Toàn cảnh vụ 33 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất

Thứ tư, ngày 13/10/2010 15:01 PM (GMT+7)
Dân Việt - Tính đến thời điểm được giải cứu sáng 13-10, 33 thợ mỏ Chile đã có 69 ngày sống dưới lòng đất, trong sự mong đợi hồi hộp của cả thế giới.
Bình luận 0

>> Ngày 5-8, khi các thợ mỏ đang ở độ sâu khoảng 700m của khu mỏ khai thác vàng và đồng ở San Jose, cách thành phố Santiago của Chile hơn 800km về phía Bắc thì đất đá bị sụp xuống. 

img 
Bản vẽ mô tả khoang cứu hộ thả xuống từ mặt đất

>> Ngày 22-8, thông điệp “Tất cả 33 người chúng tôi vẫn còn sống” đã được gửi từ độ sâu gần 700m dưới hầm San Jose qua một mũi khoan của các nhân viên cứu hộ, xác nhận 33 thợ mỏ còn sống sau 17 ngày xảy ra sự cố sập hầm. 

>> Trong 17 ngày đầu tiên mắc kẹt dưới lòng đất, cứ hai ngày một lần, các thợ mỏ chỉ ăn hai thìa nhỏ cá ngừ và nhấp một ngụm sữa. 

>> Sau khi nhận được mẩu giấy từ 33 thợ mỏ trong lòng đất cho biết họ vẫn còn sống, các nhân viên cứu hộ đã thả camera xuống độ sâu 600m để ghi hình ảnh ở dưới đó và thấy các thợ mỏ ở dưới đó vẫn có vẻ lạc quan, vui vẻ. 

>> Khi có thể đưa đồ tiếp tế xuống, điều đầu tiên các thợ mỏ yêu cầu là... bàn chải đánh răng. Đội cứu hộ giúp họ liên lạc với người thân trên mặt đất bằng cách viết giấy, đưa lên đưa xuống thông qua đường ống từ lỗ khoan. 

>> Thức ăn, nước uống, oxy, thuốc men, máy nghe nhạc và cả tivi mini đã được đưa xuống cho các thợ mỏ bị mắc kẹt qua ba lỗ thoát nhỏ. 

>> 27 ngày sau khi sập hầm, 33 thợ mỏ Chile đã nhận được bữa “ăn tươi” đầu tiên. Thịt viên, thịt gà và cơm được đưa xuống độ sâu khoảng 700m qua một đường ống. Trước đó, các nạn nhân vẫn chưa thể hấp thụ thức ăn đặc vì bị đói quá lâu và chỉ cầm cự bằng cách uống viên dinh dưỡng. 

>> Các thợ mỏ được chia thành nhóm 4 người và mỗi nhóm có “nhiệm vụ” riêng, chẳng hạn như một nhóm lo nhận thức ăn, nước uống, thuốc men… từ mặt đất đưa xuống, nhóm khác coi sóc các thanh cột chống hầm. 

>> Một thợ mỏ sẽ quản lý giờ giấc ăn uống của mọi người, trong khi người khác phải chịu trách nhiệm nhắc nhở cả nhóm uống thuốc đúng giờ. Nhờ có chiếc đồng hồ báo thức mới được đưa xuống, các thợ mỏ hiện không còn phải ước lượng thời gian giữa ngày và đêm như ban đầu. 

>> Vợ của Ariel Ticona, một trong 33 thợ mỏ đang bị mắc kẹt, đã hạ sinh cô con gái kháu khỉnh ngày 14-9 và đặt tên Esperanza, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Hi vọng”. 

>> Ngày 18-9, 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt đã cùng nhau kỷ niệm 200 năm Ngày Độc lập của Chile dưới độ sâu 700m trong lòng đất. 33 thợ mỏ đã cùng nhau hát quốc ca và nhảy múa trước một tấm vải màu đỏ có đính cờ của Chile được gắn vào vách đất. Nhân dịp này, một bữa ăn truyền thống trong Ngày Độc lập của Chile - gồm sườn nướng, thịt bò phi lê và cánh gà rán - đã được gửi xuống để động viên các thợ mỏ.

>> Ngày 25-9, lực lượng cứu hộ Chile đã mang chiếc lồng cứu hộ Phoenix tới khu mỏ San Jose. Chiếc lồng cứu hộ Phoenix cao gần 1,9 m, nặng 420 kg và đủ sức chứa một người đàn ông cao to. Chiếc lồng còn được trang bị bình ôxy, thiết bị liên lạc, được sơn màu đỏ, trắng và xanh như màu cờ Chile. 

>> Khi hoàn tất sự chuẩn bị cuối cùng, hai nhân viên cứu hộ sẽ xuống trước bằng lồng Phoenix Capsule để kiểm tra sức khỏe cho các thợ mỏ rồi đưa họ lên. Mỗi chuyến đi lên mặt đất sẽ mất khoảng 15 phút.

>> Trong vòng 6 tiếng đồng hồ trước khi quá trình giải cứu bắt đầu, các thợ mỏ sẽ phải chuyển sang chế độ ăn nhẹ và bổ sung vitamin. Đây là cách để giúp họ thích nghi trong quá trình được đưa lên mặt đất.

>> Mỗi một thợ mỏ được đưa lên mặt đất sẽ trải qua hai giờ kiểm tra sức khỏe tại một lều y tế dã chiến. Sau đó, những thợ mỏ này sẽ được trực thăng chở đến bệnh viện lớn ở thị trấn Copiapo. Thợ mỏ nào có sức khỏe đủ tốt sẽ được cho phép gặp mặt người thân ở khu riêng trước khi được đưa đến bệnh viện.

>> Một bệnh viện dã chiến đã được dựng cạnh lỗ khoan để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những người thợ này. Hai bãi đáp trực thăng cũng được chuẩn bị để đảm bảo việc chuyên chở khi cần thiết.

>> Một công ty Mỹ đã tài trợ những cặp kính đặc biệt giúp bảo vệ mắt cho thợ mỏ khi lên mặt đất, lần đầu tiên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sau hai tháng sống trong bóng tối.

>> 8 giờ sáng 13-10 (giờ Hà Nội), lồng giải cứu 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt trong lòng đất ở độ sâu 700m bắt đầu được thả xuống.

>> 10 giờ 10 phút sáng 13-10, thợ mỏ đầu tiên Avalos đã lên đến mặt đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem