Giá nông sản hôm nay 5.10: Giá cà phê không thể giảm sâu, ai mới là người quyết giá?

Minh Huệ Thứ năm, ngày 05/10/2017 05:00 AM (GMT+7)
Chốt phiên giao dịch ngày 4.10, giá cà phê robusta trên sàn London kì hạn giao tháng 11 giảm nhẹ, vì vậy giá cà phê Tây Nguyên sáng nay sẽ đi theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định giá cà phê hôm nay sẽ không thể giảm thấp, vì nguồn cung đang cạn kiệt trong khi phải tới tháng 11 Việt Nam mới chính thức vào vụ thu hoạch.
Bình luận 0

img

Giá nông sản hôm nay 4.10, giá cà phê trong nước giảm nhẹ theo giá thế giới. Ảnh minh hoạ

Giá cà phê hôm nay giảm nhẹ

Chốt phiên giao dịch ngày 4.10 rạng sáng nay, giá cà phê trên cả 2 sàn London và New York cùng chiều hướng giảm. Theo đó, sau khi tăng giá 2 phiên liên tiếp, giá cà phê robusta trên sàn London kì hạn giao tháng 11.2017 và kì hạn tháng 1.2018 cùng giảm nhẹ 5 USD/tấn, về mức lần lượt là 2.016 USD/tấn và 1.977 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York tiếp tục giảm phiên thứ 3, tuy nhiên đà giảm đã thấp hơn so với phiên trước. Cụ thể, giá arabica giao kì hạn tháng 12.2017 và tháng 3.2018 cùng giảm 0,30 cent/lb, về lần lượt mức giá 125,50 cent/lb và 128,70 cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình. 

Với đà giảm trên cả 2 sàn, giá cà phê hôm nay 5.10 tại Tây Nguyên giảm nhẹ 100 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk chốt ở mức 43.000 đồng/kg, giá tại Gia Lai và Đắk Nông cùng ở mức 43.100 đồng/kg, còn tại Lâm Đồng giảm còn 42.300 đồng/kg. Giá cà phê nhân xuất khẩu tại cảng TP.Hồ Chí Minh sáng nay giảm còn 1.925 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn, trừ lùi 90 USD/tấn. 

Nguồn cung cạn, giá cà phê từ nay đến cuối năm sẽ không thể xuống

Đó là nhận định của ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa kiêm Tổng giám đốc Intimex Group. Ông Nam cho biết, hiện giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tuy giảm nhẹ theo giá thế giới, nhưng giá sẽ không giảm sâu trong những ngày tới do thị trường vẫn đang thiếu hụt nguồn cung.

img

Nông dân huyện Mường Ảng (Điện Biên) thu hoạch cà phê. 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê tháng 9.2017 ước đạt 86.000 tấn với giá trị đạt 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,11 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, giảm 20,7% về khối lượng nhưng tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2017 đạt 2.281,4 USD/tấn, tăng 28,5% so với  cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 14,7% và 13,5%.

Ông Nam cũng cho biết, niên vụ này Việt Nam tiếp tục mất mùa so với niên vụ trước, ước xuất khẩu giảm từ 20 - 30% so với niên vụ trước, và cơ bản là nguồn cung từ Việt Nam đã cạn kiệt, đến tháng 11 tới đây mới vào vụ thu hoạch, lượng hàng hóa trên thị trường đang thiếu. Do đó buộc khách hàng phải vào sàn để lấy, vì có nhiều hợp đồng nước ngoài đang cần mua nhưng chưa có hàng.

Bên cạnh đó, có thông tin Brazil cần nhập khẩu cà phê robusta cho ngành công nghiệp rang xay và cà phê hòa tan, do vụ mùa năm trước cà phê Robusta của Brazil bị thất thu nghiêm trọng, giảm khoảng 40% tương đương 5 triệu bao, còn 12 triệu bao (1bao=60kg).

Do vậy, xu hướng chung là từ nay đến cuối năm giá bắt buộc phải lên nhưng lên mức độ nào thì còn tuỳ thuộc nhu cầu trên thị trường.

Thương lái mới là người nắm giữ giá cà phê?

img

Nông dân Việt Nam thường bán cà phê tươi cho thương lái và bị phụ thuộc giá bởi thương lái. (Ảnh: Nông dân tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thu hoạch cà phê - Tr. Tân)

Theo Vicofa, hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê. Năng lực quản trị của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê còn chưa chuyên nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp kinh doanh chế biến cà phê không đủ khả năng để thu mua cà phê trực tiếp tại vườn hộ của nông dân.

Có tới 90% số các doanh nghiệp trong nước và 100% số các doanh nghiệp FDI thu mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu, cho nên chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao. 

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), thì hiện chỉ có 10% lượng cà phê nông dân sản xuất ra được bán trực tiếp cho các công ty lớn; 90% lượng cà phê còn lại được thu gom bởi các thương lái trung gian. Bởi vậy, giá thu mua thường được quyết định bởi giới thương lái, chứ không phải người nông dân. 

Khác với nhiều cộng đồng trồng cà phê trên thế giới như Brazil hay Ethopia, ngành hàng cà phê Việt Nam mang tính nhỏ lẻ, nông dân trồng cà phê với diện tích hẹp và manh mún. Bởi vậy, việc thu mua sản phẩm không thể làm theo quy mô lớn mà phải phụ thuộc vào những thương nhân địa phương.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa nhận định: “Mua bán cà phê qua thương lái có rất nhiều rủi ro về chất lượng. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp trong hiệp hội họp bàn nhiều, nhưng các doanh nghiệp lớn đều bảo: không làm thế nào để thoát ra khỏi thương lái, trung gian, các đại lý được, bởi các công ty cà phê lớn cũng không đủ nhân lực và chi phí đầu tư để thu gom”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem