăm dò để biết được tính khả thi

Chinh Hoàng Thứ hai, ngày 20/05/2024 15:53 PM (GMT+7)
TP.HCM dự kiến hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TP. bằng các giải pháp, thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.
Bình luận 0

Sẽ hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TP.HCM bằng cách thu phí

Chính sách thu phí kẹt xe nhằm giảm giao thông cá nhân được UBND TP.HCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp cuối tuần này.

Thu phí kẹt xe để hạn chế xe cá nhân vào nội đô TP.HCM: Cần phải thăm dò để biết được tính khả thi- Ảnh 1.

Khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng sau cơn mưa sáng 20/5. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo đồ án, TP.HCM sẽ tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố bằng các giải pháp: Thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ. Về lâu dài, TP.HCM sẽ mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai Metro trong khi hệ thống metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng (tuyến số 1, 4, 5, 2, 3, 6).

Khi đó, TP.HCM sẽ phát triển các nhà ga metro chính thành các trung tâm giao thông xanh như bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường phục vụ cho các hành trình đầu/cuối.

Theo đề xuất, hệ thống thu phí xây dựng bao quanh quận 1, quận 3 theo công nghệ thu phí đa làn không dừng, với một trung tâm xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Doanh nghiệp dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 2.280 tỷ đồng, trong đó chi phí ban đầu khoảng 478 tỷ đồng và gần 1.800 tỷ đồng cho chi phí vận hành của 10 năm sau đó.

Thời gian thu dự kiến áp dụng trong các khung giờ cao điểm. Mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ô tô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ô tô biển xanh.

Taxi đăng ký tại TP.HCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên như cứu hỏa, cứu thương... được miễn phí. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm. 

Thống kê đến cuối năm 2023, TPHCM quản lý hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó hơn 940.000 ôtô, gần 8,3 triệu xe máy (so với cùng kỳ năm 2022, lượng phương tiện tại thành phố tăng 4,64).

Hiện tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM chỉ đạt hơn 13%, kém khoảng 10% quy chuẩn. Mật độ đường giao thông đạt 2,34 km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn. Giao thông ở nhiều tuyến đường đã vượt quá năng lực khai thác nên thường xuyên ùn tắc.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, TP.HCM đang triển khai song song hai đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030.

Thành phố phấn đấu đưa vào khai thác Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) năm 2024 và tuyến Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương) năm 2030. Song song, thành phố cũng chú trọng phát triển giao thông công cộng, xe đạp công cộng, mạng lưới xe buýt kết nối Metro.

Vẫn theo ông Lâm, ngành giao thông đang cố gắng đến năm 2030, giao thông công cộng đáp ứng hơn 30% nhu cầu đi lại của người dân. Trên cơ sở đó, TPHCM sẽ từng bước hạn chế, khoanh vùng một số khu vực để hạn chế xe cá nhân, nhất là xe hai bánh.

Cần phải thăm dò để biết được tính khả thi

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết: Trung tâm các đô thị trong quá trình phát triển thường trở thành đô thị nén (mật độ dân và công trình đều cao), nên mật độ giao thông cũng tăng cao, dễ gây kẹt xe.

Thu phí kẹt xe để hạn chế xe cá nhân vào nội đô TP.HCM: Cần phải thăm dò để biết được tính khả thi- Ảnh 3.

Khu vực đường Phạm Văn Đồng ùn ứ phương tiện sáng 20/5. Ảnh: Chinh Hoàng

Việc hạn chế xe cá nhân vào trung tâm được nhiều đô thị thực hiện. Do nhu cầu đi lại của người dân phải được bảo đảm, nên biện pháp thực hiện mục đích hạn chế xe vào trung tâm này phải có giải pháp thay thế để người dân lựa chọn, như nộp phí để vào trung tâm, đi vòng tránh nộp phí, không đi nếu không thật cần đi... Do đó, ông Cương cho rằng, phải xác định rõ phạm vi khu trung tâm, các đường để tránh vào khu trung tâm, giao thông công cộng để không đi xe cá nhân.

"Nếu thiếu giải pháp thay thế và bắt phải nộp phí sẽ là cưỡng bức nộp phí (buộc phải nộp vì không có con đường nào khác). Vậy là gây phiền hà cho dân. Khi đã có các giải pháp để lựa chọn, mức phí có vai trò sàng lọc, chỉ ai cần thiết lắm mới nộp tiền để vào. Phí thấp quá không có tác dụng hạn chế", ông Cương nhận định.

Ngoài ra, ông Cương cũng cho rằng, không thể nói trước được tính khả thi của mức phí nếu không thực hiện điều tra thăm dò. Thu phí ô tô, tất nhiên sẽ làm tăng xe máy, nếu người dân tránh phí để tiết kiệm. Để hạn chế xe cá nhân cần có các luồng tuyến khác thay thế nhứ các tuyến vòng tránh khu trung tâm.

Cũng theo ông Cương, cần có quy hoạch, xác định phạm vi khu cần hạn chế, có các giải pháp thay thế như nêu trên. Metro chỉ giúp một phần vì nó chỉ có một hướng đi. Với cấu trúc đô thị TP.HCM, mật độ đường còn quá thấp, nhiều đường nhỏ lộ giới dưới 15m, khó có giải pháp thay thế xe gắn máy. Cấm xe gắn máy khi chưa có giải pháp thay thế sẽ gây đảo lộn đời sống nhân dân. Tuy nhiên có thể thu phí như đối với ô tô khi vào khu trung tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem