ĐBQH Dương Trung Quốc: Trạm BOT thích thu tiền mặt vì dễ "bỏ túi"

Minh Huệ (ghi) Thứ ba, ngày 13/11/2018 18:30 PM (GMT+7)
Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả, người lãnh đạo cao nhất phải gương mẫu, minh bạch thì cấp dưới chắc chắn sẽ noi theo.
Bình luận 0

img

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ góp phần hạn chế tham nhũng. Ảnh: N.T 

Thưa ông, xung quanh Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn rằng khó có thể kiểm soát tài sản cán bộ, ông nghĩ sao về điều này?

Yếu tố quan trọng nhất của phòng chống tham nhũng là minh bạch, cũng như ánh sáng làm lộ nguyên hình mọi thứ. Thước đo cho sự minh bạch, quan trọng nhất của mỗi cán bộ hiện nay chính là nguồn thu nhập. Tuy nhiên thực tế cho thấy đang có quá nhiều kẽ hở trong việc làm rõ nguồn thu nhập của cán bộ, ví dụ ngay như việc sử dụng tiền mặt. Chúng ta đang để một môi trường rửa tiền dễ như không, dẫn tới không thể quản lý được.

Đương nhiên để hạn chế sử dụng tiền mặt là cả một quá trình cần thay đổi, không những về luật lệ, mà còn phải thay đổi cả tập quán, nhận thức của cả xã hội.

Ở các nước, những vấn đề liên quan đến tài sản là cực kì quan trọng, họ kiểm soát rất chặt chẽ, nhờ thế đảm bảo sự minh bạch. Còn ở nước ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Tôi thấy các ngân hàng đã có khuyến khích chuyển khoản, nhưng chưa tạo ra hành lang pháp lý nhằm hạn chế tối đa dùng tiền mặt để dễ kiểm soát.

Bây giờ tất cả chúng ta chỉ biết nhìn vào việc khai báo tài sản, khi cơ cấu tài sản thay đổi thì có khai báo kịp thời không? Tôi cho rằng việc này không hiệu quả, bởi trong xã hội hiện nay mọi sự luồn lách, hay khai báo không trung thực đều có thể xảy ra.

Tôi không lý tưởng hóa làm 1 lần là xong, mà phải đấu tranh với tham nhũng một cách toàn diện, làm thế nào để xã hội được sống minh bạch. Tôi có quyền làm giàu, và có quyền được giàu nhưng tài sản đó cần rõ ràng, minh bạch.

Vậy theo ông, luật sửa đổi lần này có tiệm cận tới những luật phòng chống tham nhũng mà các nước đã thực hiện rất hiệu quả?

Tôi cho rằng luật đang tiệm cận với những thành công của các nước, dần phù hợp với xu thế. Có lẽ phần nào chúng ta sốt ruột trước tình hình tham nhũng phức tạp, nhưng việc này không thể đốt cháy giai đoạn mà phải có lộ trình kiên định. Kiểm soát tài sản là cần thiết nhưng phải toàn diện.

Tôi rất ngạc nhiên là ngay tại Quốc hội này, khi luật mới đưa ra vấn đề kiểm soát bất động sản, nhiều người đã có vẻ muốn né tránh ngay. Phải chăng ai cũng biết bất động sản hiện nay là nơi trữ tiền tốt nhất, thậm chí là nơi rửa tiền tốt nhất. Ai cũng biết điều đó, vậy thì tại sao Quốc hội lại né? 

Thưa ông, tài sản của cán bộ có thể tăng giảm đột biến trong một thời gian ngắn, vậy luật sửa đổi lần này liệu có đáp ứng được sự thay đổi đó và hạn chế được những tài sản không minh bạch?

Tôi chắc chắn một điều là nếu luật này ra đời thì người ta sẽ phải kín đáo hơn, chứ có thể chưa đảm bảo minh bạch hơn. Nhưng cho dù là kín đáo hơn, chúng ta vẫn phải làm để từng bước tiến tới minh bạch về tài sản.

Chúng ta đang e ngại giữa chuyện bảo vệ bí mật cá nhân, với việc làm thế nào để kiểm soát được tài sản không minh bạch. Mâu thuẫn này cần từng bước giải quyết chứ chưa thể làm rõ ràng ngay được.

Trong vấn đề này, tôi nghĩ cần phải lấy sự gương mẫu làm đầu. Người ta nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, do đó người đứng đầu, người lãnh đạo cao nhất mà gương mẫu thì chắc chắn sẽ có sự tác động tích cực tới cấp dưới.

img

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Dương Trung Quốc cho rằng cần thực hiện phòng chống tham nhũng từ những việc đơn giản nhất, như thực hiện tự động hóa tại các trạm BOT. Ảnh: N.T

Thời gian qua chúng ta đã xử lý không ít đại án tham nhũng, ông đánh giá thế nào về việc thu hồi tài sản tham nhũng?

Rõ ràng là tỷ lệ thu hồi rất thấp, vì có rất nhiều ngóc ngách mà chúng ta không thể kiểm soát được nguồn tài sản vi phạm.

Các nước đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống tham nhũng, tại sao chúng ta không học? Tôi lấy ví dụ như các trạm BOT phải tự động hóa, lấy tự động hóa là giải pháp kiểm soát nguồn thu rõ nhất. Việc này đơn giản cả về công nghệ lẫn chi phí đầu tư, vậy tại sao chúng ta vẫn thích thu tiền mặt hơn?

Bởi vì thu tiền mặt người ta có thể bỏ túi được, không chỉ bỏ túi cho bản thân mà còn có thể bỏ túi cho cả một số quan chức. Hình như có sự đồng lõa với nhau trong chuyện này.

Chúng ta có thể thực hiện phòng chống tham nhũng từ những việc đơn giản nhất, không cần phải phức tạp hóa, xa xôi to tát làm gì. Đây cũng là một thước đo lòng tin của người dân.

Như ông nói, bất động sản là nơi trú ẩn tốt nhất của tham nhũng, vậy theo ông chúng ta có nên đánh thuế thật cao vào bất động sản?

Đây là việc các nước đã làm cả rồi. Từ bất động sản thứ 2 thuế sẽ cao hơn và cứ thế lũy tiến, để tránh đầu cơ và rửa tiền. Thậm chí chúng ta có thể nghĩ tới việc đánh thuế tới 70% đối với tài sản bất minh, hay không chứng minh được nguồn gốc.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem