Tổ Khuyến nông cộng đồng "bắt tay" với doanh nghiệp xây dựng vùng cà phê bền vững, đạt chuẩn quốc tế

Hoàng Lộc Thứ sáu, ngày 24/11/2023 17:29 PM (GMT+7)
Các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) đã liên kết chặt chẽ cùng các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà chuyển giao công nghệ để kết nối, tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho các HTX và người nông dân, qua đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và giá trị gia tăng của cà phê tại Tây Nguyên.
Bình luận 0

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo KNCĐ trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại Tây Nguyên.

Xây dựng vùng cà phê đạt chuẩn quốc tế

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau gần 2 năm triển khai đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ", đã có 26 tổ KNCĐ được thành lập tại 13 tỉnh. Trong đó có 8 tổ KNCĐ tại 4 tỉnh Tây Nguyên có vùng nguyên liệu cà phê lớn gồm Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum và Đăk Nông.

Các tổ KNCĐ này đã liên kết chặt chẽ cùng các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà chuyển giao công nghệ để kết nối, tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho các HTX và người nông dân. Qua đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và giá trị gia tăng của cà phê, đồng thời hỗ trợ các HTX và người nông dân tiếp cận thị trường, tín dụng và các chương trình, dự án liên quan.

Tổ Khuyến nông cộng đồng hỗ trợ phát triển cà phê bền vững - Ảnh 1.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng bà con nông dân tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Đ.T

"Sau khi chúng ta đã hình thành được tổ KNCĐ và đặc biệt đã kêu gọi các lực lượng xã hội quan tâm thì phải có giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ này".

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Một trong những hoạt động chính của các tổ KNCĐ tại các tỉnh Tây Nguyên là hỗ trợ các HTX sản xuất cà phê bền vững, theo bộ quy tắc 4C (bộ quy tắc sản xuất cà phê bền vững được công nhận quốc tế), từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế… 

Đơn cử, tại tỉnh Kon Tum, 2 tổ KNCĐ đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và biên bản thỏa thuận hợp tác với 373 hộ nông dân trong sản xuất và bao tiêu gần 2.000 tấn cà phê nhân 4C.

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã hỗ trợ toàn bộ chi phí kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận 4C cho các hộ nông dân. Đến nay các tổ KNCĐ đã hỗ trợ cho Vĩnh Hiệp mở rộng thêm gần 570ha cà phê đạt chuẩn 4C.

Theo ông Đới Văn Cương - Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), từ khi thành lập đến nay, 2 tổ KNCĐ xã Đăk Mar và Hà Mòn đã có những hoạt động nhất định, điển hình là phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; triển khai 3 mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê vối, tái canh cà phê vối bền vững, trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê vối tại huyện Đăk Hà. Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Hà thực hiện mô hình trồng mắc ca với diện tích 50ha.

Đặc biệt, năm 2023, tổ KNCĐ xã Hà Mòn đã hỗ trợ Công ty triển khai 21 lớp tập huấn về sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C với sự tham gia của 840 hộ nông dân.

Tương tự, tại Đăk Lăk, 2 tổ KNCĐ thành lập thí điểm đã ký liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê. Tại Đăk Nông, 2 tổ KNCĐ thí điểm đã thực hiện ký biên bản thỏa thuận với một số công ty, HTX về bao tiêu sản phẩm.

Tăng cường năng lực cho tổ KNCĐ

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên các tổ KNCĐ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ: Liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo chuyển đổi số và nhiệm vụ chính trị khác. Trên thực tế các tổ KNCĐ chủ yếu làm nhiệm vụ kết nối các bên.

Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Trang thiết bị và kinh phí làm việc còn thiếu; thiếu sự quản lý tổ KNCĐ (giám sát hoạt động, chế độ báo cáo và kiểm tra hoạt động của tổ...); chưa có sự phân cấp rõ ràng trong việc hướng dẫn thành lập tổ (giữa khuyến nông và các bên liên quan khác).

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết: Khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí hoạt động. Về phía tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch khuyến nông để hỗ trợ các chính sách cho tổ KNCĐ, trong đó lồng ghép với các dự án để hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng bao bì nhãn mác cho thương hiệu cà phê. Hỗ trợ các chính sách phát triển hợp tác xã và các sản phẩm OCOP, chính sách tín dụng gắn với các tổ KNCĐ…

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng khó khăn nhất hiện nay là năng lực khuyến nông cơ sở chưa đồng đều. Có những nơi, năng lực khuyến nông tốt sẽ kết nối, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cà phê. Ngược lại, năng lực khuyến nông cơ sở hạn chế sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, cần phải tăng cường đào tạo cho đội ngũ khuyến nông cơ sở. 

"Mong muốn của chúng tôi sẽ xây dựng các tổ KNCĐ để làm sao kết nối được giữa các nhà chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ" - ông Thanh bày tỏ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem