Tổ chức lễ hội đầu năm 2014: Bó tay với nạn đổi tiền lẻ

Thứ năm, ngày 13/03/2014 07:23 AM (GMT+7)
Việc đổi tiền lẻ tại lễ hội là vấn đề nhức nhối, không dễ giải quyết, đặc biệt là vẫn chưa có chế tài để xử phạt, là thừa nhận của ông Vương Duy Bảo - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) hôm 12.3 tại buổi sơ kết về tổ chức và quản lý lễ hội đầu năm 2014.
Bình luận 0
Nhức nhối chuyện tiền lẻ ở đền, chùa...

Để có được các kỳ lễ hội 2014 diễn ra ra vui tươi, lành mạnh, an toàn và triệt để đảm bảo vấn đề thực hiện nếp sống văn minh, Bộ VHTTDL đã ra rất nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội.

Có thể kể ra các văn bản về việc sử dụng hợp lý tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng; hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích…

Dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động công khai tại Đền Bà Chúa Kho.
Dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động công khai tại Đền Bà Chúa Kho.

Đặc biệt, Bộ VHTTDL phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Công văn số 9478 ngày 18.12.2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Bộ đã chọn nhiệm vụ đột phá trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014 là sử dụng hợp lý, đúng mục đích tiền có mệnh giá nhỏ trong việc đặt tiền lễ, tiền công đức.

Thế nhưng hầu như tất cả tại các điểm lễ hội như: Chùa Hương, Đền Trần, Chùa Keo, Phủ Giày… việc đổi tiền lẻ vẫn rất ngang nhiên, thậm chí mức giá chênh lệch đổi tiền còn tăng cao hơn mọi năm, 10 đổi 8, 10 đổi 7 và 10 đổi 5. Lý giải thực tế trên, ông Vương Duy Bảo nhấn mạnh rằng đến nay vẫn chưa có chế tài để có thể xử lý nghiêm việc này tại các kỳ lễ hội.

Đồng quan điểm, ông Phan Đình Tân – Chánh văn phòng Bộ VHTTDL nói: “Việc đổi tiền lẻ là vấn đề nan giải của mỗi kỳ lễ hội, không chỉ có người dân, các phóng viên bức xúc, các nhà khoa học hay chúng tôi cũng đều bức xúc. Tôi đã từng nghe một nhà khoa học nói, rắc tiền lẻ khi đi chùa, đi lễ hội là do nhận thức của xã hội, người dân tưởng rằng cứ rải và rắc tiền lẻ là cầu được phúc, lộc. Và nhìn từ hành động đó, các bạn sẽ thấy, có vẻ như chính mình đang đi “hối lộ” Phật, bức ép thần thánh để cầu xin lộc cho bản thân, tư lợi cho riêng mình chứ không phải là nét văn hóa đi chùa cầu bình an cho gia đình, bạn bè, người thân.

Và như vậy, thật đáng buồn vì văn hóa tâm linh của chúng ta lại bị rẻ rúng đến như thế”. Tuy nhiên, theo ông Tân, nói đi cũng phải nói lại, việc đổi tiền lẻ, đi lễ rải tiền lẻ vẫn là một tiềm thức khó sửa trong nhiều người. Ngay cả trong chúng ta, những người công chức nhà nước cũng bị quan niệm cứ đầu năm là đi đổi sẵn tiền lẻ để đi chùa, đi lễ... Do đó, việc bài trừ đổi tiền lẻ không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý mà các nhà báo hãy cùng các cơ quan quản lý tích cực tuyên truyền, phân tích để người dân có thể hiểu mặt trái của việc đổi tiền, rắc, rải tiền lẻ khi đi lễ hội.

Còn nhiều tồn tại, bất cập

Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, ngoài tình trạng đổi tiền lẻ vẫn công khai và hỗn độn tại các lễ hội thì những mặt khác như công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số lễ hội vẫn chưa được đảm bảo, hiên tượng chen lấn, xô đẩy, dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng (dễ biến tướng cờ bạc trá hình) còn diễn ra ở một số lễ hội. Tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, việc bày bán thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, treo thịt gia súc, gia cầm sống rất phản cảm như tại Chùa Hương, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Phủ Giày, Chợ Viềng, Đền Trần (Nam Định)...

"Việc đổi tiền lẻ, đi lễ rải tiền lẻ vẫn là một hành động khó sửa trong nhiều người. Ngay cả trong chúng ta, những người công chức nhà nước cũng bị quan niệm cứ đầu năm là đi đổi sẵn tiền lẻ để đi chùa, đi lễ”.
Ông Phan Đình Tân- Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL

Việc thực hiện nếp sống văn minh tại một số lễ hội chưa cao, hiện tượng ăn xin, dùng người khuyết tật đi bán hàng lưu niệm, bán tăm từ thiện, chèo kéo khách viết sớ, dâng sớ, khấn thuê, xem tay, xem tướng vẫn còn diễn ra ở một số di tích, lễ hội như: Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Giày (Nam Định)...

Đại diện Bộ VHTTDL cũng nhận định việc quy hoạch hàng quán dịch vụ trong khu vực lễ hội, di tích chưa được kịp thời chú trọng, các hàng quán dịch vụ hoạt động sát cạnh di tích (khu vực I) vẫn còn xảy ra tại một số di tích, các khu vực bãi đỗ xe chưa được quy hoạch, nâng cấp đảm bảo khoa học, thái độ phục vụ còn thiếu văn minh lịch sự. Các công trình phụ trợ cho lễ hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng; các dịch vụ phục vụ lễ hội chưa cao và còn mang tính mùa vụ… đúng như sự phản ánh của báo chí trước đó.

Đáng chú ý, theo cán bộ của thanh tra Bộ VHTTDL, tổ thanh tra của Bộ đã đi kiểm tra trước, trong và sau lễ hội nhưng không xử lý được trường hợp nào, bởi thanh tra không thể ra quyết định xử lý giống như bên cảnh sát giao thông hay bên môi trường. Ví dụ có trường hợp đeo hẳn một túi tiền lẻ, nhưng thanh tra cũng không thể xử phạt mà chỉ lập biên bản tại chỗ.
Huy Hoàng (Huy Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem