Sổ hộ khẩu “lỗi thời”, bỏ đi sẽ tránh được tiêu cực, phiền hà

Thành An Thứ ba, ngày 07/11/2017 19:42 PM (GMT+7)
Sổ hộ khẩu chỉ phù hợp với thời kỳ quản lý hành chính bao cấp, thời kỳ công nghệ thông tin chưa phát triển. Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ tránh được nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp và tránh được nhiều tiêu cực, vi phạm…
Bình luận 0

Câu chuyện bỏ hộ khẩu đã được bàn đến nhiều năm nay từ chủ yếu là phía người dân, phía những người chịu tác động tiêu cực từ “gông cùm” hộ khẩu khá đặc thù ở Việt Nam.

Gần đây, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, trong đó quy định “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”, nhiều bạn đọc báo Dân Việt thắc mắc: Mã số định danh cá nhân là gì? Mã số đó chứa đựng những thông tin cá nhân gì? “Số phận” của sổ hộ khẩu, CMND, thẻ căn cước công dân sẽ ra sao?...

img

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) để bạn đọc nắm rõ hơn.

Thưa luật sư, việc Chính phủ “đồng ý” bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân (CMND) - ông có bình luận gì về việc này?

- Ngày 30.10.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến việc quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó, các thủ tục hành chính được cắt giảm trong nhiều lĩnh vực, hàng loạt các thủ tục hành chính đã bỏ, không cần xuất trình sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân…

Đây là điểm tiến bộ rõ rệt trong vấn đề đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính của nước ta hiện nay. Bởi lẽ trước đây, liên quan bất kỳ vấn đề gì, người dân cũng phải xuất trình sổ hộ khẩu, CMND, các giấy tờ liên quan để xác nhận các thông tin cá nhân, nhân thân.

img

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến việc quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Việc thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân, nghĩa là bỏ tờ giấy, bỏ thủ tục thủ công mà thay vào đó là quản lý bằng công nghệ, tạo nên một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng công nghệ vào đời sống người dân.

Khi mỗi người dân có một mã số định danh thì lúc đó các cơ quan quản lý một cách rất dễ dàng, người dân khi đó cũng thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tránh mất thời gian xin đi xác nhận liên quan đến thủ tục, giấy tờ.

Mặt khác, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là cách giảm bớt sự nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, song hành cùng với việc công nghệ thông tin, internet phát triển mạnh mẽ, thì việc quản lý cá nhân bằng công nghệ, bằng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia là phù hợp với tình hình chung.

Trên thế giới, từ rất lâu đã có rất nhiều quốc gia áp dụng phương pháp này, vừa có thể quản lý dân cư một cách có hệ thống, linh hoạt, vừa giúp người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.

Theo quy định, mỗi công dân được cấp một căn cước công dân có một số định danh cá nhân không trùng với người khác. Khi tham gia các giao dịch hành chính thì cá nhân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân thay thế các loại giấy tờ cá nhân tùy thân khác. Số định danh cá nhân thể hiện toàn bộ lý lịch, thông tin của một công dân.

Sổ hộ khẩu không còn phù hợp với tình hình, bối cảnh đất nước hiện nay, thưa luật sư?

- Sổ hộ khẩu chỉ phù hợp với thời kỳ quản lý hành chính bao cấp, thời kỳ công nghệ thông tin chưa phát triển, sự giao lưu, tương tác giữa các cá nhân trong xã hội chưa nhiều...

Còn ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều số hóa các giữ liệu để quản lý dân cư, người ta chỉ dùng thẻ căn cước và các thông tin được số hoá để quản lý, xác định nhân thân con người chứ không "thần thánh hóa" sổ hộ khẩu như chúng ta.

img

Việc làm sổ hộ khẩu còn nhiều thủ tục rườm rà và tồn tại nhiều tiêu cực.

Hiện nay, hầu hết các thủ tục hành chính đều bắt buộc phải có hộ khẩu. Trong khi đó, cuộc khảo sát do Ngân hàng thế giới và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông công bố đã cho thấy, có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỉ lệ ở TP.HCM lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%...

70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ này làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng.

Vậy theo luật sư việc bỏ sổ hộ khẩu là cần thiết?

- Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu là cần thiết và nên làm càng sớm càng tốt. Chỉ cần thẻ căn cước và các dữ liệu được số hoá là có thể quản lý dân cư hiệu quả, khoa học và tiến bộ.

Bỏ sổ hộ khẩu sẽ cởi trói được rất nhiều thủ tục hành chính rườm ra, phức tạp, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền tự do cơ bản mà hiến pháp đã quy định, tạo sự bình đẳng giữa các công dân trong các mối quan hệ hành chính, pháp lý.

Thưa luật sư, việc bỏ hộ khẩu, CMND sẽ tác động ra sao đến đời sống người dân?

- Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cụ thể là bỏ sổ hộ khẩu, CMND đem lại nhiều sự thuận lợi cho người dân.

Cụ thể, khi công dân đi giải quyết thủ tục hành chính, không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ như hiện nay, không cần nộp bản chính, bản sao có công chứng mà thông qua mã số định danh cá nhân để giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, rút ngắn thời gian giải quyết và cả chi phí hành chính cho công dân.

img

Thông qua cơ sở liệu quốc gia, công tác quản lý dân cư sẽ linh hoạt, chặt chẽ hơn.

Hơn nữa, hiện nay có nhiều người sống ở các thành phố lớn nhưng hộ khẩu vẫn ở quê. Khi họ mua nhà, lấy vợ, sinh con, làm việc trên các thành phố nhưng hộ khẩu ở quê, vì vậy để muốn thi tuyển công chức, muốn con học trường trung tâm, muốn đăng ký xe cho tiện… nhiều người không cư trú ở thành phố cũng có hộ khẩu ở thành phố nhờ việc thông qua các đường dây “chạy hộ khẩu” bất minh.

Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ tránh được nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp và tránh được nhiều tiêu cực, vi phạm. Hay trường hợp cá nhân đi xin xác nhận sơ yếu lý lịch tại UBND phường, xã trước đây bắt buộc phải xuất trình sổ hộ khẩu bản gốc nhưng nay người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân. Như vậy sẽ rất thuận tiện cho người dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng không mất thời gian, chi phí xác minh thông tin liên quan đến cá nhân, nhân thân khi giải quyết một vụ việc nào đó. Như vậy, thông qua Cơ sở liệu quốc gia, công tác quản lý dân cư sẽ linh hoạt, chặt chẽ hơn.

Được biết, tới năm 2020 sẽ xây dựng đồng bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Vậy từ nay đến thời điểm đó có cần duy trì sổ hộ khẩu và CMTND?

- Nghị quyết 112 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày ký, nhưng trong Nghị quyết đã quy định giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân theo lộ trình hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, vẫn cần duy trì sổ hộ khẩu và CMND.

Mặt khác, sổ hộ khẩu và CMND vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cước công dân. Việc giải quyết các thủ tục hành chính hiện nay vẫn được tiến hành theo cách cũ.

Xin cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem