Dấu ấn làng hầm của trung tá Vy

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 10/02/2017 06:10 AM (GMT+7)
Địa đạo Vịnh Mốc từng che chở, nuôi dưỡng hàng ngàn quân và dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Là người thiết kế, chỉ đạo thi công, địa đạo Vĩnh Mốc đã gắn liền với tên tuổi của trung tá, cựu Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang nhân dân 140 Lê Xuân Vy.
Bình luận 0

“Xây làng” bằng 3 ngọn đèn

Những ngày này, các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Trị cùng nhân dân khắp nơi vẫn đang hướng đôi chân mình đến ngôi nhà nhỏ ở khu phố 4, phường 5, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để thắp cho ông Lê Xuân Vy nén hương tiễn biệt. Ai cũng có những cảm xúc của riêng mình. Có người đã gặp, có người chỉ mới nghe danh tiếng của ông qua những trang báo… Riêng tôi đã may mắn được gặp và nghe vị cựu trung tá đáng kính này kể lại những tháng ngày gian khổ đào địa đạo Vịnh Mốc. Đó là vào tháng 8.2013, khi ấy ông Vy đã ở tuổi 84.

Vuốt lại mái tóc bạc phơ, ông Vy kể, vào những năm 1965, đất thép Vĩnh Linh không lúc nào ngớt tiếng bom rơi, đạn nổ. Ngày cũng như đêm, không quân và pháo binh Mỹ giội bom, pháo sáng liên tục từ các cao điểm Dốc Miếu – Cồn Tiên, và chiến hạm từ Biển Đông vào. Tuy thương vọng vô số nhưng quân và dân ta một tấc không đi, một li không rời, quyết bám đất, bám làng để chi viện cho miền Nam và đảo Cồn Cỏ.

Để bám làng, việc bảo vệ tính mạng, lương thực, vũ khí… được bàn thảo nhiều lần. Quan sát thấy ở làng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) có nhiều quả đồi đất đỏ nằm sát bờ biển, thuận lợi cho việc đào hầm trú ẩn nên cấp trên phát lệnh đào địa đạo. Lúc ấy, ông Lê Xuân Vy được tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy đào địa đào Vịnh Mốc. Ngày 18.2.1965 công trình “làng hầm” bắt đầu được triển khai.

img

   Mô phỏng lại cảnh sinh hoạt dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc.   ảnh: Ngọc Vũ

Cựu chiến binh Hồ Văn Triêm, xã đội phó dân quân xã Vĩnh Thạch nhớ lại, ông Ngô Trạn - Chi ủy viên cùng 4 đoàn viên Hồ Xuyên, Nguyễn Hứa, Lê Hùng Thế, Nguyễn Thuyến được phân công bổ những nhát cuốc đầu tiên đào địa đạo. Việc đào địa đạo cực kỳ khó khăn trong điều kiện thiếu ánh sáng, không hề có một phương tiện máy móc nào mà chỉ dùng cuốc, xẻng, cúp, đôi gánh tre và sức người.

Ông Triêm kể, thời kỳ đó chất đốt vô cùng hiếm hoi nên phải tiết kiệm hết sức nhưng vẫn thiếu. Khi không còn dầu hỏa, những cụ già trong làng phải đi chặt tre lồ ô to rồi chẻ nhỏ ra làm đuốc chiếu sáng cho thanh niên đào địa đạo. Còn phụ nữ phụ trách công việc gánh đất đổ ra biển và chặt lá ngụy trang. Việc đổ đất ra biển chỉ thực hiện khi đêm xuống, sáng ra sóng biển đánh tan, vì thế mà hơn 6.000m3 đất đổ ra từ địa đạo địch không hề hay biết. Đào dưới hầm sâu, đốt dầu, đốt đuốc chiếu sáng nên người đào phải hít khói đen, ho hen, đau ốm. Ấy vậy mà dưới sự chỉ huy của ông Lê Xuân Vy, ai cũng xung phong không nề hà.

Việc đào địa đạo ban đầu chỉ dựa vào kinh nghiệm, vì thế gặp rất nhiều khó khăn. “Anh em đào trong lòng đất, chỉ biết áp tai nghe tiếng “thùm thụp” phát ra từ phía đối diện là tiếp tục đào. Cũng vì thế mà nhiều đoạn địa đạo bị cong, gấp khúc” – ông Triêm kể.

Về lời kể của ông Triêm, ông Vy lý giải: Vì mọi người đều thuận tay phải, khi đào thường móc cuốc sang trái nhiều hơn. Vì vậy, ông Vy nghĩ ra cách dùng ba cây đèn đặt thành một đường thẳng rồi theo đó đào sâu vào. Trong khi đào, cứ bổ bên phải 5 nhát thì đổi sang bổ bên trái 5 nhát. Để đẩy nhanh tiến độ, ông Vy chia 3 người thành một tổ và tổ chức thi đua đào địa đạo. Tổ nào trong một ngày đào được 7m độ sâu, 1m chiều dài sẽ được gọi là kiện tướng đào địa đạo, đội nào trên 7m sẽ là đại kiện tướng, trên 8m sẽ là đại kiện tướng đặc biệt. “Phong danh hiệu để phấn khởi tinh thần thôi chứ chẳng hề có phần thưởng. Ấy thế mà động lực của anh em được đẩy lên cao hẳn” – ông Vy cười.

Dấu ấn làng hầm

Để có một hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng hầm từ độ sâu 15-22m với hơn 2.000m chiều dài trục chính, cùng đầy đủ thiết chế hạ tầng của một khu dân cư gồm các căn hộ gia đình, trạm xá, nhà hộ sinh, trường mẫu giáo, hội trường… là sự góp sức của hơn 18.000 ngày công của quân và dân Vĩnh Linh với sự chỉ huy của Đồn trưởng đồn công an vũ trang 140 Lê Xuân Vy trong vai trò “tổng công trình sư”.

Sau 18 tháng miệt mài, địa đạo Vịnh Mốc hoàn thành với 3 tầng, sâu 23m, rộng 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m. Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi. Tại các cửa hầm được chống đỡ bằng cột nhà bằng gỗ để chống sập và sụt lở, ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm.

Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15m là nơi sống và sinh hoạt của dân làng; tầng 3 có độ sâu hơn 23m, cách mặt nước biển khoảng 5m, là nơi tránh bom đồng thời trung chuyển hàng hoá, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ.

Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu 1,8m, rộng 0,8m là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, bệnh xá, trạm gác, máy điện thoại, nhà hộ sinh, nhà tắm...

Sống dưới địa đạo Vịnh Mốc với điều kiện thiếu thốn trăm bề, nhưng quân và dân ta vẫn quyết tâm bám trụ, và còn sinh sôi con cháu. Nhớ lại tháng ngày gian khổ, bà Nguyễn Thị Hoan (82 tuổi), người đã sinh con là anh Trần Văn Thương vào năm 1967 dưới lòng địa đạo không khỏi bùi ngùi. Đó là vào tháng 11 âm lịch, mưa rét nhất trong năm, bà trở dạ lúc thiếu thốn trăm bề dưới lòng địa đạo. Dù đã chuẩn bị trước một ít quần áo rách nhưng khi đứa con rớt ra giữa nền đất, bà vẫn quá đỗi bàng hoàng. Lúc đó, quanh hầm đều ẩm ướt, lạnh ngắt, nước thấm quanh vách đọng thành vũng dưới chân. Bà phải tìm những mảnh dẻ rách quấn cho con và cùng chị em trong hầm quây lại ôm nhau sưởi cho cháu nhỏ bằng hơi ấm của mình. “Lúc tôi sinh thằng Thương, ba hắn vẫn đang đào địa đạo. Thời đó chỉ ăn sắn ăn khoai nhưng may có sữa cho con bú” – bà Hoan tâm sự.

Cũng như bà Hoan, bà Lê Thị Khiêm (84 tuổi) là người đã sinh con tên Thành vào tháng 9.1967. Bà Khiêm kể: “Khi sinh thằng Thành tôi nằm trên chiếc sạp tre cách mặt đất chừng 10cm, bên dưới nước lênh láng, ẩm ướt. May được chị em kiếm cho cái áo sạch lau rốn cho con. Vì thiếu thốn quần áo nên tôi rất lạnh, răng cứ đánh với nhau kêu canh cách nhưng phải cố chịu để sưởi ấm cho con”. Sở dĩ trong hầm không thể đốt lửa sưởi là vì sợ khói đen bốc lên, địch sẽ phát hiện đánh bom nên các mẹ dù lạnh lẽo cũng đành ráng chịu. “Lúc sinh con dưới địa đạo rét mướt tôi lo lắm, sợ con rét không chịu nổi. Trên mặt đất thì bom giội liên hồi. Mà cũng may là có địa đạo này chứ không có thì làng này bị bom giặc quét sạch rồi” – bà Khiêm nói.

Ngoài anh Thương, Thành, trong 5 năm (từ 1967-1972) còn có 15 trẻ khác cất tiếng khóc chào đời dưới lòng địa đạo, trong đó có con trai ông Vy tên Lê Xuân An. Đặc biệt, ở địa đạo Vịnh Mốc không có ai bị thương vong. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem