Nhìn thấy gì từ điểm Lịch sử, tiếng Anh thi vào lớp 10 tại Hà Nội?

Hà My Chủ nhật, ngày 16/06/2019 16:08 PM (GMT+7)
Phổ điểm của hai môn Lịch sử, Tiếng Anh thi vào lớp 10 tại Hà Nội phản ánh nhiều điều bất ngờ.
Bình luận 0

Môn tiếng Anh từ lâu vốn được coi là môn học "mũi nhọn" của học sinh Hà Nội so với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm môn tiếng Anh của kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2019 - 2020 tại Hà Nội, nhiều người không khỏi "ngỡ ngàng". Cụ thể, chỉ có 55,78% thí sinh đạt điểm trên trung bình, 44,22% thí sinh dưới điểm trung bình. Điều đáng chú ý, đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt nhiều điểm 10 nhất trong 4 môn thi với 1.355 thí sinh (1,59%) và chỉ có 1 thí sinh bị điểm 0, ngoài ra, số điểm mà thí sinh đạt được nhiều nhất là 3.

img

Phổ điểm thi môn tiếng Anh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội.

Theo nhận định của các thầy cô giáo bộ môn tiếng Anh của Trung tâm HOCMAI, đề thi tiếng Anh năm nay khá "dễ thở", có lẽ là vì năm đầu tiên tiếng Anh xuất hiện với vai trò bắt buộc như môn Văn, Toán. Với mức độ đề cơ bản như này, việc 44,22% số thí sinh có điểm dưới trung bình cho thấy trình độ tiếng Anh của phần đông thí sinh còn chưa cao.

Ở góc độ tổ chức thi, đề thi được đánh giá dễ thở nhưng lại không phải là một đề thi hay. Đề thi hay là một đề thi vừa kiểm tra được các kiến thức nền tảng, vừa có sự phân hóa học sinh rõ rệt. Số lượng các câu hỏi phân loại thí sinh đếm trên đầu ngón tay, ngoài ra vẫn còn chưa cân đối về số lượng các câu hỏi kiểm tra từ vựng – ngữ pháp. 

Đối với môn Lịch sử, phổ điểm có thể nói đạt mức cao kỉ lục trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019. Cụ thể, trong 84.908 thí sinh dự thi có tới gần 1/4 đạt điểm từ 8 – 9 điểm, 951 điểm 10, gần 90% số bài thi trên trung bình và không có điểm 0.

img

Phổ điểm thi môn Lịch Sử vào lớp 10 THPT tại Hà Nội.

Năm 2019 lần đầu tiên môn Lịch sử được đưa vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội. Đề thi không yêu cầu học sinh học thuộc lòng sách giáo khoa, nhớ máy móc các số liệu, mốc thời gian mà kiểm tra khả năng tái hiện sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử. Bên cạnh đó còn yêu cầu học sinh nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử và có cái nhìn xuyên suốt các vấn đề để trả lời những câu hỏi khó hơn. 

Có khoảng 10% câu hỏi vận dụng đã giúp cho 19,1% số học sinh đạt điểm 9, 10. Như vậy có thể nói, đề thi vẫn có tính phân loại nhưng mức độ phân loại không cao. Đề thi không có những câu hỏi mang tính thực tiễn nên điểm thi trên đây chỉ phản ánh kiến thức mang tính sách vở chứ chưa đánh giá được khả năng vận dụng kiến thức lịch sử giải quyết vấn đề của học sinh. Đối với đề thi Lịch sử năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trong SGK đã có thể đạt 7 - 8 điểm.

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem