Xe máy ơi, chào mi!

Lê Ngọc Sơn Thứ tư, ngày 28/09/2016 10:00 AM (GMT+7)
Ngập lụt do thiên tai và những yếu kém của hệ thống thoát nước đô thị tất nhiên không phải lỗi của xe máy. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, xe máy cũng đóng góp rất nhiều phiền toái trong đời sống đô thị.
Bình luận 0

Đến trưa ngày 27.9,  bãi xe chứa hơn 1000 xe máy tại đường Nguyễn Siêu, quận Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh, vẫn còn ngập trong bể nước sâu 1 mét. Đó chỉ là một trong rất nhiều xe máy ngập trong nước sau cơn mưa lịch sử trút xuống thành phố ngày 26.9. 

Loại bỏ văn hoá dùng xe máy là việc nên làm và sớm hay muộn rồi cũng phải làm, nếu muốn có đô thị hiện đại và giải quyết được bài toán ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Có rất nhiều điều cần trao đổi trước khi đặt câu hỏi: Không có xe máy thì đi bằng gì?

img

Bãi giữ xe trên đường Nguyễn Siêu, quận 1 ngập khiến hơn 1.000 xe máy hư hỏng.

Với số lượng hàng triệu chiếc xe máy, tắc đường là chuyện xảy ra như cơm bữa. Ai đó nói rằng nên mở rộng đường, cũng là một giải pháp, nhưng biết mở khi nào cho đủ khi số lượng người dân sống ở đô thị ngày một tăng, và lượng xe máy ngày một nhiều? Hàng triệu chiếc xe máy cũng đồng nghĩa với hàng triệu cái ống xả đang vô tư xả thải vào không khí, thứ mà chúng ta phải hít thở mỗi ngày. Xe máy thực sự đang là bài toán đau đầu với các xã hội đang phát triển như Việt Nam.

Về mặt dài hạn, chính sách cơ bản cần có là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thay vì phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy), đặc biệt là xe máy. Các hàng rào kỹ thuật (phí, thuế…) cần được dựng lên để giải quyết bài toán dân sinh này. Tuy nhiên, chính sách cần có tầm nhìn dài hạn. Vừa qua, chính sách cấm người ngoại tỉnh đi xe máy vào Hà Nội, về mặt kỹ thuật chính sách thì đó là một kỹ thuật yếu. Nó thiếu đi sự khôn ngoan về chính trị cần có của người làm chính sách. Hà Nội không của riêng ai, và thử hỏi nếu các tỉnh cũng cấm biển xe Hà Nội đi vào tỉnh họ, thì sẽ ra sao?!

Phải có một lộ trình cho việc hạn chế xe máy. Trước mắt, cần gấp rút cải tiến chất lượng dịch vụ giao thông công cộng. Chẳng hạn, xe buýt cần được chấn chỉnh về chất lượng và hành vi của nhân viên, môi trường công cộng (chẳng hạn chống trộm cắp, móc túi...). Nếu xây dựng được một môi trường xe buýt văn minh, hấp dẫn, thì ai cũng muốn tham phần vào một sự văn minh đang đến. Về việc này, hãy học KFC, một hãng thức ăn nhanh là một ví dụ điển hình. KFC bản chất là bán món gà công nghiệp rán, nó chắc chắn không ngon hơn và rẻ hơn gà ta vốn là “đặc sản” của người Việt, vậy nhưng tại sao người trẻ vẫn chen nhau để được ăn ở các cửa này? Phải chăng người trẻ muốn tham dự vào một thứ đến từ xứ văn minh, cái họ muốn chưa hẳn là thịt gà, cái họ khát khao là được tham phần vào sự văn minh, mình được xem là “có đẳng cấp”(?).

Các tuyến metro cần thúc đẩy và đảm bảo kỉ luật tiến độ, Các tuyến metro cần được đồng bộ về chất lượng và sự tiện ích nhằm hấp dẫn người sử dụng. Tôi đã sử dụng dịch vụ metro của Đức, Pháp, Áo, Bỉ, Hà Lan, Ý, Séc,.v.v… sự tiện lợi của các metro này từ việc mua vé, đến lựa chọn các điểm đi đến… khiến suy nghĩ về sử dụng phương tiện cá nhân bị lu mờ.

Về dài hạn, cần phát triển các đô thị vệ tinh, công bằng trong đầu tư công giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận. Khi đó, dân số sẽ được giãn ra, lực lượng lao động sẽ bị hút bớt về các đô thị vệ tinh này, chia sẻ bớt “gánh nặng” và áp lực dân số cho các đô thị lớn.

Đặc biệt, chính quyền TP cần xây dựng chiến lược truyền thông thay đổi hành vi cho người dân, ngay từ bây giờ. Những quan điểm thủ cựu như: “Dân mình khó khăn lắm mới mua được một chiếc xe máy, giờ mua được lại cấm, như vậy là không công bằng?!” cần được thuyết phục một cách tường tận. Giải thích cho họ hiểu, sử dụng xe buýt, metro… là một quyền lợi cần được hưởng của những người dân ở các đô thị văn minh? Khi người dân có thói quen sử dụng dịch vụ công cộng, họ sẽ từ chối sử dụng phương tiện cá nhân, vốn đắt đỏ và nguy hiểm hơn.

Thêm nữa, có không ít người viện dẫn cớ: nếu phải dùng dịch vụ giao thông công cộng, sẽ phải đi bộ rất xa, không tiện lợi như xe máy. Quan điểm này có lẽ cần được thuyết phục bằng các giới thiệu các mô hình giao thông công cộng văn minh ở các nước phát triển. Không có đô thị hiện đại nào ở các quốc gia phát triển mà người dân không phải đi bộ, thậm chí đi bộ 1-2km để đến các trạm xe buýt, metro. Nhìn ở góc độ tích cực, điều này là bình thường, thậm chí tốt cho sức khoẻ. Về mặt nào đó, chính nét đặc trưng của giao thông đô thị văn minh này, giúp cho tư duy lập kế hoạch của chúng ta thay đổi. Nếu tôi biết ngày mai tôi muốn làm gì, hôm nay tôi sẽ xác định lịch trình ngày mai tôi sẽ đi những đâu, khung giờ nào là hợp lý nhất. Đó là một thói quen của văn minh công nghiệp mà ta cần hướng tới.

Các giải pháp trên ắt hẳn sẽ gặp áp lực rất lớn từ những nhà dân tuý và sự lobby những nhà sản xuất, buôn xe máy, xăng dầu. Nhưng trong tình thế hiện nay của đô thị Việt Nam, và chất lượng môi trường tại đó, không có con đường nào khác.

Cố làm hài nhau lòng nhau để cùng chết trong ngập ngụa khói bụi xe cộ, tắc ứ giao thông, khốn khổ vì một trận ngập lụt và sự tụt hậu, hay nghĩ khác để vươn lên tiếp cận chất lượng sống cao hơn, đó là lựa chọn của chúng ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem