Đại sứ Phạm Sanh Châu: Khát khao quảng bá đất nước bằng văn hóa, áo dài...

Anh Thư Thứ ba, ngày 29/01/2019 06:22 AM (GMT+7)
Đại sứ Phạm Sanh Châu là người được biết nhiều đến với những nỗ lực thực hiện ngoại giao văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – di sản Việt. Trước thềm năm mới, đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ với Dân Việt/NTNN về đón tết nơi xa, về những dự định mới để quảng bá đất nước, văn hóa Việt Nam...
Bình luận 0

Thưa Đại sứ, chắc hẳn tết năm nay là một cái tết đặc biệt với ông, đón tết ở Ấn Độ, trên cương vị mới?

- Tết năm nay tôi lại xa nhà, nghĩ đến điều đó tôi thấy buồn da diết. Xa nhà vào dịp tết là một trong những điều tôi ghét nhất trên đời này. Tôi cứ tự nhủ đời người được hưởng trọn vẹn có bao nhiêu tết đâu mà sao cứ vài cái tết lại phải xa nhà? Cơ mà tại sao tôi lại yêu tết đến thế nhỉ? Phải chăng cuộc đời tôi có quá nhiều trải nghiệm để có thể so sánh và hiểu được rằng giá trị của tết lớn lao như thế nào trong thế giới hình thể, tâm linh và tình cảm của tôi. 

Trong thế giới hình thể đó tôi được lang thang ở các nơi mà thiếu nó tết sẽ không phải là tết. Đó là vườn đào Nhật Tân mà mỗi lần ở Hà Nội vào dịp tết tôi sẽ đến để ngắm sắc đào và chọn cho mình một gốc đào thật đẹp. Đó là chợ hoa Quảng An mà ngày 29 hoặc sáng 30 Tết tôi sẽ đến để mua rất nhiều hoa để cắm trong nhà…

Không gian linh thiêng của tôi là vào những ngày sát tết tôi cảm thấy gần gũi hơn với ba má tôi và những người đã khuất. Tôi sẽ cùng gia đình vợ đi tảo mộ bố vợ tôi, sẽ chuẩn bị ban thờ thật trang nghiêm, tươm tất...

Tết là sự đặc đậm nhất trong thế giới tình cảm của tôi khi mà tôi được đón bao người quen và bạn bè đến mừng tết. Cũng chẳng có gì to tát ngoài hộp bánh, hộp mứt, bình hoa hay lọ ô mai,  táo tầu…, nhưng độ thăm hỏi tiếp xúc rất dày đặc. Tôi có dịp đi thăm và tri ân những người mà cả năm trời tôi mới có dịp gặp hoặc là thăm những người có hoàn cảnh khó khăn nhất mà tôi quen. Gần đây tôi lại tham gia nhóm Đình Làng Việt nên tha hồ nhiều hoạt động quảng bá tết… Thích lắm lắm. Xa tết Hà Nội tôi càng khắc khoải và yêu tết nhiều hơn. 

img

 Đại sứ Phạm Sanh Châu và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cổ vũ Đội tuyển Việt Nam thi đấu AFF Cup 2018. ảnh: N.V

Yêu và nhớ tết vậy, nên hẳn Đại sứ và Đại sứ quán cũng đã chuẩn bị chu đáo, tươm tất cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc ở nơi xa?

- Tết ở Đại sứ quán ta tại Ấn Độ khác với những nơi tôi thường công tác là anh chị em trong cơ quan sẽ đi mua lợn về thịt để gói bánh trưng. Và đêm luộc bánh chưng sẽ thú vị và ấm cúng như ở các miền quê của Việt Nam vì bên này trời rất lạnh. Chúng tôi cố gắng chuẩn bị một mâm cỗ thật tươm tất để cúng tổ tiên và tất cả anh chị em và gia đình trong Đại sứ quán sẽ mặc thật đẹp trong trang phục áo dài dân tộc để cùng làm lễ dâng hương. 

Chúng tôi sẽ làm 2 cành mai và cành đào thật đẹp để cho gần gũi hơn không gian Tết Việt. Sau đó chúng tôi sẽ cùng biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”, thưởng thức các món ăn đậm chất dân tộc và cuối cùng sẽ quay sổ số để xem ai may mắn trúng thưởng. Năm nay tôi cũng tập trung lo cho cộng đồng người Việt ở Ấn Độ.

Lửa nhiệt huyết không bao giờ tắt

Là người được biết nhiều đến với những nỗ lực thực hiện ngoại giao văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa 

Do tôi mới sang và công việc nhiều quá nên chắc tết năm nay chưa phổ cập được việc mặc áo dài nam ở Đại sứ quán cũng như đến gặp gỡ bạn bè Ấn Độ. Chắc năm sau sẽ rất nhiều cán bộ nam trong Đại sứ quán Việt Nam mặc áo dài đấy”.
Đại sứ Phạm Sanh Châu

- di sản Việt, dịp tết này cũng là một cơ hội để Đại sứ quảng bá ngày tết và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam?

- Mỗi quốc gia đều xây dựng cho mình một hệ thống giá trị từ đó hình thành nên sức mạnh mềm của quốc gia đó. Chất keo dính kết các cộng đồng dân tộc Ấn Độ chính là Hindu giáo (hay gọi chung là Ấn Độ giáo). Vậy sức mạnh mềm nào gắn bó dân tộc Việt Nam và làm gia tăng vị trí quốc tế của quốc gia này? Rõ ràng quá khứ hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt là tài sản vô giá tạo nên thương hiệu Việt của ngày hôm nay.

Tôi nghĩ, tết là lúc thích hợp nhất để các giá trị cốt lõi nhân, thiện, mỹ của người Việt được cô đọng và phát lộ nhất trong năm. Lúc đó không còn chỉ là quảng bá nghi lễ ăn tết như thế nào, ăn gì, làm gì mà trên hết là các giá trị tâm linh tình cảm của người Việt vào thời khắc thiêng liêng nhất của năm. Điều này càng trở nên đúng hơn và sâu sắc hơn đối với những người con xa xứ khi họ thiếu đi không gian văn hoá quen thuộc vốn có.

May mắn thay những cán bộ trong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn được tạo điều kiện thuận lợi để sống trong môi trường tết gần với khung cảnh đất nước nhất. Chính vì thế mọi người sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất và ai yêu trang phục dân tộc sẽ mặc áo dài truyền thống. 

Cuối năm, xin hỏi Đại sứ một chuyện đã qua: Việc không trúng cử Tổng Giám đốc UNESCO có khiến đại sứ từng chán nản hay giảm nhiệt huyết với công việc gìn giữ, quảng bá văn hóa Việt Nam?

- Việc không trúng cử chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO làm tôi rất buồn trong một thời gian dài. Tôi suy ngẫm và viết xuống rất nhiều về các bài học cần ghi nhớ về công tác vận động ngoại giao ở trên các diễn đàn quốc tế. Nhưng việc chưa thành công ở công tác tranh cử vào một vị trí duy nhất và cao nhất của một tổ chức được mệnh danh là “Tổ chức đại diện cho lương tri của nhân loại” là việc bình thường và trên thế giới việc thất cử diễn ra hàng ngày. Càng đi tranh cử tôi càng có điều kiện để phân tích so sánh và càng nhận ra rằng đất nước mình tuy không lớn nhưng quả thật rất đẹp, dân tộc mình có những giá trị chung và giá trị riêng rất đáng tôn vinh và cần làm nổi bật hơn trên trường quốc tế.

Quảng bá cái hay, cái đẹp của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam dường như đã chảy trong máu tôi từ khi sinh ra nên càng có điều kiện tiếp xúc, đi lại tôi càng khát khao làm nhiều hơn. Tôi làm không chỉ vì đất nước mà cả để thoả cơn khát và niềm đam mê được đóng góp và cống hiến trên lĩnh vực mình có thế mạnh. Ngọn lửa nhiệt huyết ấy trong tôi không bao giờ tắt và cũng chẳng cháy âm ỷ mà nó luôn rực sáng.

Vậy những dự định lớn của Đại sứ cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam thời gian tới là gì?

- Trong thời gian tới mục tiêu của tôi là lập ra một CLB áo dài nam tại Đại sứ quán. Đây không phải là điều dễ vì đối tượng này là các cán bộ ngoại giao có gu thẩm mỹ và quan điểm về trang phục riêng mà chưa chắc đã thống nhất quan điểm với tôi. Hơn nữa việc mặc áo dài là cái gì rất riêng không thuộc nhiệm vụ của Sứ quán mà chỉ có tính chất khuyến khích và động viên nhất là vào thời điểm tết này.  Ở Việt Nam việc quảng bá thuận lợi hơn nhiều vì môi trường văn hoá ủng hộ việc này, người hưởng ứng lại rất đông. Ở đây phải làm công tác tư tưởng và vận động với lý do vì màu cờ sắc áo và hình ảnh Việt Nam. Tôi đã thành công trong việc vận động gần 100 người là cán bộ của đại sứ quán và người thân của họ mặc áo đỏ sao vàng ủng hộ đội tuyển Việt Nam thi đấu trận chung kết AFF Cup 2018 thì chắc tôi sẽ thuyết phục được đại đa số anh em trong và ngoài cơ quan Đại sứ quán mặc áo dài vào dịp tết năm nay.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem