Tăng tuổi nghỉ hưu: Phân tách đối tượng để điều chỉnh phù hợp

Thùy Anh (thực hiện) Thứ ba, ngày 17/09/2019 07:30 AM (GMT+7)
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt trao đổi với ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, về đề xuất chuyển tăng tuổi nghỉ hưu sang nhóm lao động là cán bộ, công chức, viên chức.
Bình luận 0

img

Quan điểm của ông về  chuyển vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sang quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức như thế nào?

- Hiện nay ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới chú ý tới việc đưa ra các giải pháp, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mà chưa chú trọng nghiên cứu sâu vào việc đánh giá tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu và tâm lý của người chịu tác động. Chính bởi vậy chưa đưa ra được lộ trình, cách thức tăng phù hợp và chưa tạo được sự đồng thuận cao trong người lao động.

img

  Lao động nữ tại Công ty sản xuất Giày Hong Fu, Thanh Hóa).  Ảnh:  M.N

"Khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp các khó khăn, ít nhận được sự đồng tình của người lao động, chứ không riêng gì Việt Nam”.

Ông Phạm Minh Huân

Theo tôi, không nên bàn chuyện tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu nữa vì đây là xu thế rồi. Đã là xu thế thì ta phải thuận theo. Vấn đề giờ cần bàn vào việc tăng thế nào, đánh giá lại tác động của tăng tuổi nghỉ hưu ra sao để hạn chế tác động với lao động yếu thế, lao động có nguy cơ. Ví dụ như: Lao động làm việc trong môi trường độc hại, lao động không có chuyên môn kỹ thuật, lao động suy giảm sức khỏe lao động… nên về hưu ở độ tuổi nào?

Cần có lộ trình từng bước, tránh tăng đồng loạt cả nam và nữ, cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp, lao động trong doanh nghiệp và lao động là cán bộ, công chức viên chức…. Còn về cách thức tăng thế nào thì Bộ LĐTBXH nên xem xét lại và theo tôi không cần chuyển vấn đề sang Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Ông đánh giá thế nào về mâu thuẫn trong việc xây dựng chính sách lao động. Cụ thể là đề xuất tăng cống hiến (nâng tuổi nghỉ hưu) mà phần lợi ích (tăng lương hưu) lại chưa hấp dẫn khiến lao động không đồng tính?

-Tôi nghĩ điều này không hề có sự mâu thuẫn. Như trên đã nói, tăng tuổi nghỉ hưu, ngoài việc đảm bảo cân bằng của quỹ hưu trí, tăng tiền lương hưu cho người lao động (dựa trên cơ chế đóng hưởng - đóng nhiều hưởng nhiều) thì điều quan trọng hơn là giúp Việt Nam thích ứng với già hóa dân số. Tuy nhiên, rõ ràng dự thảo về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cùng với những thiết kế chính sách của chúng ta trong việc này là chưa phù hợp, nên người lao động mới không đồng thuận.

Vậy theo ông, cần phải thiết kế chính sách tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng nào để tạo sự đồng thuận cho đại đa số lao động?

- Như đã phân tích ở trên, ngoài việc đánh giá tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu để tìm ra được bước đi, lộ trình cụ thể thì chúng ta cũng cần phải tính toán lại góc độ con người. Cụ thể xem trình độ, sức khỏe, tay nghề, năng suất… của lao động Việt Nam có đáp ứng được với tăng tuổi nghỉ hưu không, từ đó có sự chuẩn bị tâm lý cho lao động, doanh nghiệp.

Quan điểm cá nhân tôi thì cho rằng nên phân tách các đối tượng để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo đó, đối tượng đầu là cán bộ, công chức, viên chức và lao động kỹ thuật cao nên tăng trước, tiếp sau điều chỉnh lao động sản xuất trực tiếp. Đối với nhóm 2 này cần làm chậm, dựa vào sự phát triển của điều kiện kinh tế- xã hội và sự cải thiện của môi trường làm việc để tính toán tăng tuổi nghie hưu.

Xin cảm ơn ông!                     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem