Hà Nội: Các trường hợp dương tính qua test nhanh không mắc Covid-19

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 02/04/2020 21:11 PM (GMT+7)
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, các trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn Hà Nội qua xét nghiệm lại đều không mắc Covid-19.
Bình luận 0

Tối nay 2/4, bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, trong ngày hôm nay, các trạm xét nghiệm nhanh lưu động trên địa bàn Hà Nội đã xét nghiệm được thêm 1.782 trường hợp.

Các trường hợp nghi ngờ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm sẽ được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR - phương pháp phát hiện SARS-CoV-2 để khẳng định và công bố sau.

Lãnh đạo CDC Hà Nội thông tin, do lượng test hiện vẫn chưa về kịp nên trong ngày hôm nay (2/4), việc xét nghiệm nhanh mới được mở rộng thêm tại khu vực quận Hoàng Mai.

img

Lực lượng y tế tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.

Trong ngày mai (3/4), nếu lượng test nhanh về thêm, CDC Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện để mở rộng các điểm xét nghiệm lưu động.

Đáng chú ý, liên quan đến các trường hợp test nhanh có kết quả nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện trong ngày 31/3 và 1/4, ông Tuấn cho hay, sau khi tiến hành xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR đã có kết quả âm tính - không mắc Covid-19. 

Cụ thể, trong hai ngày trên có 6 trường hợp test nhanh có kết quả nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2 phát hiện. Như vậy, đến thời điểm hiện tại các mẫu nghi dương tính Covid-19 qua xét nghiệm nhanh ở Hà Nội trong ngày 31/3 - 1/4 đều cho kết quả âm tính.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng cho biết, TP.Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai việc xét nghiệm nhanh để rà soát các trường hợp có nguy cơ trong cộng đồng, loại bỏ nguy cơ lây lan.

“Test nhanh sẽ xác định được những người có nguy cơ sớm hơn. Nếu không lại phải tập trung vào làm xét nghiệm bình thường, mất nhiều thời gian hơn, tốn kém và nhiều thứ liên quan”- ông Tuấn nói.

Nói rõ về việc “cách ly xã hội”, lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh, người dân cần hiểu đúng về “cách ly xã hội” có nghĩa là “hạn chế một cách tối đa những người không có việc cần thiết thì không nên đi ra ngoài, chứ không phải cách ly tuyệt đối”.

“Ví dụ một khu vực có bệnh nhân dương tính Covid-19 thì sẽ triển khai biện pháp khoanh vùng cách ly, đó là cách ly tuyệt đối, nội bất xuất ngoại bất nhập. Còn cách ly xã hội vẫn có việc ra vào, tuy nhiên ở mức độ hạn chế tối thiểu, người dân vẫn có thể đi mua lương thực, thực phẩm, đồ ăn, nhu yếu phẩm hàng ngày” – ông Tuấn nói.

Đồng thời, vị này cho rằng, việc thực hiện cách ly xã hội phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. “Muốn bảo vệ cho bản thân thì cần thực hiện cách ly xã hội tốt nhất”.

“Trong khi cả đất nước đang thực hiện cách ly xã hội mà người nào đi ra ngoài thì bản thân người đó có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, chưa kể nếu đã mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho người khác” – ông Tuấn nói và lưu ý “bây giờ vẫn khuyến cáo và vận động, còn khi nào mà tình hình căng hơn nữa, gọi là cách ly tuyệt đối thì mới có việc hạn chế tuyệt đối việc đi lại”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem