Tôn vinh những người làm nên cổ tích giữa đời thường

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 28/11/2020 18:30 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên đã có một lễ tôn vinh 400 gương sáng tiêu biểu cho những người làm công việc thầm lặng vì cộng đồng. Cuộc gặp diễn ra chiều nay (28/11) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức sau nhiều tháng chuẩn bị.
Bình luận 0

Tham dự chương trình có các đồng chi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương cùng 400 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội.

Thương người như thể thương thân

Đó là những người dân đã và đang dành công sức, tiền của và vận động xã hội chăm lo người có công với cách mạng, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tâm thần, người khuyết tật, người nghèo, người nhiễm HIV/AIDS, người cai nghiện ma túy, hiến máu nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ,...

Sự kiện được tổ chức nhằm động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, tạo ra sự lan tỏa tới toàn xã hội, nhân rộng các điển hình, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam "thương người như thể thương thân", đồng thời tạo những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Tôn vinh  tôn vinh 400 tấm gương vì cộng đồng  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bộ ngành tham gia lễ tôn vinh 400 gương sáng vì cộng đồng. Ảnh: N.T

Tôn vinh  tôn vinh 400 tấm gương vì cộng đồng  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trong lễ tôn vinh gọi họ là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Ảnh: N.T

Trong số 400 đại biểu về dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" có 197 đại biểu là nữ, 8 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, 100 đại biểu là những nhân viên đang công tác trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm, cơ sở điều trị và 300 đại biểu là những cá nhân đang công tác và làm việc tại đủ các thành phần kinh tế trong đời sống xã hội.

"Đó là những con người ngày đêm chăm lo phần mộ các anh hùng, liệt sĩ, tình nguyện tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Đó là người khuyết tật nhưng tự vươn lên và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác, là người âm thầm cứu chữa, chăm sóc những bệnh nhân phong suốt 30 năm qua, là người bị nhiễm HIV/AIDS vượt qua số phận, tuyên truyền, động viên những người bị nhiễm khác và tạo việc làm cho họ. Đó là người lái xe cứu thương ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ đưa đón bệnh nhân. Đó là người hàng chục năm cả đời chỉ làm một công việc là vớt rác... Một cuộc gặp mặt của những người trong chuyện cổ tích giữa đời thường", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. 

Những bông hoa đẹp vì cộng đồng

Chia sẻ tại buổi tôn vinh, ông Bùi Công Hiệp (phường Long Phước, quận 9, TP.HCM) cho biết ông và gia đình hơn 10 năm qua đã nhận nuôi và chăm sóc cho hơn 100 em nhỏ bị bỏ rơi.

Kể về câu chuyện đầy cảm động, ông Hiệp nhớ lại 10 năm trước, sau khi về hưu, ông tích lũy được một số tiền mua một khu đất rộng hơn 2.500m2 ở quận 9 để thực hiện ước nguyện xây một căn nhà bé bé cho hai vợ chồng về nghỉ ngơi, trồng rau nuôi gà, vui thú tuổi già.

Tuy nhiên, chứng kiến cảnh các em bé không có mái ấm, ông Hiệp bàn với vợ, thay vì xây nhà cho mình thì ông xây căn nhà 3 tầng để làm mái ấm cho các trẻ em mồ côi nương tựa.

Để cho các con có mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9 xin phép mở mái ấm có tên "Thiên Thần".

Từ năm đó đến nay, vợ chồng ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, hiện đã lên đến hơn 100 cháu. Trong đó, bé nhỏ nhất mới vài ngày tuổi, bé lớn nhất mới 8 tuổi.

Mái ấm có 10 bảo mẫu được ông Hiệp thuê thay phiên chăm sóc trẻ. Nhưng những việc như nấu ăn, đưa đón các con đi học mỗi ngày, lo cho các con ngủ mỗi trưa, mỗi tối đều do ông Hiệp tự tay làm.

Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, ra khỏi mái ấm, các con phải biết bơi lội, biết ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, năm 2019, ông đã làm giấy trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi.

Được vinh dự là một trong 50 đại biểu nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Lễ tuyên dương, ông Hiệp thật sự xúc động. Lau vội nước mắt đang nhòe đi, ông cho biết: "Đây là một vinh dự của cá nhân, cũng như gia đình tôi, tạo ra động lực lớn hơn cho bản thân tôi, cũng như nhiều người khác sẽ nêu gương, sống tốt đời đẹp đạo vì cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn".

Từ Long An, ông Hồ Văn Thương đã tận tâm tận tụy chăm lo 4.000 phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của huyện Vinh Hưng và Tân Hưng, tỉnh Long An, suốt  24 năm qua. Ông là tấm gương tiêu biểu cho hàng ngàn các bác, các chú, các anh không quản ngày đêm vất vả, âm thầm chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ.

Bà Lê Thị Thanh Thủy (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang tổ chức và duy trì việc nuôi hảng tháng 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam và mở quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó và các nạn nhân da cam, người tàn tật, bệnh nhân nghèo tại TP.Vũng Tàu, với số tiền bỏ ra đến nay lên đến hàng chục tỷ đồng.

Còn chàng trai trẻ Lê Anh Tuấn (sinh năm 1997, sống tại phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được mệnh danh là "Hiệp sĩ bóng đêm", bởi hơn 3 năm qua, anh tình nguyện chở hơn 500 chuyến xe cứu thương miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện. Câu chuyện của anh khiến người nghe không khỏi cảm động.

Những tấm gương được tuyên dương lần này đến từ nhiều vùng miền và lĩnh vực khác nhau. Một vài câu chuyện chia sẻ trên chỉ là đại diện cho 400 tấm gương về Hà Nội dự lễ tuyên dương và cũng chỉ là một vài điểm xuyết trong hàng nghìn con người thầm lặng vẫn dốc lòng yêu thương, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tôn vinh những người làm nên cổ tích giữa đời thường  - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Quỹ Bảo trợ trẻ em VN. Ảnh: Dân Trí

Tôn vinh những người làm nên cổ tích giữa đời thường  - Ảnh 4.

Ảnh: Dân Trí

Cũng tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại buổi lễ vinh danh những tấm gương thầm lặng đóng góp vì cộng đồng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự xúc động khi tham dự chương trình. Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự tri ân với 400 con người tại lễ tôn vinh trang trọng được Bộ LĐTBXH tổ chức.

Qua những thước phim, báo cáo tôn vinh tại chương trình, Phó Chủ tịch nước khẳng định tinh thần tương thân tương ái, tình yêu thương nồng ấm của người Việt Nam. Nhắc lại bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bối cảnh thiên tai, bão lũ kinh hoàng với miền Trung vừa qua, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh qua thử thách, lòng tốt, tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên.

Bày tỏ sự khâm phục với những tấm gương lặng lẽ cống hiến hàng chục năm, bà Thịnh bày tỏ còn hàng triệu những hành động, những tấm lòng vàng, hành động thiện nguyện như vậy trong cộng đồng chưa được ghi nhận.

Ghi nhận sáng kiến tốt đẹp của Bộ LĐTBXH trong thực hiện hoạt động phát triển nghề công tác xã hội, Phó Chủ tịch nước chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ của Bộ, cũng như những tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động hôm nay.

Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục tập trung chăm lo các đối tượng là người có công, trẻ em, nguời cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em nghèo, các hộ nghèo và người yếu thế khác trong xã hội...

Đồng thời, Phó Chủ tịch yêu cầu có chính sách, giải pháp nhằm đảm bảo người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã hội, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Nhắc lại những điển hình tích cực về những tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, hỗ trợ người khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau, Phó Chủ tịch nước mong tiếp tục lan tỏa những tấm gương này trong xã hội, để tạo nên tinh thần đoàn kết đã có truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Chiều 27/11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, biểu dương và trực tiếp trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 50 đại biểu đại diện cho 400 đại biểu tham dự buổi lễ Tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Thủ tướng nhấn mạnh 50 đại biểu ngày hôm nay là đại diện cho hàng ngàn tấm gương trong đời sống, những tấm gương sáng thầm lặng, nhưng đầy cao quý vì cộng đồng. Các đại biểu được tôn vinh đều là những câu chuyện cổ tích. Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Cũng trong buổi gặp mặt, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ngành LĐTBXH cần xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta trong giai đoạn 2021- 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm công tác xã hội phát triển sâu rộng hơn, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phát triển công tác xã hội sang các lĩnh vực y tế, giáo dục, khuyến khích xã hội hóa công tác xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem