Khai quật bãi cọc thứ 2 có khả năng liên quan tới trận Bạch Đằng

Trần Phượng Thứ sáu, ngày 21/02/2020 10:19 AM (GMT+7)
UBND TP.Hải Phòng vừa có văn bản đồng ý đề xuất của Sở VHTT về việc khai quật khảo cổ khẩn cấp 13 cọc gỗ phát hiện tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Việc khai quật khảo cổ sẽ do Viện Khảo cổ học chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên.
Bình luận 0

Ngày 20/2, Viện Khảo cổ học do Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khai quật 13 chiếc cọc gỗ trong ao nuôi thủy sản của gia đình ông Đào Văn Đến, tại khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, đánh giá tổng thể về chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Công tác khai quật được tiến hành trên diện tích khoảng 400m2, thời gian khai quật đến ngày 31/3/2020.

img

Cán bộ Viện Khảo cổ học tiến hành xác định vị trí khai quật 13 chiếc cọc tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.

Trong thời gian thực hiện việc khai quật bãi cọc nói trên, UBND TP.Hải Phòng yêu cầu cơ quan chức năng chú ý bảo vệ địa tầng của di tích đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. Dựa trên các đánh giá của cơ quan chức năng, UBND TP.Hải Phòng sẽ có phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật thu được.

Theo nhận định ban đầu của Sở VHTT Hải Phòng, khu vực phát hiện số cọc gỗ mới này nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Ao nuôi thủy sản của gia đình ông Đào Văn Đến này vốn là cồn đất nằm chính giữa ngã ba sông nói trên và cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Do đó, có nhiều khả năng, số cọc nói trên nằm trong bãi cọc mà cha ông ta xưa đã dựng lên để chống lại đội quân thuyền chiến của giặc, lập nên chiến thắng Bạch Đằng từ thế kỷ 13.

Theo chia sẻ của người dân thôn 11, trước đây khu vực này còn được gọi là cánh đồng chân cọc vì có rất nhiều cọc.

Ông Đào Văn Đến chia sẻ, gia đình ông mua lại khu đất đầm nói trên từ năm 2014. Trước đây, trong quá trình nuôi thả cá, kéo cá ở ao, gia đình ông đã có lần phát hiện nhiều chiếc cọc nhưng không biết đó là những chiếc cọc có giá trị lịch sử. Gần đây, được biết thông tin về việc những chiếc cọc quý liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng ở xã Liên Khê, khi phát hiện thấy số cọc nói trên, gia đình ông đã trình báo với xã và mong muốn các cơ quan chức năng về khảo sát, lấy mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng.

Ông Đến cho biết thêm, trước khi nhượng ao cá cho gia đình ông, người chủ sử dụng đất cũ cũng đào được hơn 10 chiếc cọc gỗ và một chiếc thuyền gỗ. Nhưng như nhiều người dân khác, do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, họ không biết đó là những chiếc cọc gỗ, thuyền gỗ quý, có liên quan đến lịch sử nên không trình báo chính quyền địa phương.

Ông Hoàng Văn Hiệp (60 tuổi, hàng xóm của gia đình ông Đến, sống hơn 20 năm tại khu Đầm Thượng) chia sẻ, ngày còn nhỏ ông thường bắt tôm, cá khu vực đầm này, sau đó cày bừa, cấy hái ở đây. Chính vì thế nơi nào có cọc ông đều biết. “Tại khu vườn nhà tôi đang ở khoảng 1,6 mẫu cũng có rất nhiều chiếc cọc gỗ”, ông Hiệp nói.

Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu cho biết, trước mắt, Viện tập trung khai quật khu vực phát hiện 13 chiếc cọc gỗ, bịt các đầu cọc khai quật được để bảo đảm phục vụ công tác nghiên cứu về chiến trận Bạch Đằng. Dự kiến, việc khai quật diễn ra trong vòng 40 ngày. Sắp tới, sẽ có các chuyên gia đến từ trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội xuống khảo sát, đánh giá.

Như  Dân Việt đã phản ánh, trước đó, ngày 9/2, trong quá trình bơm nước để thu hoạch cá, gia đình ông Đào Văn Đến (trú tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) phát hiện được 13 cọc gỗ dưới đáy ao. Ngày 12/2, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ sau đó báo cáo UBND thành phố và đề nghị được khai quật bãi cọc nói trên.

Đây là bãi cọc thứ 2 được phát lộ trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Trước đó, ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. 27 chiếc cọc gỗ có niên đại hàng nghìn năm tuổi đã xuất lộ trên diện tích khoảng 1.000m2 tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ tại xã Liên Khê. Tại hội thảo khoa học được tổ chức sau khi khai quật, căn cứ vị trí phát lộ và niên đại của gỗ, các chuyên gia đánh giá cao tính lịch sử của bãi cọc bởi có nhiều khả năng có liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của cha ông ta.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem