Tìm phương án “vực dậy” nền kinh tế sau dịch bệnh

Lê Thúy Thứ năm, ngày 13/02/2020 06:10 AM (GMT+7)
Hàng loạt khó khăn bỗng dưng bủa vây các ngành kinh doanh, trong đó, nông nghiệp và du lịch trở thành “vùng trũng” chịu tác động của virus Corona. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có gói kích thích kinh tế sau dịch để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, đồng thời thúc đẩy kinh tế “bật dậy”. Tuy nhiên, hỗ trợ phải đúng và trúng.
Bình luận 0

Hỗ trợ phải đúng và trúng

Một số giải pháp gỡ khó đã được đưa ra, như Ngân hàng Nhà nước giải quyết về vốn. Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều cuộc họp bàn gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhưng như vậy chưa đủ.Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch virus Corona đã bắt đầu gây ra những tác động trực tiếp và gián tiếp tới kinh tế Việt Nam. Nếu dịch được khống chế trong quý I, tăng trưởng GDP quý này có thể chỉ đạt 3,8% thay vì mục tiêu 6,52% mà Chính phủ đề ra.Vấn đề là sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ có những kịch bản phát triển như thế nào để lấy lại đà tăng trưởng?

Khi được hỏi liệu Chính phủ có cần tung ra một gói kích thích kinh tế hay không? nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra gói hỗ trợ sau dịch là cần thiết xét cả về mặt kinh tế và xã hội. Bởi đó không chỉ là nguồn lực để giúp các lĩnh vực khó khăn, doanh nghiệp thiệt hại do dịch bệnh phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mà hơn thế nữa là đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng quan điểm, song Đại biểu Quốc hội đồng thời Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, gói kích thích có thể cần thiết nhưng cần đúng đối tượng, trúng vấn đề. Ông nhấn mạnh việc triển khai gói thế nào mới là quan trọng để gặp được đối tượng cần hỗ trợ, tạo hiệu quả cho nền kinh tế.

img

Nhà máy Lavifood thu mua thanh long hỗ trợ nông dân để đưa vào chế biến. (ảnh: internet)

“Gỡ khó cho doanh nghiệp là việc cần làm ngay và có thể kéo dài. Nhưng phải thận trọng, cần bốc thuốc đúng bệnh, đúng lúc, nếu không sẽ phát sinh phản ứng phụ. Như năm 2009, nền kinh tế chựng lại do các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát cao của những năm trước đó, Việt Nam đã từng đưa ra gói kích cầu kinh tế. Chúng ta cũng có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến khích như đánh bắt xa bờ, đóng tàu thép, chống hạn mặn, hỗ trợ lãi suất... và phần lớn đều phát sinh nhiều hệ lụy như nợ khoanh, nợ treo, nợ xấu tăng, sau này tốn kém công sức để giải quyết. Vì thế, bài học rút ra là không vội vã, phải thận trọng để bốc thuốc đúng liều. Khó đến đâu gỡ đến đó, tìm đúng thuốc để hỗ trợ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất”- ông Ngân phân tích. 

Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành”.
TS Nguyễn Đức Thành

TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, trong thời gian gấp gáp như thế này, tình hình ngân sách hạn hẹp hiện nay, và trong lúc toàn dân phải đối phó với những khía cạnh khác nhau của bệnh dịch do virus Corona gây ra, thì không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa rằng, doanh nghiệp không “mong” có được các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong ngắn hạn, theo ông Sơn, Chính phủ có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch cúm Corona như nông nghiệp, du lịch vốn vay, tạm thời khoanh nợ, giảm lãi suất. Không chỉ ngân hàng mà ngành thuế cũng cần nhanh chóng nghiên cứu các quy định để có thể miễn, giảm thuế cho những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như du lịch, thương mại, hàng không, nông nghiệp... Việc miễn giảm thuế phải thực sự mang tính hỗ trợ, không theo kiểu doanh thu giảm - thuế nộp ít đi.

Dưới góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) nêu quan điểm, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác hoặc hỗ trợ kém hiệu quả.

Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô; các cơ quan chức năng nên đánh vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành. Các giải pháp vĩ mô mới mang tính hiệu quả hơn cả trong bối cảnh ngành bị tổn thương vì rủi ro nhất định.

Hỗ trợ để chuyển dịch cơ cấu

Trên thực tế, nền kinh tế xảy ra những rủi ro vĩ mô và bất khả kháng, đối tượng trực tiếp chịu rủi ro là doanh nghiệp. Họ sẽ phải chấp nhận chuyển đổi thị trường, thậm chí chấp nhận thất bại và phục hồi. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, không ít chuyên gia thừa nhận, nếu có gói kích thích kinh tế thì cần phải tính đến “đường dài” và là cơ hội tốt nhất để chúng ta đưa ra một gói hỗ trợ để chuyển dịch cơ cấu.

Chúng ta phải có cách làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển từ sản xuất manh mún theo kiểu thương lái hiện nay sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nói đi nói lại rất nhiều mà chưa làm được”.
 TS Đặng Kim Sơn

“Hỗ trợ không thể làm theo kiểu dàn trải mà quan trọng là ưu tiên theo khâu nào mới là quan trọng và hướng tiếp cận ưu tiên là phải tính đến chuyển dịch cơ cấu trong mắt xích chuỗi giá trị và chuyển dịch chuỗi cơ cấu về ngành. Chúng ta nên đặt câu hỏi, liệu dịch Corona còn phát sinh trong tương lai hay không, và những tổn hại của dịch này nằm ở khâu nào thì bây giờ phải chuyển dịch khâu đó theo hướng khác. Đó là cơ hội để định hình lại cơ cấu và chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp Việt đang tham gia vào”- chuyên gia kinh tế Phạm Quốc Khánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, gói hỗ trợ có thể là công cụ để Chính phủ định hướng việc chuyển dịch cơ cấu, nghĩa là hỗ trợ cho sản xuất tương lai nhiều hơn là bù đắp những thiệt hại trong quá khứ.

Ông Doanh lấy ví dụ có thể hỗ trợ một phần nào đó cho những người trồng thanh long, dưa hấu… thiệt hại bởi dịch. Nhưng căn cơ hơn, cần hỗ trợ họ để chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, nâng cao giá trị hàng nông sản, để xuất đến những thị trường khó tính hơn, tạo thu nhập cao hơn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Điển hình như việc tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu từ Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam cần tích cực đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những bạn hàng mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

“Chúng ta phải có cách làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển từ sản xuất manh mún theo kiểu thương lái hiện nay sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nói đi nói lại rất nhiều mà chưa làm được”- TS Đặng Kim Sơn khuyến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem