Cử tri Đà Nẵng đề nghị cách chức cán bộ liên quan vụ nâng điểm

Lam Hàn - Đình Thiên Thứ hai, ngày 22/04/2019 19:25 PM (GMT+7)
Ngày 22.4, nhiều cử tri TP.Đà Nẵng đã đề nghị cách hết tất cả chức vụ trong đảng, chính quyền của các cán bộ liên quan đến vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Bình luận 0

Ngày 22.4, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng (ĐBQH) đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Qua các buổi tiếp xúc, cử tri Đà Nẵng rất quan tâm đến việc điều tra, khởi tố liên quan đến các vụ án mà các cơ quan Trung ương đang điều tra, thanh tra. Bên cạnh đó, các cử tri Đà Nẵng cũng quan tâm đến nhiều vấn đề nóng, thời sự trên cả nươc như vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.  

Liên quan đến vụ nâng điểm trong Kỳ thu THPT quốc gia 2018, đại biểu Đỗ Mạnh Chiến (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho rằng, nhưng sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là rất nghiêm trọng, là kỳ thi có những tiêu cực đình đám nhất từ trước tới giờ. Việc gian lận thi cử được thực hiện bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn... 

"Dư luận rất bức xúc khi các thí sinh được nâng điểm đều là con cháu của những người có chức, có quyền, lắm tiền nhiều của. Trong đó có nhiều thí sinh là con cháu của cán bộ ngành giáo dục", ông Chiến nói.

Đai biểu Đỗ Mạnh Chiến cũng đề nghị cách hết tất cả chức vụ đảng và chính quyền của người tham gia chạy điểm, hủy kết quả của tất cả các thí sinh được chạy điểm, kể cả các thí sinh có số điểm chấm thẩm định không thay đổi với điểm ban đầu, đồng thời đề nghị công khai danh tính những người có tiêu cực trong kỳ thi trên.

img

Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu với cử tri Đà Nẵng ngày 22.4. Ảnh: Lam Hàn

Trước phát biểu của các cử tri, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan điều tra tập trung làm hết sức cương quyết, đã nêu rõ ba địa phương (Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang - PV) có bao nhiêu trường hợp được nâng điểm. Và những trường hợp này sau khi chấm thẩm định không đủ điểm thì đều bị trả lại.

Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng chia sẻ thêm, việc giải quyết cho công bằng đối với các thí sinh thi thật bị trượt do thiếu điểm là vấn đề không thể giải quyết ngay được, nhưng qua đây, rút kinh nghiệm không có những kỳ thi như vậy nữa.

"Các ĐBQH nêu vấn đề phải xử lý nghiêm đối với những người trực tiếp trong hội đồng thi liên quan đến việc nâng điểm. Thậm chí người ta đang đặt vấn đề là những người là bố mẹ, phụ huynh của các học sinh được nâng điểm nên bị xử lý như thế nào", ông Nghĩa nói.

Trước đó, cơ quan công an điều tra xác định, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La xảy ra gian lận điểm thi. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.

Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3.2019, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả, 64 em ở Hòa Bình và 44 em ở Sơn La được nâng điểm. Nhiều trong số này đã nhập học tại các trường công an, quân đội, y khoa.

Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý.

Hiện, có 68 thí sinh bị buộc thôi học hoặc tự bỏ, 11 em được tiếp tục học. Số còn lại chưa rõ phương án xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem